Bế mạc Hội nghị Thượng đỉnh G8: Chưa có bước đột phá
Thế giới - Ngày đăng : 06:17, 21/05/2012
Một tuyên bố chung đã được các nhà lãnh đạo của thế giới phát triển thông qua, đề cập tới một loạt điểm nóng từ Trung Đông đến Bắc Phi, vấn đề hạt nhân của Iran cũng như nạn thiếu đói trên toàn cầu... nhưng trọng tâm - được ghi nhận trong hội nghị cũng như tại các cuộc gặp song phương là cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu hiện nay đã không đạt được bước đột phá như mong đợi.
Khủng hoảng nợ ở Châu Âu vẫn là thách thức cho các nhà lãnh đạo của G8. |
Bất ngờ duy nhất của cuộc hội tụ G8 lần này là hội nghị chỉ mang tính chất một cuộc trao đổi thông thường giữa các nhà lãnh đạo thế giới với cam kết cùng áp dụng mọi biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng rối loạn tài chính và thúc đẩy đà phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Nhất trí giúp Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng để tiếp tục ở lại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) của các nhà lãnh đạo G8 dù đã phát đi từ Trại David cũng chỉ là giải pháp dung hòa với không ít khác biệt giữa hai quan điểm. Đó là tăng đầu tư để thúc đẩy kinh tế phát triển, do Tổng thống nước chủ nhà Barack Obama đề xuất và cắt giảm mạnh chi tiêu để có tiền trả nợ, do Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ xướng và đang thực thi tại Châu Âu.
Cuộc gặp G8 năm nay diễn ra trong bối cảnh các nước thành viên đang đối mặt với nhân tố chính gây chia rẽ: đó là mâu thuẫn Pháp - Đức vừa được khẳng định sau cuộc bầu cử Tổng thống Pháp trong cách ứng phó với cuộc khủng hoảng tại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone). Theo Thủ tướng Đức A.Merkel, cắt giảm mạnh chi tiêu là con đường quan trọng dẫn tới sự ổn định của nền kinh tế Châu Âu, điều tân Tổng thống Pháp Francois Hollande bác bỏ bởi "thắt lưng buộc bụng" không nhất thiết là lựa chọn duy nhất để giải quyết khủng hoảng nợ công.
Tại David, tân Tổng thống Pháp đã cố gắng thuyết phục Tổng thống Mỹ và các nhà lãnh đạo G8 về chính sách tăng trưởng kinh tế của Châu Âu. Tình trạng nguy ngập của Hy Lạp cộng với nạn thất nghiệp lên đến 24,4% tại Tây Ban Nha và hơn 14% tại Bồ Đào Nha... là những luận điểm được tân Tổng thống Pháp đưa ra để thuyết phục G8 thay đổi chính sách kinh tế. Có thể thấy, mối đe dọa tức thì với tương lai của Eurozone đang đặt vào Hy Lạp. Và theo thời gian, mối lo sợ ngày một tăng rằng Hy Lạp sẽ chọn cách rời khỏi Eurozone để từ chối các biện pháp thắt lưng buộc bụng đổi lấy gói cứu trợ từ Liên minh Châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Nếu lựa chọn này thành hiện thực rất có thể sẽ kéo các nền kinh tế đang gặp khó khăn của Châu Âu là Tây Ban Nha và Italia rơi xuống vực phá sản. Khi đó, hệ lụy mang tên Hy Lạp sẽ không chỉ nghiêm trọng với Châu Âu, mà còn với cả Mỹ. Tác động phá sản của Hy Lạp tới thị trường chứng khoán và thị trường tín dụng toàn cầu đang báo hiệu sự chao đảo khôn lường.
Phản ứng được xem là chưa đủ mạnh của G8 lần này với cuộc khủng hoảng tại Eurozone cho thấy chính sách "thắt lưng buộc bụng" của EU đang bị nghi ngờ vì từ khi được áp dụng, nền kinh tế Châu Âu vẫn tuột dốc với tỷ lệ thất nghiệp tăng kỷ lục. Chính sách này đang ngày càng bị người dân phản đối khi các dịch vụ bị cắt giảm cùng nhu cầu tiêu dùng đe dọa tăng trưởng kinh tế do thất thu thuế... Người dân một loạt nước Châu Âu như Anh, Pháp, Bồ Đào Nha, Italia, Hy Lạp… đã liên tiếp xuống đường trong những ngày qua để phản đối chính sách "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ. Họ cho rằng, đây chính là nguyên nhân đang đẩy chất lượng cuộc sống của họ tới đáy.
Cho dù lãnh đạo các nước Châu Âu trong G8 như Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italia Mario Monti và tân Tổng thống Pháp F.Hollande... ủng hộ chính sách kích thích tăng trưởng, tạo thêm việc làm để thoát khỏi cuộc khủng hoảng thì tại Trại David, Thủ tướng Đức A.Merkel vẫn kiên trì bênh vực chính sách "khắc khổ" do bà và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy khởi xướng cách đây hai năm. Và một tuyên bố chung dung hòa hai quan điểm “kích thích tăng trưởng kinh tế" và "thắt chặt chi tiêu" như nêu trên nhằm tránh một sự đổ vỡ tại Trại David vào thời điểm Tổng thống nước chủ nhà đang trên đường tranh cử là không quá khó hiểu.
Với một nước Mỹ và Châu Âu đang sống trên núi nợ cao ngất và tương lai nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Barack Obama vẫn chưa định hình, kết quả tại Hội nghị Thượng đỉnh G8 vừa khép lại trong kỳ nghỉ cuối tuần qua đã chỉ ra một bước lùi về khả năng giải quyết những thách thức lớn nhất là về kinh tế trên phạm vi toàn cầu do chính thế giới phát triển tạo ra. Trong khi đó, thời gian cho những tranh cãi, bất đồng, hay những tuyên bố suông không còn nhiều. Châu Âu đang cần nhiều hơn những quyết định, hành động cụ thể mang tính đột phá, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công đang có cơ nhấn chìm cả khu vực. Niềm hy vọng chưa được G8 mang lại đang được gửi gắm vào - G20 - hội nghị các nền kinh tế phát triển và mới nổi, một diễn đàn quy tụ nhiều hơn các gương mặt mới với sức mạnh kinh tế vượt trội dự kiến được triệu tập tại Mexico vào tháng 6 tới.