Nhân rộng mô hình Trường Thực nghiệm
Đời sống - Ngày đăng : 07:30, 18/05/2012
Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường Thực nghiệm. Ảnh: Nguyễn Hùng |
Ông Chu Hữu Thoa (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng): Nên cải tiến cách thức tuyển sinh
Năm nào cũng vậy, đến mùa tuyển sinh, nhiều phụ huynh lại lo lắng đến mất ăn, mất ngủ để làm sao có được một bộ hồ sơ cho con thi vào trường học có chất lượng cao. Hồ sơ bán ít, người kỳ vọng để con em mình được học trong những môi trường tốt lại quá nhiều, dẫn đến cảnh chen lấn, xô đẩy… Chúng tôi thấy rất khó hiểu, thực trạng nêu trên xảy ra đã nhiều năm, không hiểu sao các trường đó lại không cải tiến cách thức tuyển sinh? Nếu những trường này bán hồ sơ rộng rãi, đưa mẫu hồ sơ lên mạng internet, thì họ càng có điều kiện để tuyển đầu vào tốt hơn cho mình? Tôi cũng không thấy vai trò điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc này...
Chị Nguyễn Thúy Hiền (phường Định Công, quận Hoàng Mai): Cần nhân rộng mô hìnhTrường Thực nghiệm
Điểm khác biệt giữa Trường Thực nghiệm với nhiều trường khác là cách thức tổ chức hoạt động giáo dục: Các cháu vừa có giờ học, vừa có giờ chơi, không quá nặng nề, căng thẳng, phù hợp với sự phát triển của trẻ em. Giáo viên không tạo áp lực cho học sinh, nên không có tình trạng dạy thêm, học thêm và học sinh được dành nhiều thời gian cho tuổi thơ, được dạy tư duy tự tin, tự lập. Ngoài ra, Trường Thực nghiệm không chịu "sức ép" từ những con số thành tích. Chẳng phải chạy đua với ai để xếp hạng, chẳng có sức ép nào từ đơn vị quản lý về tỷ lệ khá, giỏi… Trong khi đó, các trường công, thậm chí là ngoài công lập, luôn tìm mọi cách nâng cao các chỉ số để khẳng định thương hiệu của mình. Theo tôi, Bộ Giáo dục-Đào tạo cần nhân rộng mô hình Trường Thực nghiệm, đáp ứng nhu cầu của các bậc phụ huynh cũng như học sinh.
Bà Nguyễn Thị Huyền (giáo viên hưu trí phường Quang Trung, quận Hà Đông): Phải thay đổi cách nghĩ
Không thể phủ nhận được những cái hay, cái mới trong việc dạy và học của một số trường có tên tuổi ở Hà Nội, vì vậy ước nguyện để con, em mình được theo học ở đó cũng là điều hợp lẽ tự nhiên. Vì "cung" không đủ "cầu", dẫn đến cảnh chen chúc, đè bẹp nhau để mua hồ sơ dự thi, dẫn đến những phản cảm không đáng có. Thực tế kết quả thi đại học những năm qua đã chứng minh, nhiều học sinh ở vùng nông thôn, ở các tỉnh lẻ vẫn có số điểm cao… Nghĩa là, cách dạy, cách học vẫn có tính quyết định, các bậc phụ huynh không nên quá lệ thuộc vào việc phải đưa con, em mình vào được những trường danh tiếng. Các bậc phụ huynh cần tự điều chỉnh mình để khỏi gây áp lực cho gia đình và xã hội, đồng thời quan tâm và phối hợp cùng nhà trường dạy dỗ các cháu học tập tốt hơn.
Chị Nguyễn Qúy Hiên (phường Đức Giang, quận Long Biên): Đừng kỳ vọng đến mức ảo tưởng
Theo tôi, mô hình dạy học nào cũng có mặt tốt và mặt chưa tốt. Trường Thực nghiệm cũng không phải là ngoại lệ. Bản thân các trường ở Hà Nội cũng đến học hỏi mô hình và chắt lọc những ưu điểm để áp dụng. Hơn nữa, Trường Thực nghiệm là nơi thử nghiệm những chương trình giáo dục, những cái hay, mới của các nhà nghiên cứu giáo dục. Bởi vậy, phụ huynh cần nhìn nhận thấu đáo trước khi đưa ra quyết định cho con, em theo học. Đừng nhìn vào những thành tích của các cá nhân từng học ở Trường Thực nghiệm để đặt quá nhiều kỳ vọng đến ảo tưởng để rồi tự biến con em mình trở thành công cụ "thí nghiệm".
bsthaiquan@gmail.com: Không quá cầu kỳ việc chọn trường
Kiến thức là cả một quá trình nhận thức kéo dài suốt cuộc đời học sinh. Nó phụ thuộc vào 5 yếu tố: Cơ sở vật chất nhà trường tốt; thầy giáo tốt cả về đạo đức và kiến thức; sức khỏe của trẻ tốt; khả năng nhận thức bẩm sinh tốt và sự quan tâm tốt của gia đình. Ở các nước phát triển, học sinh ở bậc tiểu học không bị nhồi nhét lượng kiến thức khổng lồ như ở nước ta. Học sinh vừa học vừa được chơi, phù hợp với sức khỏe và khả năng nhận thức của các cháu. Theo tôi, cha mẹ các cháu cũng không nên quá cầu kỳ vào việc chọn cho con học ở trường này trường nọ.