Tuân thủ quy hoạch, nâng cao thu nhập cho nông dân
Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 21/05/2012
Để giữ đất trồng lúa, cần có cơ chế, chính sách đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ảnh: Bá Hoạt
Đất lúa là tài nguyên thiên nhiên quý giá, là tiền đề để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia nên khi sử dụng phải tiết kiệm triệt để. Tuy nhiên, thời gian qua, ở nhiều địa phương, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long, hai vựa lúa lớn của cả nước, đã diễn ra tình trạng chuyển đổi diện tích đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp một cách thiếu kiểm soát dẫn tới nhiều hệ lụy. Từ năm 2007, trung bình mỗi năm nước ta chuyển đổi trên 50 nghìn héc ta đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp. Còn tại Hà Nội, tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp năm 2010 khoảng 188,6 nghìn héc ta. Trong giai đoạn 2001-2010, diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội giảm 11,7 nghìn héc ta, bình quân mỗi năm giảm 1,1 nghìn héc ta. Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới giảm diện tích đất nông nghiệp là do chuyển sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, khu công nghiệp và làm đường giao thông...
Tốc độ chuyển đổi đất "bờ xôi, ruộng mật" sang mục đích phi nông nghiệp đến mức chóng mặt, đồng nghĩa với việc mỗi năm cả nước mất đi 400-500 nghìn tấn thóc. Diện tích đất lúa bị chuyển đổi còn làm cho người nông dân có nguy cơ mất việc làm. Trung bình 1ha đất lúa bị thu hồi khiến cho 1,5-2 lao động mất việc làm. Mỗi năm diện tích đất lúa bị thu hồi liên quan đến hơn 600 nghìn hộ nông dân, tương đương với 900 nghìn lao động. Đã thế, nhiều địa phương còn tự ý chuyển cả diện tích đất hai vụ lúa sang mục đích khác, dẫn đến tình trạng đất lúa màu mỡ cần giữ lại đem chuyển đổi trong khi quỹ đất sử dụng kém hiệu quả còn khá nhiều.
Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ vừa ra đời thể hiện quyết tâm chấn chỉnh thực trạng quản lý sử dụng đất và giữ đất nông nghiệp trồng lúa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người nông dân sử dụng đất. Ngoài việc đề cập đến mức hỗ trợ ngân sách cho địa phương sản xuất lúa, Nghị định còn đưa ra những quy định khá nghiêm ngặt để hạn chế tối đa tình trạng chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang các mục đích phi nông nghiệp. Việc chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước phải đáp ứng các điều kiện như: Phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng; có phương án sử dụng đất tiết kiệm tối đa, thể hiện trong thuyết minh tổng thể của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quy định... Nghị định cũng quy định cụ thể trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa, nghiêm cấm các hành vi gây ô nhiễm, làm thoái hóa, biến dạng mặt bằng của đất dẫn đến không trồng được lúa; bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên và đất lúa khác từ 2 năm trở lên không vì lý do thiên tai bất khả kháng...
Tuy nhiên, làm gì để bảo vệ 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa, đặc biệt với một nước nông nghiệp mà lúa gạo là nguồn lương thực chủ yếu để nuôi sống gần 90 triệu dân, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Trí Ngọc, trước hết phải giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho người trực tiếp làm ra lúa gạo, bảo đảm có lãi tương xứng với công sức người nông dân đã đầu tư. Quan trọng hơn, phải kiểm soát đất lúa một cách chặt chẽ, tuân thủ đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp thẩm quyền phê duyệt. Thực tiễn sản xuất nông nghiệp của Hà Nội cho thấy, cần có cơ chế, chính sách đầu tư nhiều hơn nữa cho thủy lợi, đường giao thông nông thôn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất mới có thể giữ được đất nông nghiệp lâu dài. Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ về vốn vay, tín dụng cho vùng đất lúa. Cùng với đó là đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất để giảm rủi ro, hạ giá thành sản phẩm. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định, trồng lúa là lợi thế của nước ta, đem lại lợi ích cho nông dân, không dễ gì tìm được cây khác hiệu quả hơn, vì vậy việc giữ 3,8 triệu héc ta đất trồng lúa là một tất yếu. Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất với Chính phủ ban hành thêm các chính sách để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Song, Bộ trưởng cũng thừa nhận, chỉ khi nào thu nhập của người trồng lúa được nâng lên, đạt mức ngang bằng với các ngành sản xuất khác thì nông dân mới yên tâm giữ đất lúa.
Theo Nghị quyết số 03/2012/NQ - HĐND vừa được HĐND TP Hà Nội ban hành thì đến năm 2015, diện tích đất trồng lúa là 170-172 nghìn héc ta, năng suất 58 tạ/héc ta, sản lượng 970-990 nghìn tấn; năm 2020, diện tích đất lúa giảm chỉ còn 144-146 nghìn héc ta, năng suất 60 tạ/héc ta. Thành phố sẽ mở rộng vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với diện tích 40 nghìn héc ta, chiếm 35% diện tích lúa gieo cấy, tập trung tại 8 huyện trọng điểm lúa.