Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm trở thành di sản ký ức thế giới

Văn hóa - Ngày đăng : 09:14, 17/05/2012

Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) vừa chính thức được UNESCO công nhận là di sản ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương năm 2012.


Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang cho biết, hồ sơ mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận tại kỳ họp thứ 5, Uỷ ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok (Thái Lan) từ ngày 14 đến 16/5.

Đại diện UNESCO trao Bằng chứng nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới cho ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam.


Đại diện UNESCO đã trao bằng chứng nhận mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là di sản ký ức thế giới cho ông Phạm Cao Phong, Tổng Thư ký Ủy ban UNESCO Việt Nam.

Ông Phạm Cao Phong, cũng là trưởng đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp trên, cho biết chúng ta đã có sự chuẩn bị rất tốt từ khâu lập hồ sơ, trình bày và bảo vệ thành công trong lần đề cử này. Bộ mộc bản này đã giành được 100% số phiếu ủng hộ.

Tại kỳ họp này, UNESCO đã công nhận bốn di sản liệu của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận dựa trên ba tiêu chí là tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và vị trí vai trò trong khu vực.

Giá trị đặc biệt của các mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm ở chỗ tư tưởng, giáo lý của Thiền viện Trúc Lâm được lưu khắc hết sức rõ nét và mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc được thể hiện công phu trên mỗi mộc bản.

Nhiều mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được khắc bằng chữ Nôm, loại văn tự của riêng người Việt Nam với nhiều sáng tạo độc đáo.

Những mộc bản này cũng sẽ là bảo vật vô giá của quốc gia, giúp người đời sau hiểu một cách chính xác và đầy đủ về lịch sử Phật giáo Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm, thân thế, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông và các danh nhân lịch sử văn hóa của đất nước, lịch sử nghề khắc in mộc bản, tư tưởng, văn hóa.

Được biết, chùa Vĩnh Nghiêm hiện còn lưu giữ hơn 3.000 mộc bản kinh Phật, được khắc từ thế kỷ 16-19 để phục vụ đào tạo tăng ni phật tử thiền phái Trúc Lâm và cả nước. Mỗi bản có hai mặt, khắc chữ Hán Nôm âm bản (khắc ngược) gồm nhiều nội dung: y học, văn học, bùa chú, luật giới nhà Phật... Bản khắc lớn nhất có chiều dài hơn 1m, rộng 40-50cm với những chạm khắc hoa văn độc đáo.

Như vậy, cho tới nay Việt Nam đã có được ba di sản tư liệu được UNESCO công nhận là bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442-1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, mộc bản Triều Nguyễn và bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Theo VGPNEWS