Cuộc đối đầu nhiều duyên nợ

Thế giới - Ngày đăng : 08:15, 19/05/2012

(HNM) - Ngày 20-5, gần 7 triệu cử tri Serbia sẽ đi bỏ phiếu bầu cử Tổng thống vòng hai. Đây là cuộc đua song mã giữa đương kim Tổng thống Boris Tadic - đại diện đảng Dân chủ - và lãnh đạo đảng Tiến Bộ Tomislav Nikolic.


Tổng thống Serbia B.Tadic (trái) và đại diện đảng Tiến bộ T.Nikolic.

Hiện tại, kết quả các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ưu thế đang nghiêng về Tổng thống B. Tadic, song nhiều nhà phân tích cho rằng, kết quả bầu cử ở Serbia rất khó dự đoán. Mức độ chênh lệch tỷ lệ tín nhiệm giữa Tổng thống B. Tadic so với đối thủ của đảng Tiến bộ rất sít sao, tương tự kết quả bầu cử vòng một. Tổng thống B. Tadic giành được 26,8% số phiếu ủng hộ, trong khi ứng cử viên T. Nikolic chỉ kém có 1,3% số phiếu. Việc dẫn đầu trong cuộc bầu cử vòng một có thể là một lợi thế lớn với ông B. Tadic nhưng Chủ tịch đảng Tiến bộ cũng đang sở hữu một "đòn bẩy" không kém phần quan trọng. Đó là, chiến thắng của Liên minh các lực lượng đối lập mang tên "Phát triển Serbia" do ông T. Nikolic đứng đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra cùng thời điểm với cuộc bầu cử Tổng thống cách đây hai tuần.

Trên thực tế, đây là lần thứ ba Tổng thống B. Tadic và ông T. Nikolic đối mặt trong bầu cử Tổng thống. Tại các cuộc "chạm trán" đầy kịch tính năm 2004 và 2008, ứng cử viên của đảng Tiến bộ T. Nikolic luôn dẫn trước ở vòng một, song đều bất ngờ bị đối thủ B. Tadic vượt lên và trở thành người chiến thắng ở vòng hai. Trước "cái dớp" không mấy dễ chịu của những lần bỏ phiếu vòng hai trước đây, ông T. Nikolic tuyên bố sẽ không chấp nhận thất bại lần nữa. Do đó, trong chiến dịch tranh cử lần này, không khó để nhận ra sự đảo chiều trong đường lối đối ngoại của chính trị gia từng tuyên bố "Serbia nên là một tỉnh của Nga còn hơn là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU)"; đồng thời bày tỏ quan điểm phản đối rõ ràng đối với vấn đề độc lập của Kosovo - là một tỉnh tách ra từ Serbia - do được EU hậu thuẫn.

Xét một cách tổng thể, sự điều chỉnh này là tất yếu khi đối thủ của ông T. Nikolic là một chính khách lão luyện và khá được lòng dân. Trong suốt hai nhiệm kỳ vừa qua, ông B. Tadic đã nỗ lực đưa Serbia tới ngưỡng cửa EU với chủ trương cân bằng giữa lợi ích quốc gia, xu thế chung của thời đại với các quan điểm tự tôn dân tộc. Lập trường này của ông đã nhận được sự ủng hộ của đa số cử tri, những người đã mệt mỏi vì nội chiến, vì kinh tế khó khăn, vì mất niềm tin và đang cần tìm một chỗ dựa.

Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên trong nhiều thập niên qua, cuộc bầu cử Tổng thống Serbia xoáy sâu vào vấn đề kinh tế chứ không phải những mâu thuẫn sắc tộc cố hữu của vùng Balkan khiến Serbia nhiều năm bị cô lập với cộng đồng quốc tế. Sự chuyển biến này không phải là quá bất ngờ khi nền kinh tế Serbia đang ở thời kỳ vô cùng ảm đạm. Đồng dinar đang ngày càng mất giá và tỷ lệ thất nghiệp vốn đã ở mức 24% sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thành viên Nam Tư (cũ) chỉ tăng 1,6% trong năm 2011 và được dự đoán sẽ dậm chân tại chỗ trong năm nay. Vì vậy, đường hướng chèo lái nền kinh tế trong chương trình tranh cử của hai ứng cử viên sẽ là một trong những yếu tố quan trọng tác động tới kết quả bầu cử chung cuộc.

Theo các nhà phân tích, một yếu tố nữa có thể làm thay đổi tương quan lực lượng giữa hai ứng viên Tổng thống là lá phiếu của các cử tri ủng hộ đảng Xã hội của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Avica Dacic - đảng phái về thứ 3 trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua. Vấn đề ở chỗ, hiện tại cả đảng Dân chủ của Tổng thống B. Tadic và đảng Tiến bộ của ông T. Nikolic đều cần sự hợp tác của đảng Xã hội mới đủ vượt qua mốc quá bán để thành lập chính phủ. Trong khi đó, ông A. Dacic đã đặt điều kiện nếu muốn nhận được lá phiếu từ các cử tri của đảng Xã hội thì phải chấp nhận cuộc đàm phán thành lập liên minh cầm quyền theo hướng giao cho ông chiếc ghế Thủ tướng trong chính phủ mới.

Phương Quỳnh