JPMorgan “trảm tướng” vì thua lỗ

Thế giới - Ngày đăng : 07:20, 18/05/2012

(HNM) - Bà Ina Drew - Giám đốc đầu tư của JPMorgan đã đệ đơn từ chức. Hai lãnh đạo cao cấp khác của ngân hàng danh tiếng này cũng sắp ra đi là Achilles Macris, người đứng đầu chi nhánh tại London và Javier Martin-Artajo, người quản lý trong nhóm của Macris.


Vụ "trảm tướng" này có liên quan đến sai sót trong chiến lược đầu tư gây thiệt hại 2 tỷ USD, làm ảnh hưởng nghiêm trọng danh tiếng của ngân hàng lớn nhất nước Mỹ. Cuối tuần trước, CEO Jamie Dimon công bố Ngân hàng JPMorgan đã thua lỗ hơn 2 tỷ USD và hung tin này buộc Ina Drew - một trong những người phụ nữ quyền lực nhất  Phố Wall phải đưa ra quyết định trên. Ngay sau báo cáo kinh doanh thua lỗ của JPMorgan ngày 11-5, cơ quan xếp hạng tín dụng uy tín Fitch đã hạ bậc xếp hạng của một trong những đế chế tài chính lớn nhất và có lợi nhuận hàng đầu nước Mỹ này từ AA- xuống A+; đồng thời đặt toàn bộ xếp hạng tín dụng của ngân hàng mẹ và các công ty con thuộc JPMorgan ở mức đánh giá tiêu cực.

Vụ thất thoát 2 tỷ USD ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của Ngân hàng JPMorgan.


Mặc dù đánh giá quy mô khoản thua lỗ trên có thể xử lý được, song Fitch cảnh báo danh tiếng của JPMorgan bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi khách hàng mất niềm tin và nhấn mạnh đây là dấu hiệu cho thấy thể trạng yếu với tính thanh khoản kém của ngân hàng này. Danh tiếng của JPMorgan trong quản lý rủi ro đã bị tổn hại nghiêm trọng và ngay lập tức trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của ngân hàng này đã lao dốc "không phanh": giảm hơn 9%, xuống còn 36,96 USD trong phiên cuối tuần qua, thiệt hại khoảng 14 tỷ USD so với giá trị thị trường. Kéo theo đó, cổ phiếu của các doanh nghiệp tài chính khác cũng đột ngột giảm mạnh, điển hình như cổ phiếu của Citigroup giảm 4,2% và cổ phiếu của Bank of America giảm 1,9%.

Bị tụt hạng tín nhiệm sẽ khiến chi phí đi vay và yêu cầu dự trữ bắt buộc với các ngân hàng này cao hơn, tình hình của JPMorgan trở nên xấu hơn. Trong khi đó, các nhà phân tích và chính trị gia chỉ trích Giám đốc điều hành JPMorgan Jamie Dimon và ngân hàng vì đã đẩy khách hàng và hệ thống tài chính Mỹ lún sâu vào khủng hoảng. Đây cũng là một sự cố bẽ bàng với J.Dimon vì ông hiện là một trong những gương mặt nổi tiếng nhất ngành tài chính Mỹ, sau khi lãnh đạo JPMorgan Chase vượt qua cuộc khủng hoảng năm 2008 một cách tương đối lành lặn.

Chiến lược của J.Dimon trong việc giải quyết sự cố này là liên tục xin lỗi và thẳng thắn thừa nhận cá nhân và JPMorgan đã phạm sai lầm. Tuy nhiên, J.Dimon vẫn chưa sẵn sàng công bố chính xác các danh mục đầu tư gây thiệt hại, do lo lắng sẽ "dâng" hết thông tin cho các nhà đầu tư trong thị trường, từ đó gây ra những thiệt hại lớn hơn. Hiện chính quyền Tổng thống B.Obama đã có những phản ứng trước khoản kinh doanh thua lỗ 2 tỷ USD của JPMorgan và có khả năng mất tiếp 1 tỷ USD vào cuối quý II năm nay. Theo các quan chức Nhà Trắng, khoản thua lỗ khổng lồ của Ngân hàng JPMorgan chứng tỏ cần phải thực hiện ngay kế hoạch cải tổ tại thị trường chứng khoán Phố Wall. Thượng viện Mỹ cũng đang yêu cầu một cuộc điều trần khẩn cấp về vụ thua lỗ 2 tỷ USD tại Ngân hàng JPMorgan.

JPMorgan sở hữu nguồn vốn lên tới 2.320 tỷ USD từ hoạt động đầu tư và hỗ trợ tài chính của 190 triệu cổ đông tính đến cuối tháng 3-2012 và được xem là ngân hàng uy tín bậc nhất nước Mỹ. Song, giờ đây ngân hàng đang gây nhiều bất ngờ khi công bố những tổn thất tài chính chưa từng có. Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 5 năm, JPMorgan vẫn trụ vững với nguồn tài chính dư dả và đã quyết định chi cho thương vụ thâu tóm ngân hàng Bear Stearn với khoản tiền lên tới 240 triệu USD, ngân hàng Washington Mutual với chi phí 1,9 tỷ USD khi các ngân hàng này bị sụp đổ năm 2008.

Kim Phượng