Đổi đời từ trồng rau

Xã hội - Ngày đăng : 07:45, 20/05/2012

(HNM) -

Nhờ nghề trồng rau, đời sống kinh tế của người dân xã Minh Tân đã có nhiều đổi thay. Ảnh: Minh Phú

Cả làng trồng rau

Theo lời ông Khỏe, chúng tôi ra cánh đồng rau của xã. 3 giờ chiều, cái nắng còn chói chang như thiêu, như đốt, vậy mà trên đồng đã nhộn nhịp các bà, các chị, các em, người cuốc, người xới, chăm sóc và thu hoạch rau. Trời càng về chiều, người ra đồng làm rau càng đông. Quệt giọt mồ hôi trên trán, bà Nguyễn Thị Dơn, thôn Thành Lập 2 cười: Trồng rau thu nhập cao hơn trồng lúa, nhưng mất nhiều công. Nếu trồng một sào bắp cải, chỉ khoảng 2,5 tháng là được thu. Với 1.600-1.700 cây rau/sào, tính rẻ 3.000 đồng/chiếc, một sào cũng được 5-6 triệu đồng. Nghề trồng rau cũng có khi vui, khi buồn. Gia đình chị Phạm Thị Hoa, thôn Mai Trang trồng hơn một sào rau, mùa nào thức ấy: "Nhà neo người nên tôi không đi chợ được, chỉ bán buôn cho thương lái, có vụ rau đầu mùa như rau cải, thời gian trồng chỉ trong một tháng thu lãi cả chục triệu đồng/sào; nhưng cũng có lúc ế như thời điểm hiện tại, giá bắp cải tại ruộng chỉ 500 đồng/kg. Nhưng dù thế nào cũng không bị lỗ, bởi ruộng nọ gối ruộng kia, chỉ có điều mất công trồng thôi". Gần đây, một số hộ còn chuyển sang trồng ngô nếp. Không chỉ trồng rau, xã Minh Tân còn là vùng sản xuất giống rau của huyện Phú Xuyên.

Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân Phạm Đình Khỏe cho biết, ở Minh Tân có hơn 80% số hộ nông nghiệp. Với diện tích đất được giao trung bình mỗi khẩu một sào, trong đó, nhà nào cũng có diện tích trồng rau, nhà nhiều trồng 5-7 sào, nhà ít cũng 1-2 sào. Ông Khỏe so sánh: Trong một năm, trồng màu quay vòng đất 4-5 vụ, thì "vứt đi" cũng được 200-250 triệu đồng/ha, nếu so với trồng lúa cao gấp 3-4 lần. Nghề trồng rau phát triển, các khu đồng của Minh Tân giờ đã có điện chiếu sáng để bà con sớm tối chăm sóc, thu hái rau. Nếu như trước kia, chị em phụ nữ cả ngày phải vất vả gánh nước tưới rau thì nay hầu hết các thửa ruộng đều đã có giếng khoan, trồng rau cũng đỡ vất vả hơn nhiều.

Khi đàn ông… "đổi vai"

Minh Tân là xã xa nhất huyện Phú Xuyên, nơi tận cùng phía nam Thủ đô Hà Nội, tiếp giáp với tỉnh Hà Nam. Trước đây, người dân Minh Tân kinh tế khó khăn, mãi đến năm 1991, Minh Tân mới có điện, giao thông về xã. Nhưng bây giờ đời sống người dân xã Minh Tân đã nhiều đổi khác. Giao thông thuận lợi hơn, đặc biệt nghề trồng rau đã mang lại cuộc sống khấm khá hơn cho các hộ dân. Ở Minh Tân nhiều nhà trồng 5 sào rau, suốt từ sáng đến tối làm không hết việc, hết làm cỏ, đến tưới bón, thu hái, rồi mất cả một người chuyên đi chợ. Vào các buổi chiều, thương lái ở các nơi về Minh Tân thu gom rau tập kết mang đi khắp nơi từ Thanh Hóa, Nghệ An đến Hà Nam, Ninh Bình… Ngoài bán buôn rau ngay tại ruộng, nhiều hộ cũng tự đi bán. Xã Minh Tân có gần 14.000 dân, trong đó có 500 người thường xuyên đi chợ rau. Nếu như trước đây, chị em phụ nữ đi chợ rau là chính thì nay ngược lại chủ yếu là cánh mày râu. Bởi chỉ nam giới mới đủ sức khỏe để "thồ" 2-4 tạ rau vượt quãng đường cả chục cây số về các chợ. Rau được cắt từ chiều hôm trước, chất vào xe thồ, 3-4 giờ sáng, những đàn ông trai tráng trở dậy đi chợ. Họ đi xe máy nườm nượp ngoài đường làng, mang rau đi bán ở khắp nơi từ khu vực chợ Dầu (Ứng Hòa), chợ Đục (Mỹ Đức), đến chợ Sàng (Duy Tiên, Hà Nam)… Có người đi chợ cách nhà 30-40km.

Anh Nguyễn Văn Huế, 52 tuổi, thôn Thành Lập 1 cho hay, trồng rau thu hoạch quanh năm, mùa nào rau ấy; với lại các hộ ở Minh Tân có truyền thống trồng rau nên thường sản xuất gối vụ, lúc nào cũng có nguồn thu mà lại không lo ế. "Chính bởi vậy, mà ngày nào tôi cũng có rau đi chợ bán. Mỗi ngày trung bình chở 4-5 tạ rau, để chở được số rau này, vành xe phải được hàn thêm khung sắt lớn, nan hoa xe cũng phải to hơn bình thường mới chở được"- anh Huế tâm sự. Ngày nào anh Huế cũng đi chợ. Sáng chở rau đi, bán hết lúc nào thì về lúc đó, có khi đi chợ cách nhà 30km. Cũng như anh Huế, nhà anh Nguyễn Văn Khoa, thôn Thành Lập 2 cũng trồng 5 sào rau: "Mấy mẹ con nhà nó chuyên ở nhà trồng rau, còn tôi là người mang rau đi chợ bán"- anh Khoa chia sẻ. Chỗ ngồi của anh là khu vực chợ Cháy, huyện Ứng Hòa. Nhờ nghề trồng rau, gia đình anh đã xây được nhà 3 tầng khang trang. Trong câu chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Phạm Đình Khỏe cho biết thêm, từ những năm 1980, người dân thôn Thành Lập 1 còn ngược lên tận Cao Bằng để thuê đất trồng rau. Đến nay đã có cả một làng rau Hà Nội ở Cao Bằng với trên 30 hộ. Nhiều hộ trồng rau nơi đất khách đã thực sự phát tài, mang tiền về quê xây nhà to đẹp cho bố mẹ ở, rồi lại tiếp tục lên đường hành nghề.

Nguyễn Mai