Việt Nam đón nhật thực một phần
Công nghệ - Ngày đăng : 15:00, 20/05/2012
Sáng 21/5, người yêu thiên văn thế giới có cơ hội ngắm nhật thực hình khuyên - hiện tượng thiên văn nổi bật nhất trong năm. Tại Việt Nam, người quan sát sẽ thấy hiện tượng nhật thực một phần.
Các chuyên gia thiên văn học cho biết, chỉ ngư dân ở một số vùng châu Á và Bắc Mỹ sẽ ngắm được hiện tượng nhật thực hình khuyên. Vùng quan sát được hiện tượng này nằm trong dải hẹp khoảng 300 km kéo dài từ bờ biển phía đông Trung Quốc đến phía nam Nhật Bản, qua Thái Bình Dương và kết thúc ở vùng phía tây nước Mỹ.
|
Cảnh nhật thực trên bầu trời Hà Nội năm 2010. |
Đặng Tuấn Duy, chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM cho biết, Việt Nam không nằm trong vùng quan sát nhật thực hình khuyên, mà chỉ quan sát được nhật thực một phần nếu điều kiện thời tiết thuận lợi trong khoảng 1 tiếng ngay sau khi mặt trời mọc.
"Do Việt Nam nằm trong vùng nửa tối của bóng mặt trăng, đồng thời quá trình diễn ra hiện tượng vào rạng sáng và kết thúc sớm vào khoảng 6h sáng nên người quan sát tại Việt Nam sẽ chỉ xem được giai đoạn sau của hiện tượng", Tuấn Duy nói.
Đặng Tuấn Duy cho biết thêm, nhật thực một phần bắt đầu từ 3h56 theo giờ Việt Nam, còn pha hình khuyên bắt đầu lúc 5h06. Thời điểm Việt Nam quan sát được nhật thực một phần khi mặt trời mọc vào khoảng 5h17 tại Hà Nội và 5h30 ở TP HCM; và kết thúc khoảng 6h13 ở Hà Nội và 6h01 ở TP HCM khi mặt trời lên cao khoảng 10-12 độ.
|
So sánh giữa nhật thực toàn phần (trái) và nhật thực hình khuyên (phải). Nếu đứng trong vùng bóng tối (a), vùng bóng tối giả (b) và vùng bóng nửa tối (c) thì sẽ quan sát được tương ứng nhật thực toàn phần, hình khuyên và một phần. Đồ họa: HAAC. |
Các chuyên gia khuyên người quan sát tại Việt Nam nên tận dụng thời cơ lần nhật thực hình khuyên sắp tới. Bởi phải đến 9/3/2016 người dân Việt Nam mới lại có thể quan sát hiện tượng trên lần nữa.
Hiện tượng nhật thực xảy ra khi mặt trăng đi qua giữa trái đất và mặt trời. Nhật thực hình khuyên xảy ra hàng năm khi trái đất ở vị trí gần nhất so với mặt trời và mặt trăng ở vị trí xa nhất so với địa cầu. Do đó mặt trăng không đủ lớn để che khuất toàn bộ mặt trời và hai vùng nửa tối tạo ra bởi mặt trăng sẽ mở rộng hơn so với khi nhật thực toàn phần, đồng thời xen phủ nhau tạo thành một vùng gọi là vùng bóng tối giả. Cư dân những vùng trên trái đất bị vùng bóng tối giả này quét qua sẽ quan sát được nhật thực hình khuyên, còn trong vùng nửa tối sẽ quan sát được nhật thực một phần.
Làm sao để quan sát nhật thực an toàn? - Tuyệt đối không nhìn trực tiếp vào mặt trời bằng mắt thường hoặc các dụng cụ không đảm bảo.
- Nếu như việc nhìn trực tiếp bằng mắt vào mặt trời hoặc qua các kính mắt, phim và các vật liệu trong suốt là điều không nên làm thì các dụng cụ như kính thiên văn, ống nhòm, ống kính máy ảnh, camera là tuyệt đối cấm kỵ, vì qua các thiết bị này cường độ bức xạ của mặt trời sẽ tăng lên đáng kể, thậm chí có thể gây mù trong thời gian rất ngắn.
- Chỉ các kính thiên văn có một dụng cụ đi kèm riêng gọi là Sun-filter (lọc ánh sáng mặt trời mới có thể được sử dụng để quan sát mặt trời. Lưu ý rằng Sun-filter phải là dụng cụ được chế tạo riêng thích hợp cho mỗi kính, tuyệt đối không tự chế các filter này vì chất lượng sẽ không thể bảo đảm. Sun-filter cần được đặt phía trước vật kính của các kính thiên văn chứ không phải đặt phía sau thị kính như moon-filter (lọc ánh sáng mặt trăng).
- Cách quan sát gián tiếp được coi là cách duy nhất đạt độ an toàn tuyệt đối không thể có bất cứ rủi ro nào xảy ra vì đơn giản là bạn không cần trực tiếp nhìn vào mặt trời.
Cách này cần chế tạo một dụng cụ như sau: Tìm một chiếc hộp bằng bìa có chiều dài khoảng 50-70cm. Cắt bỏ nắp hộp để lộ ra một cửa có thể nhìn vào bên trong, thậm chí thò đầu vào. tại mặt trong của một trong hai đáy dán một miếng giấy trắng lên đó. Tại đáy kia hãy cắt một lỗ với đường kính khoảng 3 đến 5 cm. Lấy một lá nhôm mỏng đục thủng một lỗ nhỏ ở giữa và dán lá nhôm đó đè lên lỗ thủng bạn vừa cắt. Hướng cho lỗ thủng trên chiếc hộp này về phía mặt trời sao cho cạnh của nó hướng tương đối chính xác theo hướng bạn nhìn thấy mặt trời, khi đó nhìn vào trong hộp bạn sẽ thấy hình ảnh của mặt trời in lên trên tờ giấy trắng ở đáy kia chiếc hộp. Khi có nhật thực bạn cũng sẽ thấy hình ảnh của nó trên chiếc "màn chiếu" đó.
- Để nhìn trực tiếp vào mặt trời nói chung và nhật thực nói riêng mà không hại tới mắt ngay cả khi quan sát liên tục nhiều phút thì bạn cần có một chiếc kính được thiết kế riêng gọi là Solar Glasses (khác với Sunglasses có nghĩa là kính râm). Loại kính này có hai mắt kính được chế tạo dành riêng cho việc lọc các bức xạ nguy hiểm từ mặt trời.
Loại kính có hai mắt kính dạng này và khung-gọng làm bằng bìa cứng là dụng cụ rất phổ biến trên thế giới, thường được bán với giá rất rẻ, chỉ 0,5 đến 0,85 USD.
Lưu ý mua các nguồn bảo đảm, sản phẩm có hướng dẫn sử dụng đàng hoàng, hoặc ít ra của các công ty và các tổ chức khoa học đáng tin cậy. Khi quan sát, cố gắng đeo kính thật sát mắt, thậm chí dùng tay giữ chặt, ngoài ra đội mũ để cản ánh sáng mặt trời lọt vào mắt từ phía trên, nếu không thì việc bạn đeo kính coi như không giải quyết được gì cả.
Diễn biến nhật thực ở một số địa phương Việt Nam | |
|