Đánh giá tiềm năng trẻ: Có thể tin vào công nghệ gen?
Công nghệ - Ngày đăng : 06:50, 21/05/2012
Gen vân da "nói" điều gì?
Theo người đứng đầu một trung tâm làm trắc nghiệm đánh giá tố chất trẻ em ở Hà Nội thì trắc nghiệm của văn phòng này dựa trên cơ sở gen vân da. Khoa học về gen vân da ở phương Đông đã có từ hàng nghìn năm, ở phương Tây cũng có hơn 300 năm nghiên cứu. Cơ sở để làm trắc nghiệm được dựa vào những đặc điểm rất đặc biệt của vân da, tính cá biệt của nó, 1/64 tỷ chiếc mới trùng một chiếc, dấu vân tay của mỗi người cũng không thay đổi trong suốt cuộc đời, thậm chí, ngay cả khi làm phẫu thuật thay da ngón tay thì chỉ sau một thời gian, dấu vân tay lại được hồi phục như ban đầu.
Quan tâm và chăm sóc đúng cách cho con trẻ từ lúc còn nhỏ, bố mẹ sẽ xác định được tố chất của trẻ. Ảnh: Linh Ngọc |
Các nhà khoa học đã chứng minh dấu vân tay được hình thành dưới tác động của hai yếu tố: hệ thống gen và môi trường; đồng thời chỉ ra rằng có sự liên hệ mật thiết giữa số lượng vân da và nơ ron thần kinh não. Cụ thể là ở động vật cấp thấp thì số lượng vân da ngón tay rất ít, trong khi động vật cấp cao và con người có số lượng vân da cao hơn hẳn. Vì vậy, những năm gần đây, vân tay đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu nhằm phát hiện tiềm năng con người. Ở Đài Loan (Trung Quốc), trắc nghiệm gen vân da đã được cơ quan quản lý giáo dục coi như một công cụ đánh giá tố chất của học sinh và được đưa vào các nhà trẻ, trường mẫu giáo, tiểu học để giúp cha mẹ sớm hiểu con một cách chính xác, từ đó phối hợp với thầy, cô hỗ trợ con cái học tập.
Ở Hà Nội, một số trung tâm làm loại trắc nghiệm này cũng chỉ làm công đoạn chụp vân tay, vân chân, sau đó chuyển các dữ liệu đến nơi giữ bản quyền phần mềm V.Genius.4.0 ở Đài Loan để phân tích. Những thông số đó được máy tính toán và cho ra kết quả cùng các kiến nghị nâng cao khả năng học tập, hoàn thiện tính cách, hướng học, hướng nghiệp... Giá một lần làm trắc nghiệm này khá đắt. Ví dụ trắc nghiệm mang tên "Con sẽ là ai?" dành cho trẻ từ 12-16 tuổi với nội dung phát huy điểm mạnh của đứa trẻ, từ đó có định hướng nghề nghiệp phù hợp, giúp trẻ đam mê và học tập hiệu quả có giá 2.200.000 đồng.
Tuy nhiên, GS Lê Đình Lương, Tổng Thư ký Hội Di truyền học Việt Nam lại cho rằng, trắc nghiệm này hoàn toàn không có cơ sở khoa học và đây chỉ là một số kinh nghiệm được đúc rút mà thôi. Ví dụ, người ta nghiên cứu khoảng vài nghìn vân tay của các nhà toán học, nó có xu hướng thế này thì đưa ra kết luận là vân tay dạng này có khả năng về toán học. Còn ở góc độ công nghệ gen thì không thể công nhận trắc nghiệm này là có cơ sở được. Ông cũng cho biết, để đọc được các khả năng nhờ công nghệ gen thì phải quét toàn bộ hệ thống gen của một người để giải mã. Quá trình này mất khoảng vài tháng với chi phí không dưới 10.000 USD. Kết quả phân tích gen sẽ đưa ra được những ưu, nhược điểm của hệ gen. Ví dụ như với chuỗi gen này thì người đó có thể mắc những bệnh gì.
Thầy cô "bó tay", chỉ còn cha mẹ
Theo PGS, TS Võ Thị Minh Chí, Viện Nghiên cứu Sư phạm, có thể xác định tố chất của học sinh qua đánh giá bằng trắc nghiệm và bằng nhận xét. Hiện trên thế giới, đánh giá bằng nhận xét của giáo viên vẫn là phổ biến. Ở các nước, sĩ số học sinh chỉ khoảng 20 em/lớp, nên giáo viên có thể quan sát, theo dõi để biết rõ từng học sinh, thậm chí giáo viên bộ môn cũng biết học trò này thế nào, học ra làm sao. Còn đánh giá bằng trắc nghiệm sẽ phiến diện và không chính xác vì mỗi trắc nghiệm chỉ bao quát về một lĩnh vực nào đó thôi vì câu hỏi trắc nghiệm được xây dựng dựa trên mục đích đánh giá và không có trắc nghiệm xuyên suốt cho tất cả lĩnh vực. Ví dụ, ngay trắc nghiệm trí tuệ IQ rất phổ biến cũng chỉ tính điểm chuẩn một cách chung chung, những lĩnh vực riêng biệt không trắc nghiệm thì không thể khẳng định.
Ở nước ta hiện nay, đánh giá bằng nhận xét nhờ nhạy cảm của giáo viên là việc rất khó thực hiện vì học sinh trong một lớp quá đông nên giáo viên không thể bao quát hết được. "Một lớp có đến hơn năm mươi học sinh, trong khi đời sống còn nhiều bề bộn, lo toan, giáo viên khó có thể chuyên tâm vào học sinh được. Chính vì vậy, đánh giá bằng nhận xét ở nước ta nhiều khi rất chủ quan. Chỉ khi nào, hệ thống giáo dục của chúng ta thay đổi, sĩ số lớp được giảm xuống thì mới mong việc đánh giá của giáo viên chính xác và toàn diện", bà Võ Thị Minh Chí khẳng định.
Tuy nhiên, việc tìm ra tố chất của học sinh cũng không quá khó. Theo các nhà nghiên cứu, cha mẹ chỉ cần quan tâm, bỏ thời gian quan sát, chăm sóc con từ nhỏ thì sẽ biết rõ đứa trẻ đó có tố chất gì nổi bật ở lĩnh vực nào, từ đó định hướng cho con. Rõ ràng, sự phát triển của khoa học vẫn không thể thay thế được sự quan tâm đúng cách và hiểu biết của những người làm cha mẹ, không chỉ trong chuyện xác định tố chất của một đứa trẻ.