Có lỗ hổng từ cơ chế

Công nghệ - Ngày đăng : 07:52, 18/05/2012

(HNM) - Gần đây, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) đã  ban hành Công văn số 2035/BKHCN-KHTC thông báo về việc Trung Quốc dừng hoạt động 2.255 doanh nghiệp (DN) do sử dụng công nghệ, máy móc lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng và gây ô nhiễm môi trường.

Đây là một lời cảnh báo cho hiện tượng nhập khẩu công nghệ, đặc biệt là những công nghệ, thiết bị đã qua sử dụng tràn lan trong thời gian vừa qua. Xung quanh câu chuyện này, ông Đỗ Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Đánh giá, thẩm định và giám định công nghệ (Bộ KHCN) cho biết:

Sản xuất xi măng bằng thiết bị nhập lạc hậu kéo theo nhiều hệ lụy về kinh tế và môi trường. Ảnh: Thái Hiền


Theo quy định, một dự án đầu tư phải giải trình về công nghệ, trong đó có so sánh các phương án công nghệ để lựa chọn ra giải pháp tối ưu và dự kiến danh mục máy móc, thiết bị cho dây chuyền sản xuất đó. Tuy nhiên, yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, nên trong hồ sơ không nêu rõ được nội dung này. Vì thế, nếu các dự án đó được cấp giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) mà trong quá trình thực hiện, DN không thể triển khai được hoặc đã đưa vào sản xuất, nhưng trong quá trình sản xuất lại gây ảnh hưởng đến môi trường và sự an toàn của khu vực xung quanh nhà máy… thì sẽ có tác động rất lớn, rất khó khắc phục.

- Như ông vừa nói thì rõ ràng là những quy định để quản lý công nghệ (QLCN) đang có nhiều vấn đề bất cập?

- Đúng thế và có nhiều yếu tố tạo nên những điều bất cập này. Theo quy định của Luật Đầu tư, Nghị định số 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, các cơ quan có thẩm quyền cấp GCNĐT phải có trách nhiệm hỏi ý kiến của bộ, ngành có liên quan trước khi cấp phép. Đối với dự án phân cấp cho địa phương thì về công nghệ phải xin ý kiến của Sở KHCN nhưng hầu hết bị bỏ qua. Vì thế, khi thực hiện dự án, rất nhiều trường hợp không đáp ứng được các yêu cầu về công nghệ và môi trường. Riêng về quản lý môi trường lại có quy định rất chặt chẽ là tất cả dự án đều phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, phải đăng ký hoặc phê duyệt trước khi thực hiện. Thế nhưng, đối với công nghệ, trừ trường hợp chuyển giao công nghệ thì mới phải lập thành hợp đồng trong khi hầu hết dự án sản xuất thì đều có nội dung công nghệ. Vì vậy, trong hồ sơ dự án cần thiết phải quy định rõ nội dung cụ thể chi tiết về phương án lựa chọn công nghệ như thế nào, phân tích làm rõ tại sao lại lựa chọn công nghệ này mà không lựa chọn công nghệ kia. Từ phân tích đó mới chọn được phương án công nghệ tối ưu và biết được cần bố trí mặt bằng dây chuyền như thế nào. Nếu không làm nghiêm quy trình này, DN sẽ đưa ra một con số ước chừng để xin đất, sau đó khi triển khai họ sẽ tìm cách chiếm diện tích đất rất lớn rồi tìm cách chuyển nhượng, bán dự án.

- Lỗ hổng trong việc QLCN này phải chăng chính là nguyên nhân thiết bị lạc hậu vẫn được nhập khẩu, thưa ông?

- Như đã nói, chỉ những dự án thuộc danh mục đầu tư có điều kiện thì mới phải hỏi ý kiến, còn lại chỉ cần lập hồ sơ xin đăng ký đầu tư. Lỗ hổng trong QLCN này dẫn đến tình trạng, các dự án không phải thẩm tra thì DN có thể sẽ đưa thiết bị lạc hậu vào mà chúng ta không có cơ chế kiểm soát được.

Thêm nữa, hiện nay, kiểm soát việc nhập khẩu máy móc, thiết bị phải theo quy định của Luật Thương mại là Bộ Công thương quản lý chứ không phải Bộ KHCN. Gần đây, Bộ KHCN đã kiến nghị với Chính phủ nâng cao vai trò của KHCN, trong đó cần có quá trình xem xét trước khi thực hiện dự án bởi khi đã đi vào sản xuất mới thấy công nghệ lạc hậu thì không thể bắt DN dỡ bỏ dây chuyền công nghệ đó. Chúng ta phải chặn công nghệ lạc hậu ngay từ đầu, nếu thấy nó đúng là "rác thải" thì phải yêu cầu DN dừng ngay dự án.

- Vậy theo ông, thực trạng "rác thải" công nghệ hiện nay ở nước ta thế nào?

- Không phải tất cả các công nghệ có sử dụng máy móc thiết bị đã qua sử dụng đều là xấu. Có những thiết bị đã qua sử dụng nhưng vẫn phát huy hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định, nhưng với điều kiện phải có tiêu chí để xem xét tính hiệu quả đó. Sắp tới, Bộ KHCN sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất các giải pháp rất cụ thể để đánh giá và xử lý vấn đề "rác thải" công nghệ.

- Còn việc nhập khẩu thiết bị cũ sẽ được "quản" theo hướng nào, thưa ông?

- Bộ KHCN đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương rà soát lại danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu hoặc cấm nhập khẩu để bổ sung, sửa đổi Nghị định số 12 trong thời gian tới. Ngoài ra, trong hồ sơ dự án đầu tư sẽ bắt buộc phải có giải trình về công nghệ, thiết bị để cơ quan thẩm định đánh giá trình độ công nghệ đó ở giai đoạn nào, có lạc hậu hay không, nguồn gốc xuất xứ của công nghệ, nơi sản xuất máy móc, thiết bị… làm cơ sở cấp GCNĐT.

-  Xin cảm ơn ông!

Hồng Hà