Nếu muộn, không còn sức hấp thụ
Kinh tế - Ngày đăng : 06:29, 21/05/2012
Dư luận cũng tỏ ra quan ngại khi danh sách DN rời bỏ thị trường ngày càng dài, gây sức ép trực tiếp đến khả năng tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm và an sinh xã hội trong năm 2012. Hỗ trợ DN một cách thiết thực và kịp thời nhằm giảm thiệt hại cho nền kinh tế là mục tiêu hàng đầu, nhưng không dễ thực hiện…
DN nhỏ và vừa chiếm 97% tổng số DN cả nước bảo đảm việc làm và thu nhập cho hàng triệu nhân công, từ đó góp phần tăng trưởng kinh tế. DN nhỏ và vừa thường thuộc sở hữu tư nhân nên cũng được đánh giá là có khả năng thích ứng cao, linh hoạt trước các diễn biến mới hoặc thay đổi trên thị trường và dễ đưa ra quyết định về sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, trong bối cảnh liên tiếp phải đối mặt với hàng loạt thách thức từ những khó khăn chung của nền kinh tế, loại hình DN này đã và đang bộc lộ những điểm yếu cố hữu, như thiếu vốn, thiếu mặt bằng sản xuất, công nghệ lạc hậu, năng lực quản trị yếu kém… Một số DN thuộc khối xây lắp, vận tải, nhất là DN kinh doanh bất động sản tại các thành phố lớn đã chìm sâu trong nợ nần, mất khả năng chèo chống và buộc phải chấp nhận "bán non" dự án, kể cả trụ sở công ty để thu hồi vốn và trả nợ.
Để trợ giúp DN nói chung, DN nhỏ và vừa nói riêng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 22/CP của Chính phủ, trong đó tập trung vào việc đào tạo nguồn nhân lực, thông tin thị trường, xây dựng thương hiệu… Đáng lưu ý, đến nay đã có 13/63 tỉnh, thành phố thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, bước đầu manh nha cho sự phát triển của loại hình quỹ này, từ đó giúp DN cũng như tổ chức tín dụng có thêm niềm tin, trở nên an tâm hơn trước khi quyết định vay và cho vay vốn.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ đã công bố quyết tâm hỗ trợ DN ở mức tối đa và ngay lập tức để tránh tình trạng "quá muộn" tức là khi DN tiếp nhận được hỗ trợ thì không còn sức hấp thụ. Các biện pháp chủ yếu là miễn, giãn, giảm, hoãn nộp thuế cho DN nhằm giúp DN giảm chi phí ngay từ thời điểm hiện tại. Bộ Tài chính vừa thông báo sẽ điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, giảm nhanh lãi suất huy động và yêu cầu ngân hàng đẩy mạnh cho vay, đồng thời ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, làm hàng xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ mà đối tượng chính là DN nhỏ và vừa. Đặc biệt, sẽ xem xét việc giảm 30% thuế thu nhập DN cho các DN nhỏ và vừa năm 2012. Trong khi đó, Bộ Công thương khuyến khích DN đăng ký tham gia Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia, tạo điều kiện về thông tin, cơ chế và thủ tục để có thêm nhiều DN có thể cung cấp một số hàng hóa, dịch vụ công trong việc đáp ứng nhu cầu mua sắm công của cơ quan nhà nước, trước mắt tập trung vào năm 2012 và 2013. Bộ KH-ĐT cũng chủ trương đẩy nhanh tốc độ hình thành hệ thống cơ quan đầu mối chuyên trách hỗ trợ DN tại địa phương trên phạm vi cả nước. Hiện nay, mới có khoảng 20 địa phương thành lập đầu mối này và đã triển khai công tác trợ giúp DN. Mặt khác, phần lớn số đầu mối nói trên vẫn trong tình trạng thiếu nhân sự, kinh phí, cơ sở vật chất hoặc còn kiêm nhiệm chức năng khác. Từ đó, hiệu quả trợ giúp DN ở cấp độ địa phương nhìn chung chưa đạt kết quả như mong muốn.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh, thời gian tới sẽ tăng cường sự hợp tác, kết nối giữa các đơn vị thuộc Bộ với từng đầu mối ở địa phương, đẩy nhanh việc hình thành toàn bộ hệ thống đầu mối trên cả nước; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và cung cấp thông tin về cách thức hoạt động của các đầu mối, lồng ghép với những mục tiêu, chuyên đề sát với yêu cầu thực tiễn… nhằm hỗ trợ DN một cách thiết thực hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, nền kinh tế có đạt mức tăng trưởng 6-6,5% như dự kiến trong năm nay hay không vẫn là một ẩn số. Tuy nhiên, kết quả phát triển chung sẽ phụ thuộc vào sức vươn lên của cộng đồng DN. Vì vậy, hỗ trợ DN đang, sẽ là yêu cầu bức thiết.