Hôm nay: Chính phủ trình đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Chính trị - Ngày đăng : 09:30, 21/05/2012
Phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội
>>Báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội
>>Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội
>>Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân
Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, từ kỳ họp thứ 2 đến nay, với sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội tiếp tục phát huy hiệu quả; Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm dần; xuất khẩu tăng, thị trường ngoại tệ, vàng cơ bản được kiểm soát; An sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp, khả năng phục hồi còn khó khăn, khủng hoảng nợ công chưa được khắc phục. Ở trong nước, kinh tế phát triển chưa ổn định, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, dấu hiệu giảm phát và tốc độ tăng trưởng thấp cùng với những bức xúc về xã hội, môi trường và đời sống của nhân dân đang làm khó khăn thêm cho việc đạt được mục tiêu tổng quát và những chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2012.
Một kỳ họp của Quốc hội khóa XIII
Chủ tịch cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2011; triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2012 và Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; quyết định một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân năm 2012...
Đồng thời, xem xét, thông qua 13 dự án luật và 02 dự thảo nghị quyết gồm: Luật bảo hiểm tiền gửi; Luật giá; Luật phòng, chống rửa tiền; Luật giám định tư pháp; Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật giáo dục đại học; Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; Bộ luật lao động (sửa đổi); Luật công đoàn (sửa đổi); Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá; Luật quảng cáo; Luật tài nguyên nước (sửa đổi); Luật biển Việt Nam; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013; Nghị quyết về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và cho ý kiến về 6 dự án luật khác.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội và xem xét các chuyên đề, các báo cáo công tác của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2011; tình hình thực hiện pháp luật về bình đẳng giới năm 2011; sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tình hình xây dựng, quản lý và vận hành các đập thuỷ điện; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012 và xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Theo chương trình, trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội nghe Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ “Bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, tình hình kinh tế - xã hội 4 tháng đầu năm 2012 và những giải pháp chủ yếu tập trung chỉ đạo, điều hành trong những tháng còn lại của năm 2012”; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; Tờ trình và báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015; Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.