Làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 20/05/2012
Không phải là nhà trường không chú trọng dạy dỗ nhân cách, chỉ là phương thức dạy quá chung chung, trừu tượng mà bỏ qua những phép tắc sinh hoạt, ứng xử hằng ngày. Theo một cuộc điều tra, 3/4 học sinh không biết cách chào hỏi thế nào cho đúng và hầu hết lúng túng với câu hỏi: Khi đến nhà bạn hay một nơi nào đó, có bao giờ em quan tâm để xe như thế nào để không ảnh hưởng tới người khác? Tùy tiện, chỉ biết tốt cho mình đã thành thói quen không chỉ của học sinh.
Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang mang lại những thành quả thiết thực, nhưng phần nhiều là ở tầm vĩ mô, những công trình nghiên cứu… Với Bác, sinh thời, nghĩ và làm cho dân lại rất cụ thể, chu đáo, từ những việc nhỏ nhặt nhất. Tới thăm nơi nào đó Bác thường không báo trước. Không phải vì Bác muốn "kiểm tra đột xuất". Đơn giản với Bác đó là những chuyến đi thực hiện công việc, nên không để địa phương lo cờ hoa, khẩu hiệu, đón tiếp, tốn thời gian, lãng phí tiền của. Nhưng Bác lại rất quan tâm tới nơi ăn, chốn ở, nơi y tế, vệ sinh, những nơi quyết định tinh thần và năng suất lao động của đơn vị. Và đó cũng thường là những nơi kém nhất trong môi trường học đường; nơi tích tụ "bức bối tâm lý học đường", nếu không được giải tỏa kịp thời, sẽ dẫn tới "bùng phát manh động".
Suốt mấy năm liền, mỗi ngày hàng nghìn học sinh, cả nam lẫn nữ của một trường THPT thành phố vẫn chịu đựng nhà vệ sinh từ xa đã sặc mùi xú uế, còn cảnh tượng bên trong thì… Sự việc bùng nổ khi học sinh tràn sang khu vệ sinh dành cho giáo viên!
Những trường bán trú học sinh ăn trưa tại trường, định lượng, định giá tùy thuộc vào từng trường, nhưng theo một báo cáo, suất ăn thường chỉ đạt 50% yêu cầu về dinh dưỡng và mới sử dụng 60-70% tiền phụ huynh đóng? Chỉ đến khi một số nơi xảy ra hiện tượng học sinh ngất trong giờ học, rồi ngộ độc hàng loạt, nhà chức trách mới "gióng chuông báo động".
Trong bài văn về đề tài "Bạo lực học đường" một học sinh lớp 12 Trường Ngô Quyền (Hải Phòng), đã kể về hệ thống quạt trong lớp. Em cho rằng bạo lực không chỉ là xô xát, đánh nhau, nó bao gồm cả những tác động gây tâm lý căng thẳng cho học sinh do "không được đáp ứng những nhu cầu cần thiết trong lớp học". Cả lớp có 5 quạt, loại cánh 50cm, thì 1 cái dành riêng cho giáo viên, 2 cái đặt ở lối đi lại của giáo viên, còn 50 học sinh chỉ được hưởng gió của 2 quạt, vậy làm sao không bức bối.
Bài văn bị cho hoàn toàn lạc đề và cô phê "Ý thức kém. Em cần chấn chỉnh ngay". Cô giáo cho rằng, học sinh không nghiêm túc, nhưng cô có kiểm tra em viết đúng thực tế hay không. Nếu viết bừa, em sẽ bị kỷ luật. Nếu đúng thì nhà trường cần xử lý nhanh chóng. Như vậy sẽ giải tỏa được "bạo lực tiềm ẩn" và cô giáo, nhà trường sẽ được tôn trọng.
Làm theo Bác là thực hiện những mong mỏi giản dị của Bác mà rất cấp thiết với dân. Được vậy không chỉ bạo lực học đường giảm nhiều mà đạo đức cũng trong sáng hơn. Và không chỉ trong nhà trường.