Đến nơi đầu sóng

Chính trị - Ngày đăng : 07:16, 17/05/2012

(HNM) - Đúng 8 giờ sáng 16-5, tàu HQ 571 Vùng 4 - một trong những con tàu hiện đại nhất Việt Nam đã khởi hành từ quân cảng Cát Lái đưa đoàn cán bộ thành phố Hà Nội đến với huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 thân yêu.


Đoàn công tác của thành phố Hà Nội lên tàu HQ 571 đến Trường Sa. Ảnh: Lê Hoàn

Từ Hà Nội đến Trường Sa

Rời Hà Nội với hành lý nặng trĩu trên vai, các thành viên trong đoàn có mặt tại trụ sở của Bộ Tư lệnh Hải quân phía Nam nằm trên đường Tôn Đức Thắng (TP Hồ Chí Minh) giáp sông Sài Gòn, trước khi xuất phát ra huyện đảo Trường Sa. Trên gương mặt mọi người, ai cũng ánh lên niềm vui khi tham gia chuyến đi được ví như có một không hai trong cuộc đời. Giữa đống hành lý và hàng hóa khổng lồ, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Tôn Lương tìm mọi cách che chắn, bảo vệ cho cây Bồ Đề như một báu vật. Ông cho hay, đây là món quà đặc biệt nhất mà đồng bào Thủ đô gửi tặng nhân dân huyện đảo Trường Sa. Cây Bồ Đề này được ươm tại chùa Trấn Quốc (Hà Nội), là nhánh của cây Bồ Đề tổ được Tổng thống Ấn độ Rajendra Prasad trao tận tay Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân chuyến sang thăm hữu nghị Việt Nam ngày 24-3-1959. Là biểu tượng cho sự giáo hóa giác ngộ - cứu độ chúng sinh, đoạn trừ "tham - sân - si" trong mỗi con người, khi được trồng trên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, nó sẽ nảy lộc, đâm chồi, đem lại đạo vị cho phật tử, cuộc sống an lành cho nhân dân.

Loay hoay chuyển mấy thùng hàng từ khoang hành lý máy bay, chị Nguyễn Thị Hoa, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật TP trần tình: "Biết trên đảo thiếu rau xanh nên chúng tôi cố gắng mang thật nhiều loại hạt rau giống để tặng các chiến sỹ và nhân dân huyện đảo". Ngoài ra, chị còn mang hơn 20kg hạt nhựa thấm nước, một loại hạt có tác dụng giữ nước mưa, hoặc nước tưới để bảo đảm có đủ nguồn nước ngọt cung cấp cho các loại rau xanh. Đây có thể coi là giải pháp hữu hiệu để đối phó với tình trạng thiếu nước ngọt cho cây trồng trên đảo.

Được giao phụ trách khâu hậu cần, kỹ thuật cho chuyến hành trình, Đại tá Lê Hiền Vân, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, gần một tháng nay anh và các bộ phận chức năng dồn tâm huyết chuẩn bị quà cho quân và dân trên đảo. Cơ quan, đơn vị, địa phương có thành viên tham gia đoàn đều muốn gửi tặng Trường Sa những món quà ý nghĩa nhất để thể hiện tình cảm của mình nên lượng hàng hóa chuyển lên tàu rất lớn. Chẳng hạn, Thành đoàn Hà Nội mang đến đảo bức thư chan chứa tình cảm của tập thể các thủ khoa xuất sắc, những bộ trống đội và khăn quàng đỏ cho các em học sinh; Hội Văn học - Nghệ thuật mang tặng những tác phẩm viết về Trường Sa, những bức tranh sơn dầu thể hiện sự gắn kết giữa Thủ đô với Trường Sa yêu dấu; những nghệ sỹ tặng những ca khúc viết về đảo. Đoàn còn mang nhiều vật dụng sinh hoạt, sổ tiết kiệm, dụng cụ thể thao và hơn hết là mang cả tấm lòng của người Hà Nội đến Trường Sa.

Để Trường Sa gần đất liền hơn

Giống hầu hết thành viên trong đoàn, đây là lần đầu tiên Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến đến thăm huyện đảo Trường Sa. Cũng hồi hộp, háo hức song ông không quên đôn đốc, nhắc nhở các bộ phận chuẩn bị chuyến đi thật tốt để truyền tải một cách sinh động tình cảm và tấm lòng của Đảng bộ, quân, dân Thủ đô dành cho Trường Sa theo đúng tinh thần "Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa". Ông cho biết, mục đích của chuyến thăm này ngoài gửi gắm tình cảm thắm thiết, những món quà thiết thực từ đất liền, đoàn công tác thành phố Hà Nội sẽ cùng với chiến sỹ, quân, dân trên đảo làm lễ cắt băng khánh thành công trình Nhà văn hóa trên đảo Song Tử Tây. Với món quà này, Hà Nội mong muốn góp phần làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân huyện đảo. Việc khánh thành công trình này đúng vào dịp kỷ niệm 37 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, 57 năm Ngày truyền thống Bộ đội Hải quân càng có ý nghĩa, khẳng định Thủ đô Hà Nội luôn luôn bên cạnh Trường Sa.

Thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa X) về "Chiến lược biển đến năm 2020", TP Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền về biển đảo và tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa vì Trường Sa thân yêu. Tiêu biểu là hoạt động "Biên cương trong trái tim Thủ đô", "Tuổi trẻ Thủ đô đồng hành với chiến sỹ nơi biên giới hải đảo", "Một triệu lá thư tay tặng cán bộ, chiến sỹ Trường Sa"… Ngoài ra, các ban, ngành đoàn thể, địa phương của Thủ đô đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện chuyên đề, tổ chức các hoạt động quyên góp ủng hộ Trường Sa, thực hiện chính sách xã hội, thăm hỏi động viên các gia đình cán bộ, chiến sỹ đang làm nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ biên cương, hải đảo.

Lê Hoàn