Ưu tiên giải quyết tình trạng quá tải
Xã hội - Ngày đăng : 06:36, 21/05/2012
Với quy hoạch này, y tế Thủ đô kỳ vọng sẽ có nhiều khởi sắc trong thời gian tới. Hànộimới đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Khắc Hiền, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, xung quanh việc triển khai quy hoạch vào cuộc sống.
- Được biết, ngành y tế Hà Nội là đơn vị xây dựng bản quy hoạch này, ông có thể cho biết căn cứ vào đâu để ngành mạnh dạn xây dựng những đề xuất quan trọng như vậy?
- Chúng tôi căn cứ Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội; Quyết định số 1081/QĐ-TTg ngày 6-7-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó phấn đấu đến năm 2015 đạt tỷ lệ 20 giường bệnh/10.000 dân (tính cả bệnh viện tuyến trung ương là 34-35 giường bệnh/10.000 dân) và khoảng 25 giường bệnh/10.000 dân vào năm 2020 (tính cả bệnh viện tuyến trung ương là 41-42 giường bệnh/10.000 dân). Do vậy, đến năm 2020 với dân số khoảng 8 triệu, cần khoảng 20.000 giường bệnh, trong đó số giường bệnh công lập là 16.400 giường và số giường bệnh tư nhân từ 4.000 đến 6.000 giường. Để có 16.400 giường bệnh công lập cần phải nâng cấp 14 dự án BV; mở rộng và nâng cấp 6 BV đa khoa; xây dựng mới 25 BV (gồm 5 BV do di chuyển cơ sở mới; 7 BV là cơ sở 2 và 13 BV xây mới).
- Xây mới BV chỉ mất 2 đến 3 năm, nhưng chuẩn bị nguồn nhân lực đòi hỏi quá trình dài hơi, ngành y tế Hà Nội chuẩn bị vấn đề này như thế nào?
- Thành ủy, HĐND, UBND thành phố rất quan tâm vấn đề đào tạo và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho y tế Thủ đô. Trong đề án của chúng tôi đang chuẩn bị có giải pháp tăng cường đào tạo đội ngũ bác sĩ, trong đó chú trọng bác sĩ ở y tế cơ sở; ký hợp đồng đào tạo với các trường ĐH, CĐ về Y, Dược để tuyển dụng bác sĩ, kỹ thuật viên có kết quả học tập từ loại khá trở lên, kể cả có hộ khẩu ngoại tỉnh về công tác tại Hà Nội. Các đối tượng khác tuyển dụng thông qua xét tuyển, thi tuyển tùy theo điều kiện đơn vị. Hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn ở cho các bác sĩ công tác tại các huyện xa trung tâm. Giao tăng chỉ tiêu cho các BV tuyến thành phố để thực hiện luân phiên cho tuyến dưới. Hợp đồng với các chuyên gia đang công tác tại các BV trung ương… Về đào tạo, hợp đồng với Trường Đại học Y đào tạo bác sĩ hệ liên thông; hợp đồng với Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội và Hà Đông đào tạo nâng cao kỹ năng thực hành cho điều dưỡng và kỹ thuật viên. Khuyến khích các cá nhân tự túc kinh phí đi đào tạo nâng cao trình độ cả trong và ngoài nước…
- Trong thời điểm hiện tại, để "chia lửa" quá tải cùng với BV trung ương, giải pháp cấp bách của y tế Thủ đô tập trung vào những vấn đề gì?
- Hiện nay, tình trạng quá tải tập trung chủ yếu ở các BV chuyên khoa thành phố với công suất sử dụng giường bệnh trên 120%. Các BV huyện tuy có quá tải so với số giường kế hoạch, tuy nhiên việc bổ sung các giường thực kê đã góp phần giảm thực trạng quá tải (trên 100%). Chúng tôi đang xây dựng đề án giảm quá tải bệnh nhân tại các BV công lập của Hà Nội trình UBND thành phố phê duyệt. Trước mắt, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai một số giải pháp chống quá tải: tăng cường bổ sung giường bệnh các tuyến, đặc biệt các BV tuyến thành phố; bố trí đủ giường bệnh điều trị nội trú theo kế hoạch và khuyến khích mở rộng giường thực kê, giường bệnh xã hội hóa bảo đảm yêu cầu điều trị, chăm sóc người bệnh. Các đơn vị bố trí, sắp xếp lại nơi làm việc hợp lý; thực hiện cải cách hành chính tại nơi tiếp đón bệnh nhân; áp dụng công nghệ thông tin trong việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân (phiếu khám điện tử, bệnh án điện tử). Về lâu dài, triển khai xây dựng mới một số BV đa khoa, chuyên khoa (BV Phục hồi chức năng; BV 1.000 giường tại Mê Linh; BV Nhi Hà Nội tại Từ Liêm…) theo quy hoạch.
- Vậy y tế Hà Nội có biện pháp gì nhằm tận dụng tối đa cơ sở vật chất của y tế tuyến dưới trong việc giảm tải cho BV của thành phố?
- Hiện đang có sự mất cân đối trong việc sử dụng giường bệnh ở các tuyến y tế của Hà Nội. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi tăng cường đào tạo nhân lực cho tuyến dưới. Giao chỉ tiêu cho các BV thành phố luân phiên cán bộ về tuyến dưới. Có thể, những nơi nào cơ sở vật chất rộng rãi, thuận tiện cho khám, chữa bệnh sẽ chọn làm mô hình vệ tinh của BV thành phố hoặc trung ương về đó tổ chức khám bệnh cho nhân dân trong khu vực... Việc triển khai đồng bộ Quy hoạch phát triển hệ thống y tế thành phố, đặc biệt chú trọng việc phát triển hệ thống y tế cơ sở trong những năm sắp tới sẽ giải quyết được tình trạng mất cân bằng trong khám, chữa bệnh giữa các tuyến, giảm tình trạng quá tải cho BV thành phố.
- Xin cảm ơn ông!