Tiền đề xây dựng nông thôn mới

Xã hội - Ngày đăng : 07:06, 18/05/2012

(HNM) - Phó Bí thư Thường trực xã Hồng Thái Phan Duy Hưng cho biết, từ năm 1997 xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) nhưng mỗi hộ vẫn còn 5-6 thửa nên ruộng vẫn manh mún, khó khăn cho việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế giá trị cây trồng...


Vườn thanh long ruột đỏ tại xã Hồng Thái (Phú Xuyên).    

Toàn xã có 362ha diện tích đất nông nghiệp phải DĐĐT. Khi triển khai gặp nhiều khó khăn, tập quán sản xuất nhỏ lẻ của người dân vẫn còn cố hữu; đồng ruộng có sự chênh lệch, những người có ruộng tốt, vị trí gần đường không muốn dồn đổi, tư tưởng nông dân luôn nghĩ khi DĐĐT cán bộ xã, thôn sẽ chọn được những ô thuận lợi. Vì vậy, trước khi DĐĐT Hồng Thái đã tổ thức các đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng tới toàn thể cán bộ đảng viên và nhân dân. Tuyên truyền mạnh mẽ tới từng hộ dân để người dân nhận thức đúng đắn lợi ích của DĐĐT. Xã, HTX nông nghiệp lên phương án DĐĐT công khai, dân chủ để nhân dân bàn bạc, lựa chọn, chia ra 3 vùng quy hoạch: vùng phát triển kinh tế trang trại (TT) chăn nuôi thủy sản kết hợp; vùng trồng cây giá trị kinh tế cao; vùng trồng lúa hàng hóa để người dân lựa chọn đăng ký theo nguyện vọng. Xã vận động các gia đình trong cùng dòng họ, hoặc một nhóm hộ nhận theo vùng để đầu tư thâm canh theo hướng hàng hóa. Quy trình gắp phiếu nhận ruộng theo số thứ tự cũng do nhân dân bàn và cử người đại diện để tránh tình trạng người dân nghĩ cán bộ sẽ lựa chọn ô gần và tốt. Do đó, đến nay 191,4ha/362ha đất nông nghiệp đã dồn xong ở hai thôn Duyên Yết và Duyên Trang. Thôn Lạc Dương đã xong thủ tục dồn đổi trên giấy tờ; 100% nông dân trong thôn đồng tình ủng hộ chủ trương này. Dự kiến, hết năm 2012 Hồng Thái sẽ DĐĐT xong toàn bộ diện tích đất nông nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch xã Hồng Thái Lê Văn Ấm, nhân dân đồng thuận xây dựng NTM, nên khi DĐĐT bà con nhiệt tình tham gia, coi đây là nhiệm vụ mới để phát triển kinh tế. Sau khi hoàn thành DĐĐT, trung bình mỗi hộ ở Hồng Thái chỉ còn 1-2 thửa. Nhờ DĐĐT và quy hoạch vùng cụ thể nên đến nay Hồng Thái có 126ha cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, như chuối cấy mô, thanh long ruột đỏ và 93ha ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả chuyển sang mô hình chăn nuôi-thủy sản kết hợp với TT; 107ha cấy lúa hàng hóa chất lượng cao. Điều mà nông dân thấy rõ nhất là trước khi dồn ruộng, giá trị thu được chỉ đạt 70 triệu đồng/ha, đến nay đã được hơn 100 triệu đồng/ha, những hộ cá biệt 200-300 triệu đồng/ha. Ông Đồng Trung Hoa, thôn Duyên Yết cho biết, nếu như trước đây cấy lúa 2 vụ hiệu quả kinh tế rất kém vì đồng đất manh mún, không thuận tiện cho chăm sóc, nên năng suất đạt 1 tạ thóc/sào, trừ chi phí chỉ lấy công làm lãi. Từ năm 2010, xã có chủ trương DĐĐT, anh em trong gia đình và họ hàng đã tự dồn đổi ruộng cho nhau. Hiện nay, nhà ông Hoa trồng 1 mẫu thanh long ruột đỏ, đang sinh trưởng và phát triển tốt, ra hoa và quả nhiều, chỉ một tháng nữa là đến vụ thu hoạch, với giá bán tại ruộng như hiện nay 40-50 nghìn đồng/kg, sẽ cho thu nhập cao gấp 4-5 lần so với cấy lúa.

DĐĐT gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế thành công đã giúp Hồng Thái nhanh chóng đạt được các tiêu chí trong xây dựng NTM. Năm 2010, khi bắt đầu xây dựng NTM, trên địa bàn xã mới chỉ có 6/19 tiêu chí cơ bản đạt, qua hơn một năm triển khai, đến nay đã có 12/19 tiêu chí đạt và 3 tiêu chí cơ bản đạt.

Quỳnh Dung