Lương tối thiểu chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu

Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 17/05/2012

(HNM) - Kết quả cuộc khảo sát về đời sống công nhân do Viện Công nhân - Công đoàn thực hiện tại 90 doanh nghiệp tư nhân ngành dệt - may, giày da, chế biến, GTVT, xây dựng, cơ khí, dịch vụ thương mại tại 10 tỉnh, thành, trong đó có Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy điều kiện sống, thu nhập bình quân của NLĐ tại các DN này còn rất nhiều khó khăn.

"Thích"… tăng ca, làm thêm giờ

Rất nhiều lao động phải làm thêm giờ mới có thể trang trải được cuộc sống. Tính toán cụ thể mức chi tiêu hằng ngày cho thấy, nhóm độc thân có mức chi tiêu thực phẩm cao nhất, 1,3 triệu đồng/tháng. Nhóm thấp nhất là nhóm lao động có từ 2 con, khoảng 700.000 đồng/tháng. Mức chi tiêu này là quá thấp để tái tạo sức lao động, khó có thể cung cấp đủ lượng calo trong một ngày. Các con số thống kê khác cũng đưa ra bức tranh cận cảnh về đời sống của NLĐ trong 90 DN là quá nghèo nàn: 60,2% không hề được xem phim, ca nhạc, du lịch; 17,5% không có tiền chi khám chữa bệnh; 26,4% dành dưới 1 triệu đồng để chi tiêu cho chữa bệnh trong 1 năm; chỉ có 8,5% lao động dành từ 3-4 triệu đồng để chi phí khám chữa bệnh trong 1 năm.

Hiện nay, điều kiện sống, thu nhập bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp dệt - may còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chuyện 6 công nhân cùng thuê trọ một phòng rộng chưa đầy 12m2 để tiết kiệm chi phí không còn xa lạ ở các xóm trọ. Công nhân ăn trưa dưới băng chuyền là chuyện hằng ngày. Thậm chí do sợ ảnh hưởng đến thời gian tăng ca, làm thêm, một số công nhân nữ đã phải vắt sữa ra chai để dành tối về cho con uống… Và còn nhiều cách để tận dụng giờ tăng ca, làm thêm mà chỉ có những NLĐ trong cuộc mới nghĩ ra. Tất cả là do mức lương bình quân của họ trung bình 2-3 triệu đồng/người/tháng chỉ đủ giúp họ duy trì cuộc sống tối thiểu, còn việc làm thêm là để trang trải cuộc sống cho gia đình. Và lâu dần, NLĐ "thích" làm thêm, xem như một thói quen trong cuộc sống. Anh Nguyễn Văn Phúc, công nhân cơ khí ở Long Biên, Hà Nội cho biết: Lương thấp, vợ con tôi ốm liên tục do ăn uống tằn tiện, thiếu chất. Vì vậy, cứ dăm bữa nửa tháng tôi lại phải vay mượn tiền bạn bè, thậm chí vay lãi để đưa con đi khám, mua thuốc. Đến tháng lương sau lại trả dần và cái nợ đồng lần cứ theo đuổi tôi hết năm này sang năm khác.

Vì lẽ vậy mà những người như anh Nguyễn Văn Phúc mới sợ cảnh không có việc làm thêm. Có dịp DN làm ăn khó khăn, ít đơn hàng, mỗi ngày chỉ làm 8 tiếng, anh Phúc cảm thấy bồn chồn khó tả vì đã quá quen làm thêm 4-6 tiếng/ngày (tổng cộng 12-14 tiếng/ngày). Khảo sát của Viện Công nhân - Công đoàn cho thấy, khoảng 30% NLĐ cho biết họ phải làm thêm để kiếm tiền trang trải cho cuộc sống; 37,6% lao động có làm thêm giờ. Trong đó, tỷ lệ NLĐ làm thêm giờ cao nhất là ngành giày da, chiếm 71,8%, ngành dệt may chiếm tới 51,5%.

Đến hẹn lại… đòi quyền lợi

Vì mức sống luôn dao động xấp xỉ ở mức lương tối thiểu, do vậy mỗi khi giá cả sinh hoạt biến động lập tức tác động trực tiếp đến đời sống của NLĐ, dẫn đến bức xúc đòi tăng lương, tăng phụ cấp, tăng tiền thưởng cuối năm. Và kéo theo đó là hàng loạt hành động nhất thời như nghỉ việc tập thể, đòi hỏi quyền lợi. Đặc biệt, do tiền lương thấp, công nhân xem bữa ăn giữa ca là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng chủ yếu để tái tạo sức lao động nên thường đấu tranh đòi hỏi chất lượng bữa ăn phải cao hơn. Tình trạng công nhân bỏ việc dở chừng, "nhảy việc" sang các DN khác có mức lương cao hơn là khó tránh khỏi.

Mức thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang ngày càng tăng tuy không đồng đều, sự chênh lệch thu nhập giữa các ngành nghề và vùng kinh tế cả nước khá lớn. Đặc biệt, chênh lệch thu nhập giữa các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với khối hành chính sự nghiệp và khối sản xuất nhỏ, nông - lâm - ngư nghiệp còn lớn hơn nhiều. Rõ ràng đây là vấn đề gây đau đầu cho các nhà vận hành chính sách để có thể rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Ông Đặng Quang Điều, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn cho rằng đời sống NLĐ khu vực tư nhân chưa được quan tâm đúng mức; Chính phủ chưa cho phép công bố mức sống tối thiểu của NLĐ. Trong khi đó, Bộ luật Lao động đã nêu rõ, nhu cầu mức sống tối thiểu là căn cứ để công bố, điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu. Tuy nhiên, trong thực tế mới chỉ công bố tiền lương tối thiểu và… mức lương này chỉ đáp ứng được 60% mức sống tối thiểu. Rõ ràng sự chênh lệch này là nguyên nhân gây nên những cuộc ngừng việc tập thể, gây bức xúc trong bộ phận NLĐ.

Từ năm 2005, sau khi Luật DN ban hành, mỗi năm có 70.000 DN được thành lập, trong đó trên 70% là DN tư nhân hoặc vốn tư nhân, đồng nghĩa có rất nhiều việc làm mới, NLĐ đáng lẽ phải được hưởng những quyền lợi tốt nhất do thu nhập ổn định, việc làm bền vững. Nhưng thực tế không như mong đợi nên rất cần các cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa ra những chính sách phù hợp. Trong đó, cần hoạch định lại nguyên tắc xây dựng thang, bảng lương và định mức lao động ở khu vực DN, khu vực ngoài nhà nước. Bên cạnh đó, không thể thiếu công tác thanh, kiểm tra việc thực hiện chính sách tiền lương, chế độ BHXH, ATVSLĐ, phụ cấp, trợ cấp... Đối với các DN vi phạm các quy định của pháp luật về tiền lương với NLĐ, cần xử lý nghiêm.

Kim Vũ