Kết quả một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới*

Chính trị - Ngày đăng : 07:26, 19/05/2012

LTS: Ngày 16-5, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về

LTS: Ngày 16-5, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Hànộimới trân trọng giới thiệu nội dung chính của bản Dự thảo Báo cáo được trình bày tại Hội nghị.

Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 03-CT/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Bí thư và hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, các cấp ủy đảng, các ngành, địa phương đã khẩn trương triển khai thực hiện. Sau một năm, đã đạt được một số kết quả chủ yếu như sau:

I- Về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị
1- Ở Trung ương
1.1- Xây dựng kế hoạch và ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị

Ngày 1-7-2011, Ban Bí thư đã ban hành Kế hoạch 03-KH/TƯ cụ thể hóa các nội dung nêu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị, xác định nội dung công việc và phân công trách nhiệm thực hiện của các cơ quan, đơn vị đến năm 2015.

Để đẩy mạnh việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong các cơ quan nhà nước, ngày 7-11-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1973-CT/TTg triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị.

Thực hiện nhiệm vụ được giao trong Chỉ thị 03-CT/TƯ, các ban, ngành Trung ương đã ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định, quy chế... cụ thể hóa, hướng dẫn thực hiện các nội dung được nêu trong Chỉ thị của Bộ Chính trị và Kế hoạch của Ban Bí thư.

1.2- Thành lập Bộ phận giúp việc

Ban Bí thư ra quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động của Bộ phận giúp việc, gồm đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương, có trách nhiệm giúp Ban Bí thư trong việc tham mưu, đề xuất, triển khai việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Đồng thời, các thành viên của Bộ phận giúp việc chịu trách nhiệm theo dõi, giúp lãnh đạo các ban, ngành, cơ quan Trung ương chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị ở bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, cơ quan nơi công tác. Theo quy chế làm việc của Bộ phận giúp việc, đã thành lập Bộ phận chuyên trách, đặt tại Ban Tuyên giáo Trung ương.

Bộ phận giúp việc của Ban Bí thư đã họp định kỳ hằng quý, hoặc đột xuất để xây dựng các văn bản dự thảo trình Ban Bí thư, thảo luận, đề xuất kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, Kế hoạch của Ban Bí thư; tổ chức và phục vụ các đoàn kiểm tra, các hội nghị giao ban do các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng chủ trì về triển khai thực hiện Chỉ thị tại một số khu vực, tỉnh, thành phố, cơ quan Trung ương.

1.3- Tổ chức các hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị

Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt, gồm đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương để phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị và phổ biến Kế hoạch số 03-KH/TƯ của Ban Bí thư.

Hội nghị đã quán triệt yêu cầu, nội dung và hướng dẫn tổ chức thực hiện Chỉ thị, nhấn mạnh vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện, định rõ thời gian hoàn thành các nội dung nêu trong kế hoạch. Hội nghị cũng dành thời gian để các đại biểu thảo luận, trao đổi về nhiều vấn đề cụ thể, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong triển khai thực hiện Chỉ thị.

Ban Tuyên giáo Trung ương, cơ quan thường trực thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ, đã tổ chức làm việc với các cơ quan có liên quan để bàn về công tác triển khai Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị và Kế hoạch 03-KH/TƯ của Ban Bí thư. Trên cơ sở đó, đã góp phần thúc đẩy việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.

2- Ở các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội
2.1- Ở các địa phương

Các tỉnh ủy, thành ủy đều đã tổ chức hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Tham gia hội nghị cấp tỉnh, thành phố, có các đồng chí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, đại diện lãnh đạo cấp huyện và tương đương, kết hợp thảo luận, hướng dẫn triển khai và chỉ đạo tổ chức hội nghị ở cấp quận, huyện, nhằm quán triệt và nâng cao nhận thức về mục đích, yêu cầu, nội dung của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới.

Căn cứ Kế hoạch 03-KH/TƯ của Ban Bí thư và các văn bản hướng dẫn của các cơ quan Trung ương, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị ở các cấp. Trong đó, xác định rõ nội dung các công việc phải làm, phân công trách nhiệm thực hiện và dự kiến thời gian hoàn thành. Các nội dung nêu trong kế hoạch gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phù hợp với điều kiện và đặc điểm của địa phương, cụ thể hóa thành các chủ đề cụ thể, sát hợp với tình hình thực tế để chỉ đạo thực hiện, nhất là việc làm theo, xây dựng các mô hình, lồng ghép với các phong trào và các cuộc vận động khác, như: phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Đền ơn, đáp nghĩa” và các phong trào xã hội, từ thiện khác.

Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã thành lập bộ phận giúp việc ban thường vụ cấp ủy trong triển khai thực hiện Chỉ thị, do đồng chí phó trưởng ban thường trực ban tuyên giáo làm trưởng bộ phận (nhiều nơi do đồng chí trưởng ban tuyên giáo làm trưởng bộ phận) và ban hành chương trình công tác, quy chế làm việc của bộ phận giúp việc để triển khai thực hiện.

Nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo, tìm tòi những cách thức tổ chức thực hiện các nội dung cụ thể mà Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu, như: xây dựng chuyên đề cụ thể cho từng tháng để đưa vào sinh hoạt chi bộ; chọn đơn vị điểm để chỉ đạo, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng; rà soát, bổ sung và hướng dẫn thực hiện chuẩn mực đạo đức phù hợp với từng tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị; lựa chọn vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực đạo đức, lối sống, đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch, xác định thời gian, tập trung chỉ đạo. Kết quả là, một số nơi đã giải quyết được một số việc tồn đọng kéo dài, bước đầu tạo sự phấn khởi, tin tưởng trong cán bộ, đảng viên. Cấp ủy các cấp xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sức lan tỏa trong xã hội, thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

2.2- Ở các đảng ủy trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương

Các đảng ủy trực thuộc Trung ương đã sớm triển khai việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Quân ủy Trung ương xây dựng và ban hành Chỉ thị thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị. Đảng ủy Công an Trung ương, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ trong đảng bộ; hướng dẫn thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Bộ phận giúp việc. Việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ trong các đảng bộ trực thuộc Trung ương bước đầu đã gắn với đặc điểm hoạt động của các đơn vị, với thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”...

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tích cực triển khai các nhiệm vụ mà Kế hoạch 03-KH/TƯ của Ban Bí thư giao cho. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã hoàn thành dự thảo Quy chế giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức và ban hành Quy định về chuẩn mực đạo đức, lối sống theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong hệ thống Mặt trận. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh xây dựng, ban hành kế hoạch đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong thế hệ trẻ. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng 4 tiêu chí “tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” vận động phụ nữ cả nước thực hiện... Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các cấp hội triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Hầu hết các ban, bộ, ngành đã tổ chức hội nghị quán triệt tại đảng bộ cơ quan với các hình thức khác nhau. Các ban, bộ, ngành chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ thông qua các văn bản, như chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch thực hiện trong toàn ngành, trong đó nhấn mạnh các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp. Một số bộ đã ban hành chỉ thị của bộ trưởng, cụ thể hóa và xác định các nội dung thực hiện Chỉ thị số 1973/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

II. Về việc chỉ đạo thực hiện 8 nội dung được nêu trong Chỉ thị
1- Tiếp tục tổ chức học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Nội dung chuyên đề học tập năm 2011-2012 đã kết hợp giữa tài liệu học tập mới và các tài liệu về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã được ban hành trong những năm trước đây.

Tài liệu học tập được in ấn duới hình thức nhỏ gọn, thuận tiện trong sinh hoạt tại các chi bộ và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở. Ban Tuyên giáo Trung ương biên soạn tập tài liệu tập hợp những lời dạy của Bác gắn với chủ đề học tập năm 2011 - 2012 để các cơ quan, đơn vị tham khảo. Các tài liệu nêu trên được phát hành rộng rãi trong các tổ chức đảng và xã hội, được hoan nghênh, đón nhận, trở thành nguồn tư liệu, tài liệu thiết thực, giúp các ngành, địa phương tổ chức việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan tuyên giáo các cấp đã tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên về nội dung, cách thức phổ biến và tuyên truyền thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị tại các cấp, các ngành, các địa phương, cơ sở.

2- Về nội dung xây dựng và thực hiện những chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm hoạt động của từng ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị

Nhiều cấp ủy đã chỉ đạo và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị rà soát các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng, tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xây dựng trước đây, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với nhiệm vụ và tình hình thực tế, cụ thể hóa chuẩn mực đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp trong các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị gắn với Quy định về những điều đảng viên không được làm, để cán bộ, đảng viên đăng ký phấn đấu thực hiện, kết hợp với việc kiểm tra, đôn đốc của tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể và sự giám sát của nhân dân.

3- Về trách nhiệm tự giác đi đầu, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp, của cán bộ, đảng viên. Xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên Nhiều cấp ủy và một số ngành, địa phương đã chủ động xây dựng quy định về việc nêu gương của cán bộ lãnh đạo chủ chốt về đạo đức, lối sống (như Lào Cai, Bình Phước, Quảng Ngãi...) để chỉ đạo thực hiện. Trong quy chế làm việc, một số tổ chức đảng đã bổ sung nội dung về trách nhiệm đi đầu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo.

Uy ban Kiểm tra Trung ương đã tham mưu với Ban Bí thư ban hành Quy định và Hướng dẫn thực hiện Quy định “Về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên”, bao gồm cả nội dung kiểm tra sự gương mẫu của lãnh đạo chủ chốt các cấp.

4- Đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt thường xuyên của tổ chức đảng, cơ quan, đoàn thể

Theo kế hoạch và hướng dẫn của Trung ương, các cấp ủy đảng, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều địa phương (như Hải Dương, Thái Bình...) đã chỉ đạo tổ chức trao đổi, thảo luận trong sinh hoạt chi bộ, cơ quan, đơn vị về các chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh, liên hệ với tình hình thực tế của địa phương, như thực hiện nếp sống văn minh, tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; chấp hành các quy định của cơ quan, đơn vị trong quan hệ với nhân dân.

5- Xây dựng và thực hiện chương trình giảng dạy và học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho học sinh, sinh viên, cán bộ, đảng viên

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo xây dựng chương trình giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh trong các cấp học phổ thông, gắn với thực hiện chủ trương đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục và đào tạo được nêu trong Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai xây dựng môn học về tư tưởng đạo đức, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Học viện Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức hội thảo đưa nội dung tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào chương trình học tập, trở thành một môn học trong Học viện. Hội Phụ nữ Việt Nam chỉ đạo xây dựng chuyên đề “Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp giải phóng phụ nữ”, trong đó có nội dung giáo dục tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, để đưa vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Cán bộ phụ nữ Trung ương.

6- Về giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ trong đoàn viên, thanh niên và trong thiếu niên, nhi đồng. Kế hoạch của Trung ương Đoàn đã chú trọng những nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, cho học sinh, sinh viên, thanh niên công nhân, thanh niên quân đội, thanh niên nông thôn. Trung ương Đoàn đã phối hợp với Đảng ủy Ngoài nước để triển khai việc giáo dục đạo đức, lối sống theo tư tưởng, tấm gương của Bác cho thanh niên sinh viên du học ở nước ngoài. Đã xuất hiện một số phong trào thu hút, lôi cuốn thanh niên như “Thanh niên quân đội làm theo lời Bác” của Đoàn thanh niên quân đội, “Câu lạc bộ tiến sĩ trẻ” của Đoàn thanh niên khối các cơ quan Trung ương...

7- Về công tác kiểm tra định kỳ, sơ kết 6 tháng, tổng kết năm việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ban Bí thư đã xây dựng kế hoạch kiểm tra kết hợp giao ban tại các ngành, địa phương. Các đoàn kiểm tra của Ban Bí thư do các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng làm trưởng đoàn đã thúc đẩy việc triển khai thực hiện Chỉ thị tại các ngành, địa phương. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc tổ chức triển khai và kết quả thực hiện của cấp ủy các cấp theo hướng dẫn của Trung ương và của cấp ủy cấp trên; đánh giá tác động của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tới việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên ở địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị.

Đến tháng 5-2012, Ban Bí thư đã tổ chức 12 đoàn kiểm tra ở các địa phương, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và 6 hội nghị giao ban đối với 63 tỉnh, thành phố và 4 đảng ủy trực thuộc Trung ương.

Các nơi được kiểm tra đã thực hiện nghiêm túc các yêu cầu báo cáo của đoàn kiểm tra, có những đề xuất, kiến nghị cụ thể với đoàn. Các đoàn kiểm tra của Ban Bí thư cũng giúp cho các ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Tại các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, công tác kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị đã được quan tâm thực hiện. Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương yêu cầu các đảng bộ trực thuộc tự kiểm tra, báo cáo, sau đó Đảng ủy Khối tiến hành kiểm tra một số đảng bộ trực thuộc để đánh giá kết quả tự kiểm tra. Nhiều cấp ủy (Cần Thơ, Bình Thuận, Phú Yên, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương...) đã chỉ đạo bộ phận giúp việc cấp ủy xuống các địa phương, cơ sở kiểm tra, nắm tình hình, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Việc sơ kết, tổng kết theo Kế hoạch 03-KH/TƯ của Ban Bí thư đã được hướng dẫn thực hiện. Ban Tuyên giáo Trung ương có công văn hướng dẫn các ngành, địa phương sơ kết thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ trong năm 2011 và chuẩn bị chương trình, kế hoạch tổ chức Hội nghị sơ kết năm 2011 vào quý I năm 2012. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã có báo cáo gửi Ban Bí thư qua Bộ phận giúp việc.

Được sự đồng ý của Ban Bí thư, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, vừa qua đã ban hành Hướng dẫn các hình thức biểu dương, khen thưởng và việc tổ chức gặp mặt các tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác để triển khai thực hiện.

8- Về đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Các cấp ủy đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan tuyên giáo các cấp, các ngành chú trọng chỉ đạo các cơ quan truyền thông, thông tấn, báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên mục, chương trình... để tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với tuyên truyền về các sự kiện chính trị lớn, các ngày lễ, ngày kỷ niệm của Đảng, của đất nước. Trong giao ban báo chí hằng tuần, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chú trọng nhận xét về kết quả tuyên truyền của các cơ quan báo chí về nội dung này, biểu dương những cơ quan báo chí làm tốt, nhắc nhở các cơ quan báo chí làm chưa tốt. Các cơ quan báo chí chủ lực, như: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam... đã thông tin đậm nét các hoạt động triển khai Chỉ thị 03-CT /TƯ, có tác dụng hướng dẫn, động viên, cổ vũ việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị. Các cơ quan báo chí, nhất là báo đảng địa phương, một số ngành cũng đã chú trọng thông tin về các hoạt động và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị ở địa phương, ngành.

Thực hiện Kế hoạch 03-KH/TƯ của Ban Bí thư, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam xây dựng kế hoạch đẩy mạnh các hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đến nay, đã ban hành Quy chế Giải thưởng và phát động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề này.

Đảng ủy Ngoài nước đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tuyên truyền việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, học sinh, sinh viên, người lao động Việt Nam làm việc, học tập ở nước ngoài và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

III- Khái quát kết quả năm đầu triển khai thực hiện Chỉ thị


1. Một số kết quả bước đầu
- Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong Đảng và xã hội được quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh thực hiện, gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, góp phần tạo nên những kết quả quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, bảo đảm quốc phòng, an ninh, duy trì trật tự, an toàn xã hội, mở rộng công tác đối ngoại...

- Việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị trong Đảng và xã hội ở nhiều tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, ở một số ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và một số đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương được tiến hành nghiêm túc, tích cực, làm cơ sở để đẩy mạnh thực hiện trong năm 2012. Đến nay, cơ bản đã hình thành về mặt tổ chức và cơ chế chỉ đạo thực hiện từ Trung ương đến cơ sở. Tám nhóm nhiệm vụ được nêu trong Chỉ thị 03-CT/TƯ đều đã được triển khai thực hiện.

- Nhiều cấp ủy, lãnh đạo các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị đã quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trọng tâm là làm theo, xây dựng và triển khai kế hoạch trong ngành, địa phương, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nghị quyết đại hội đảng bộ; gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4.

- Phát huy được những kết quả và duy trì được nền nếp học tập và làm theo Bác đã được xây dựng trong những năm trước đây, chú trọng đưa nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác vào sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; vào các chương trình kế hoạch, phong trào thi đua của các ngành, địa phương, đơn vị.

- Nhiều địa phương, ngành, cơ quan, đơn vị đã có những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện của ngành, địa phương để thực hiện Chỉ thị: xây dựng chuyên đề cụ thể cho từng tháng để đưa vào sinh hoạt chi bộ; liên hệ với tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm ở địa phương, cơ quan, đơn vị; chọn điểm để chỉ đạo, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng; bám sát từng đối tượng để có cách thực hiện Chỉ thị phù hợp; mở diễn đàn đối thoại với nhân dân để lắng nghe tiếng nói và thẩm định niềm tin của nhân dân đối với cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện Chỉ thị; phát hành sổ tay, nhật ký làm theo Bác cho cán bộ, đảng viên; thông qua tiếp xúc cử tri để lựa chọn vấn đề tập trung giải quyết...

- Nhiều nơi đã lựa chọn những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong lĩnh vực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đề ra kế hoạch, phân công trách nhiệm, xác định thời gian, tập trung chỉ đạo khắc phục. Kết quả bước đầu là đã có những nơi giải quyết dứt điểm được một số vụ việc tồn đọng kéo dài, đem lại kết quả cụ thể, tạo sự phấn khởi, tin tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân.

- Ban Bí thư xây dựng kế hoạch kiểm tra và chỉ đạo các ngành, các cấp, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị; công tác tuyên truyền được chú trọng; nhiều địa phương, nhiều cơ quan báo chí có những cố gắng tìm tòi những hình thức tuyên truyền phù hợp để thu hút sự quan tâm của cán bộ, đảng viên, nhân dân.

- Nhiều cấp ủy đã tích cực chỉ đạo rà soát, bổ sung và hướng dẫn thực hiện những chuẩn mực đạo đức phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm, tình hình thực tế của tổ chức đảng, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; có nơi xây dựng thành các khẩu hiệu dễ nhớ, dễ thực hiện.

Trên cơ sở chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh đã được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, việc tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức ở các địa phương, cơ quan, đơn vị đã đạt được một số kết quả trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, quan liêu, vô cảm, xa dân; hạn chế tiêu cực; góp phần rèn luyện nhân cách, tinh thần trách nhiệm, tận tụy với công việc, ý thức học tập, tinh thần đoàn kết trong cán bộ, đảng viên, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng của các địa phương, đơn vị.

2. Những hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân
2.1- Hạn chế, khuyết điểm
- Trong công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai, thời gian đầu, việc triển khai thực hiện Chỉ thị còn chậm, thiếu chủ động. Trong quá trình thực hiện Chỉ thị, tuy đã chú trọng tổ chức các hội nghị quán triệt mục đích, yêu cầu, nội dung của Chỉ thị, nhưng quá trình chuẩn bị tổ chức hội nghị ở Trung ương chậm, làm cho việc tổ chức thực hiện ở cấp dưới chậm theo. Một số văn bản được nêu trong kế hoạch của Ban Bí thư chậm được ban hành. Một số ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị còn tâm lý chờ đợi trong triển khai thực hiện Chỉ thị.

- Trong nhận thức, không ít địa phương, đơn vị còn chưa xác định rõ yêu cầu, nội dung, những việc cần làm để thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị nhằm đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, quan trọng của các tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ở một số nơi, việc học tập và làm theo gương Bác mới dừng lại ở các hoạt động mang tính hình thức, chưa có các nội dung thiết thực, lôi cuốn cán bộ, đảng viên, nhân dân tham gia.

- Trong bước chuyển tiếp từ cuộc vận động của khóa X sang chỉ đạo thành công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, nhiều cấp ủy, địa phương còn lúng túng, có nơi chỉ đạo bị đứt quãng. Việc xác định nội dung và tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng ở nhiều nơi còn lúng túng, chưa liên tục trong các tháng và chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, công chức.

- Nhiều nơi chưa thực sự quan tâm việc bổ sung, hoàn thiện các chuẩn mực đạo đức, mới dừng lại ở chỗ rà soát lại các chuẩn mực đạo đức đã xây dựng trước đó. Ở không ít chi bộ, cơ quan, đơn vị, các chuẩn mực đạo đức vẫn diễn đạt dài dòng, khó nhớ, khó làm theo, khó kiểm điểm, đánh giá, cũng như thiếu tính cụ thể, sát hợp với từng cơ sở, nên khó cho việc kiểm tra, giám sát của cơ quan, đơn vị và nhân dân. Việc triển khai nội dung giáo dục đạo đức nghề nghiệp của một số bộ, ngành còn chậm.

- Việc xây dựng các tài liệu giáo dục đạo đức Hồ Chí Minh trong các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề còn chậm, chưa đạt kết quả cụ thể.

- Việc triển khai học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong thanh niên đang còn một số hạn chế nhất định. Trong việc tập hợp, lôi cuốn thanh niên tham gia sinh hoạt Đoàn, nhất là đối với thanh niên công nhân ở các khu công nghiệp, thanh niên nông thôn, sinh viên du học tự túc ở nước ngoài... còn gặp nhiều khó khăn, song chậm được tháo gỡ, đã hạn chế kết quả thực hiện Chỉ thị trong thế hệ trẻ.

- Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, sức lan tỏa chưa rộng. Không ít cơ quan báo chí chưa quan tâm đúng mức việc tuyên truyền về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Mức độ, liều lượng tuyên truyền còn hạn chế so với yêu cầu và so với những năm triển khai cuộc vận động. Nội dung, hình thức tuyên truyền còn trùng lặp, thiếu hấp dẫn. Chưa chú trọng phát hiện và tuyên truyền nhân rộng những điển hình tiên tiến trong thực hiện Chỉ thị và trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

- Công tác kiểm tra, đôn đốc có nơi, có lúc chưa thường xuyên, chưa tích cực.

2.2- Nguyên nhân của những hạn chế, khuyết điểm

Về khách quan, do sự thay đổi phương thức triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cho nên thời gian đầu ở một số địa phương, đơn vị có lúng túng, bỡ ngỡ nhất định. Tình hình kinh tế - xã hội gặp khó khăn đặt ra nhiều công việc cấp thiết trước mắt cần phải giải quyết đã ảnh hưởng đến sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền, đoàn thể trong triển khai thực hiện Chỉ thị. Những vụ tiêu cực, tham nhũng xảy ra đã làm giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào chủ trương tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Về chủ quan, nhiều tổ chức đảng, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhiều cán bộ, đảng viên chưa nhận thức được thật sâu sắc, thật đầy đủ những nội dung cơ bản, giá trị to lớn của tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Dẫn đến việc triển khai thực hiện Chỉ thị chưa tạo được sự hồ hởi, phấn khởi, lôi cuốn đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân tích cực, tự giác tham gia. Cấp ủy, người đứng đầu ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm và chưa dành thời gian thỏa đáng cho việc chỉ đạo thực hiện Chỉ thị. Vẫn còn tâm lý chờ đợi hướng dẫn của cấp trên. Trong thực hiện ở một số đơn vị, vẫn còn tình hình “khoán” cho cơ quan tuyên giáo làm là chính. Một số cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ lãnh đạo chủ chốt chưa tích cực, chủ động chỉ đạo, tìm tòi những cách làm hay, phù hợp với đơn vị, chưa quan tâm xây dựng, phát hiện và cổ vũ những tập thể, cá nhân làm tốt để nhân rộng.

3. Một số kinh nghiệm bước đầu

3.1- Trước hết, để tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt hiệu quả thiết thực, các cấp ủy đảng và tập thể lãnh đạo, nhất là người đứng đầu các cấp cần nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu và nội dung Chỉ thị của Bộ Chính trị; khẳng định tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là giải pháp hàng đầu trong nhóm giải pháp về chính trị, tư tưởng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4. Từ đó xác định trách nhiệm và nâng cao quyết tâm của cấp ủy, của cán bộ chủ chốt các cấp. Ban thường vụ cấp ủy và người đứng đầu chủ động, sáng tạo trong xây dựng chương trình, kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, lôi cuốn cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia.

3.2- Trong quá trình thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải căn cứ vào hướng dẫn, định hướng chung của Trung ương, chủ động tìm ra những cách làm sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của mình nhằm đạt hiệu quả thiết thực. Phát huy vai trò, trách nhiệm của bộ phận giúp việc cấp ủy; coi trọng công tác tham mưu, đề xuất của các ban đảng và các cơ quan chuyên môn; chú trọng tính đồng bộ, toàn diện đồng thời cần chọn các đơn vị để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm để nhân ra diện rộng, chọn vấn đề, chọn công việc để tập trung chỉ đạo, tạo ra chuyển biến, nâng cao niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

3.3- Chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, nâng cao nhận thức và ý thức tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Kịp thời phát hiện và tuyên truyền các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác, tạo sự lan tỏa trong Đảng và xã hội.

3.4- Phải kiên trì chỉ đạo để từng bước đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành công việc thường xuyên, quan trọng, gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, với các phong trào thi đua yêu nước của ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; lấy kết quả thực hiện chuẩn mực đạo đức để đánh giá cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng.

3.5- Xác định rõ trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, xây dựng quy chế nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, công bố công khai trong đơn vị, nêu một số vấn đề cụ thể, như tinh thần trách nhiệm trong công tác, kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao, phát huy dân chủ, chống đặc quyền, đặc lợi, tiết kiệm trong sử dụng tài sản công, trong việc cưới, việc tang của gia đình... để cấp dưới và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện.

3.6- Coi trọng công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Cấp ủy các cấp tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị của cấp dưới, nghiêm túc thực hiện các chế độ giao ban, sơ kết đánh giá định kỳ; chỉ đạo việc tự kiểm tra và nền nếp báo cáo. Tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giám sát của tổ chức đảng, các cơ quan pháp luật, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với cán bộ, đảng viên, trước hết là đối với người đứng đầu, cơ quan, đơn vị trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

IV. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới

1. Phương hướng chung
1.1- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và các nghị quyết của Trung ương ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; xác định rõ một số nội dung cụ thể, thiết thực thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức đang gây bức xúc trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị, để tập trung chỉ đạo, tạo chuyển biến mạnh mẽ, mang lại kết quả cụ thể, củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

1.2- Phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức thực hiện phù hợp, hiệu quả với từng địa phương, đơn vị; khắc phục tâm lý ỷ lại, chờ đợi hướng dẫn của cấp trên. Trên cơ sở yêu cầu chung, dựa trên đặc điểm, tình hình của địa phương, đơn vị, xác định thời hạn thực hiện từng nội dung công việc, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cá nhân, tập thể trong chỉ đạo để tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị của Bộ Chính trị.

1.3- Tuyên truyền, giáo dục tinh thần tự giác trong việc rèn luyện và tu dưỡng đạo đức, lối sống của mỗi người, đặc biệt là cán bộ, đảng viên, theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tích cực điều chỉnh, tự điều chỉnh những vấn đề đạo đức cá nhân, xưa nay thường bị coi nhẹ, không được quan tâm đúng mức, dẫn đến những vi phạm trong tác phong, ứng xử thiếu văn hóa, thiếu lễ độ với dân, xa xỉ, lãng phí trong sinh hoạt..., đưa việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên và nhu cầu thiết thân của mỗi tập thể, của từng cá nhân.

2. Nhiệm vụ, giải pháp

2.1- Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy

- Nhiệm kỳ này, ở các cấp không thành lập Ban Chỉ đạo; ở Trung ương, Bộ Chính trị giao Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo. Ở cấp tỉnh, thành phố và đảng ủy trực thuộc Trung ương, ban thường vụ và đồng chí bí thư cấp ủy chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện; xác định rõ đây là một nội dung quan trọng phải đưa vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm, định kỳ của ban thường vụ và cấp ủy. Ở các cơ quan Trung ương, cần tăng cường sự chỉ đạo của ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan của các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với nhiệm vụ này.

- Bộ phận giúp việc ở các cấp làm nhiệm vụ tham mưu, giúp việc ban thường vụ cấp ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị. Ban Bí thư đã thành lập Bộ phận giúp việc bao gồm các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ở Trung ương để tham mưu, giúp việc và chỉ đạo việc thực hiện ở cơ quan, ngành; cần đề cao trách nhiệm và nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận giúp việc này. Ở địa phương, ban thường vụ cấp ủy tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ phận giúp việc để giúp cấp ủy đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị. Bộ phận chuyên trách không cần đông, nhưng phải bao gồm những cán bộ tâm huyết, thạo việc. Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy quyết định về số người, xem xét có chế độ phù hợp cho các đồng chí cán bộ chuyên trách.

Bộ phận giúp việc chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ban thường vụ và phải định kỳ báo cáo, tổng hợp tình hình, tham mưu cho ban thường vụ chỉ đạo việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở địa phương, đơn vị.

2.2- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức

Tiếp tục tuyên truyền, quán triệt mục đích, yêu cầu của việc triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị, quán triệt nhiệm vụ của năm 2012 và các năm tiếp theo là đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng, trở thành ý thức tự giác trong toàn Đảng và toàn xã hội.

Trước hết, phải quán triệt trong cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; xác định rõ trách nhiệm triển khai thực hiện Chỉ thị để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra trong phạm vi ngành, địa phương.

2.3- Một số nội dung cần tập trung chỉ đạo
2.3.1- C ấp ủy các cấp tập trung chỉ đạo đưa v iệc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh phải trở thành sinh hoạt thường xuyên, quan trọng của các chi bộ, đảng bộ, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, liên hệ với tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Từ tài liệu chuyên đề hằng năm, các tài liệu của địa phương, các tài liệu về đạo đức Hồ Chí Minh đã có và những điều Bác Hồ dạy, liên hệ với tình hình thực tế, việc thực hiện chuẩn mực đạo đức, ban thường vụ chỉ đạo các cấp ủy và đồng chí bí thư chi bộ xây dựng nội dung, tổ chức thực hiện sinh hoạt chi bộ hằng tháng về việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Cuối năm tổng kết, cần đánh giá kết quả, hiệu quả của sinh hoạt thường xuyên này.

2.3.2- Ban thường vụ cấp ủy, đồng chí bí thư, với sự tham mưu của bộ phận giúp việc, trực tiếp chỉ đạo việc rà soát, xây dựng và tổ chức thực hiện chuẩn mực đạo đức phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng chi bộ, cơ quan, đơn vị theo yêu cầu của Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị, Kế hoạch 03-KH/TƯ của Ban Bí thư và Chỉ thị 1973/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, gắn với Quy định về những điều đảng viên không được làm. Mỗi cán bộ, đảng viên đăng ký phấn đấu thực hiện nghiêm túc các chuẩn mực đạo đức đã xây dựng, báo cáo trong chi bộ nơi mình sinh hoạt. Cuối năm, lấy kết quả phấn đấu theo các chuẩn mực đạo đức, cũng như kết quả thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, là một tiêu chí bình xét thi đua, khen thưởng, đánh giá kết quả phấn đấu rèn luyện, tu dưỡng của cá nhân và tập thể.

2.3.3- Ở các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, ban thường vụ cấp ủy, ban lãnh đạo và đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu chỉ đạo lựa chọn một số vấn đề bức xúc thuộc lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống để chi bộ, đảng bộ bàn biện pháp phấn đấu, khắc phục, tạo chuyển biến, đẩy lùi, tiến tới giải quyết dứt điểm trong một thời hạn nhất định. Có sơ kết, đánh giá những chuyển biến, mức độ khắc phục, đẩy lùi tiêu cực và đề ra kế hoạch cho thời gian tiếp theo.

2.3.4- Cấp ủy, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị; làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, điển hình, thực hiện Chỉ thị một cách sáng tạo, thiết thực và hiệu quả; đồng thời kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc, làm lướt, hoặc thiếu quan tâm, triển khai hình thức. Hằng năm, cấp ủy, lãnh đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc; sơ kết, đánh giá việc thực hiện kế hoạch này trong kiểm điểm công tác cuối năm. Đồng thời, nêu cao vai trò gương mẫu của người đứng đầu trong việc thực hiện các nội dung mà Chỉ thị của Bộ Chính trị đã đề ra, cũng như thực hiện các chuẩn mực đạo đức, Quy định về những điều đảng viên không được làm và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

2.3.5- Chú trọng công tác phát hiện, tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhân rộng những điển hình tập thể, cá nhân tiên tiến, những cách làm hay, sáng kiến tốt; kịp thời biểu dương, động viên những nhân tố tích cực, đồng thời phê phán, ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, lệch lạc, nói không đi đôi với làm, tạo ra không khí phấn khởi, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng, thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.