Thách thức lớn với kinh tế vĩ mô
Kinh tế - Ngày đăng : 06:31, 21/05/2012
Dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, 3 chỉ số quan trọng đo lường nền kinh tế gồm lạm phát, nhập siêu và GDP đã phản ánh những tín hiệu lạc quan trong nỗ lực ổn định tiền tệ khi áp lực lên tỷ giá đã được giảm bớt, giúp VND có giá hơn. Tuy nhiên, dưới góc độ sản xuất kinh doanh (SXKD) thương mại, nhập siêu quý I chỉ bằng 1% so với KNXK phản ánh hoạt động SXKD, tiêu dùng và cả đầu tư đang gặp khó khăn. Việc nhập khẩu thiết bị máy móc ở nhiều ngành giảm mạnh, trong khi hàng tồn kho tăng cho thấy, sản xuất đang bị đình trệ và nền kinh tế bắt đầu bộc lộ sự "trễ nải", hay nói cách khác tổng cầu đang giảm mạnh. Đơn cử, từ đầu năm, tiêu thụ than nói riêng và khoáng sản nói chung chậm, lượng than tồn kho tăng cao, tài chính khó khăn. Theo Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV), tổng sản lượng than khai nguyên quý I đạt gần 12,7 triệu tấn, nhưng lượng than tiêu thụ chỉ đạt hơn 9,5 triệu tấn, bằng 21% kế hoạch năm, trong đó trong nước đạt hơn 6,7 triệu tấn. Tiêu thụ than chưa đạt tiến độ đề ra do ảnh hưởng xấu của nền kinh tế nên các hộ tiêu thụ trong nước lấy than chậm, đặc biệt ở các DN sản xuất xi măng, giấy, phân bón và hóa chất. Than XK cũng bị ảnh hưởng bởi diễn biến xấu của nền kinh tế thế giới và suy thoái ở nhiều nước. Lượng than tồn kho tăng đã dẫn đến tình trạng cân đối tài chính quý I của TKV gặp nhiều khó khăn, nợ vay ngân hàng tăng, tồn kho, ứ đọng vốn cao. Việc tiếp cận nguồn vốn cho các dự án đầu tư của TKV gặp nhiều khó khăn...
Tiêu thụ than chậm trong những tháng đầu năm có nguyên nhân từ diễn biến xấu của nền kinh tế. Ảnh: NGUYỄN ĐÁN
Tỷ lệ nhập siêu thấp so với mọi quý của các năm gần đây là con số "mừng ít lo nhiều". Với đặc điểm là nước đang phát triển và ngành công nghiệp vẫn chủ yếu là gia công lắp ráp từ điện tử đến dệt may, nhập siêu trong thời gian qua chủ yếu là nhập khẩu nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc nhập khẩu nguyên, vật liệu trong quý I thấp chứng tỏ sản xuất đang khó khăn, thị trường tiêu thụ hàng hóa không có đầu ra. Đây là tín hiệu cần lưu ý trong quá trình quản lý, điều hành vĩ mô. Không có gì là khó hiểu khi KNXK quý I đã đạt 24,5 tỷ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đại diện Bộ Công thương lại bày tỏ hoài nghi về khả năng hiện thực hóa mục tiêu đạt KNXK cả năm 2012 là 108,8 tỷ USD. Bởi, điều này đồng nghĩa với việc phải "gồng" hết sức để đạt KNXK bình quân 9,36 tỷ USD/tháng trong 3 quý còn lại. Trong khi đó, theo ngành chức năng, tại hai "đầu tàu kinh tế" là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, số lượng DN ngừng hoạt động và giải thể đã tăng mạnh.
Giải pháp "hạ cánh mềm"
Thực hiện mục tiêu cao nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tái cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam phải chấp nhận đánh đổi bằng việc SXKD kém sôi động, DN ít nhiều phải "trả giá" trong ngắn hạn. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng giảm như hiện nay, nếu khó khăn tiếp tục kéo dài, nền kinh tế sẽ bị "sốc". Vì vậy, mấu chốt nằm ở điều hành vĩ mô và vấn đề đặt ra là xác định đúng mức độ nghiêm trọng hiện nay của nền kinh tế, mức độ trì trệ của SXKD và đầu tư để có cách ứng phó đúng nhất, sớm nhất.
Theo các chuyên gia, rủi ro bất ổn kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã có xu hướng được cải thiện tích cực với cán cân thanh toán, cán cân thương mại, lạm phát đang có xu hướng giảm dần và tiếp tục giảm. Tháng 4, lạm phát bình quân năm xoay quanh mức 12,5%, thậm chí thấp hơn. Thanh khoản ngân hàng vẫn khó khăn, nhưng không còn mang tính bao trùm như cách đây vài tháng và sự khó khăn chỉ chiếm khoảng 6-7%, cơ bản tập trung ở 9 ngân hàng yếu kém thuộc diện kiểm soát chặt. Với lãi suất phụ thuộc nhiều vào vấn đề xử lý nội bộ ngân hàng, nên khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý được vấn đề thanh khoản và nợ xấu tại 9 ngân hàng yếu kém trong vòng 1-2 tháng tới, cộng với các chỉ số kinh tế vĩ mô tiếp tục được cải thiện, không có lý do gì để không hạ lãi suất thương mại. Hơn thế, với điều kiện cụ thể được cải thiện, NHNN cũng có thể bỏ trần lãi suất huy động VND nhằm đưa lãi suất gần với thị trường hơn. Tuy nhiên, việc giám sát tài chính của cơ quan chức năng cần tiếp tục tăng cường.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 13/CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tập trung chỉ đạo điều hành, thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho SXKD, hỗ trợ thị trường. Nghị quyết gồm 5 nhóm giải pháp chính đã được đưa ra nhằm giúp các DN vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại cũng như củng cố hoạt động để phát triển bền vững.