Trách nhiệm công vụ
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:40, 21/05/2012
Vấn đề không chỉ là tình trạng "lách" luật, "nhờn" luật, thậm chí coi thường kỷ cương pháp luật của không ít chủ công trình xây dựng mà đáng nói hơn là sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng được thành phố trao quyền quản lý trong lĩnh vực này. Sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt ở cấp cơ sở là nguyên nhân trực tiếp làm cho tình trạng vi phạm trật tự xây dựng trở thành thứ bệnh trầm kha. Hai công trình vi phạm trật tự xây dựng tại Hà Nội làm "nóng" các trang báo tuần qua là những ví dụ điển hình nhất.
Vụ thứ nhất, theo giấy phép do Sở Xây dựng cấp ngày 30-9-2011, công trình 55A-55B phố Bà Triệu được phép xây dựng 9 tầng với chiều cao 36,1m. Thế nhưng, phần xây dựng thực tế tại công trình đã lên tới 13 tầng với độ cao 41,3m. Có nghĩa là công trình đã xây dựng vượt 3 tầng và vượt độ cao 5,2m. Vụ thứ hai, nghiêm trọng hơn, Học viện Phật giáo đã xây dựng 7 công trình và đưa vào sử dụng 6 công trình nhưng cả 6 công trình này đều không đúng vị trí đã quy hoạch.
Đặc biệt, công trình nhà 5 tầng ngoài việc xây dựng lệch so với vị trí quy hoạch, chiều cao còn vượt thêm 2 tầng so với quy định và lấn 706m2 sang đất dự án khu I do Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ vui chơi - giải trí - thể thao Hà Nội quản lý.
Khoan nói chuyện có hay không việc bao che cho vi phạm, hai vụ việc nêu trên đều liên quan đến nhiều vấn đề, đặc biệt công trình của Học viện Phật giáo (liên quan đến việc chuyển quyền sử dụng đất). Lý do để hai công trình vi phạm trong thời gian dài, theo chính quyền sở tại và các cơ quan chức năng cấp quận, huyện được phân cấp quản lý lĩnh vực này là đã nhiều lần lập biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công, nhưng chủ đầu tư không chấp hành. Còn theo cơ quan quản lý nhà nước cấp thành phố là Sở Xây dựng thì do có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức của bộ máy Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, thay đổi cán bộ quản lý địa bàn, nên không nắm bắt kịp thời để đôn đốc chính quyền địa phương xử lý và báo cáo UBND thành phố…
Trước đây, khi nói về tình trạng vi phạm quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng, các cơ quan quản lý thường đưa ra lý do thiếu chế tài đủ sức răn đe, việc phân cấp quản lý không rõ ràng… Nhưng qua hai vụ việc trên có thể thấy, vấn đề không phải như vậy. Nếu chính quyền cơ sở giải quyết sai phạm từ khi mới phát sinh, theo đúng thẩm quyền, chắc chắn vi phạm không thể phát triển đến mức nghiêm trọng. Thiếu trách nhiệm công vụ chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra khá phổ biến trên địa bàn thành phố mà hai vụ việc nêu trên chỉ là phần nổi. Thực tế cho thấy, ở đâu trách nhiệm công vụ được thực thi một cách nghiêm túc, ở đó hiệu lực quản lý nhà nước được phát huy và ngược lại.
Sai phạm tại công trình xây dựng 55A- 55B phố Bà Triệu và Học viện Phật giáo là không thể biện minh, sự thiếu trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc này cũng không thể biện minh. Thành phố đã chỉ đạo xử lý quyết liệt các công trình vi phạm trật tự xây dựng không phép, sai phép và không chấp nhận bất kỳ trường hợp ngoại lệ nào. Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, ngoài việc xử lý nghiêm các vi phạm, cần làm rõ và có hình thức xử lý thích đáng đối với những hành vi thiếu trách nhiệm trong thi hành công vụ, bởi đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng vi phạm quy hoạch, trật tự xây dựng tràn lan đang gây nhiều bức xúc hiện nay.