Ưu tiên phát triển giao thông công cộng
Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 18/05/2012
Theo dự thảo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống GTVT của Thủ đô thời gian qua không theo kịp tốc độ tăng dân số và sự phát triển của KT-XH. Hiện trạng cơ sở hạ tầng giao thông còn thiếu và yếu, tỷ lệ đất dành cho giao thông thấp, tỷ lệ km đường/km2 diện tích mới đạt 30% so với yêu cầu đối với khu vực nội đô và 50% đối với khu vực nội đô mở rộng. Trong khi đó tỷ lệ phương tiện cá nhân tăng nhanh, với 3,7 triệu xe máy và trên 380 nghìn ô tô con, chiếm 76% thị phần vận tải; vận tải công cộng mới chỉ chiếm 10%... nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, nhất là các giờ cao điểm.
Các loại phương tiện giao thông công cộng sẽ được ưu tiên đầu tư. Ảnh: Huyền Linh |
Theo quy hoạch, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông của TP Hà Nội sẽ được phát triển bền vững, hiện đại. Ưu tiên việc phát triển giao thông công cộng, nhất là các tuyến đường sắt trên cao và hệ thống xe buýt. Cùng với đó là xây dựng các tuyến vành đai, đường trên cao bảo đảm kết nối đồng bộ nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông. Dự kiến, sẽ có 8 tuyến đường sắt đô thị, 6 tuyến đường trên cao được xây dựng, trong đó đến năm 2020 sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Bác Cổ, Nam Thăng Long - Bác Cổ và Giáp Bát - Gia Lâm; triển khai thêm 9 tuyến xe buýt nhanh nhằm đạt mục tiêu nâng thị phần vận chuyển hành khách bằng phương tiện công cộng lên 25%.
Đối với các điểm đỗ xe và hệ thống bến, bãi, dự kiến sẽ xây dựng 10 bến xe tải liên tỉnh và 4 trung tâm vận chuyển liên hợp; xây mới 9 bến xe khách liên tỉnh tại các huyện Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Hà Đông... Các bến xe khách hiện có như Giáp Bát, Gia Lâm, Lương Yên, Mỹ Đình... sẽ được giữ nguyên để hỗ trợ các bến xe mới. Đồng thời cải tạo, nâng cấp và xây mới trên 80 điểm đỗ xe tại các quận nội thành và 2 huyện Đông Anh, Từ Liêm...
Kết luận nội dung này, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đề nghị đơn vị tư vấn trên cơ sở mục tiêu, định hướng phát triển GTVT Thủ đô Hà Nội, cần xây dựng danh mục các dự án ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn, xây dựng những giải pháp để tổ chức thực hiện, đặc biệt là giải pháp huy động nguồn lực, khoa học công nghệ, quản lý và khai thác sau đầu tư, giải pháp về đất đai, quy hoạch... Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu cần bổ sung vào dự thảo quy hoạch nội dung nghiên cứu bộ máy quản lý điều hành giao thông; hệ thống cảng hàng không phục vụ cứu hộ, cứu nạn; nghiên cứu hệ thống xe buýt nhỏ có thể đi vào được các tuyến phố nhỏ nhằm gom khách cho các tuyến buýt lớn... Đặc biệt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị dự thảo quy hoạch cần đưa vào mục tiêu giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông bằng những con số cụ thể; nghiên cứu và đưa ra những ngưỡng tối đa đối với các loại hình xe taxi, ô tô con và xe máy để làm căn cứ hạn chế sự ra tăng của các loại hình này. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn lập quy hoạch khẩn trương bổ sung, hoàn thiện để trình HĐND TP vào tháng 7 năm nay.
Theo dự thảo Quy hoạch hệ thống thủy lợi TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, toàn TP hiện có 1.338 công trình tự chảy và động lực, tuy nhiên do quá trình bồi lắng, xuống cấp của các công trình cộng với mực nước các sông xuống thấp trong những năm gần đây nên hệ thống thủy lợi của TP chỉ đáp ứng 76% nhu cầu tưới. Đối với hệ thống tiêu hiện nay chỉ đáp ứng yêu cầu với trận mưa từ 150-200mm trong 3 ngày tại các khu vực ngoại thành, khu vực nội thành bảo đảm tiêu với trận mưa 310mm trong 2 ngày. |