Giãn, giảm thuế kịp thời, đúng đối tượng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:07, 16/05/2012

(HNM) - Sau khi Chính phủ thông qua Nghị quyết 13 với gói giải pháp tài chính trị giá 29.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn, Hà Nội đã có những hoạt động cụ thể nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ.


Ngày 15-5, Cục Thuế TP Hà Nội đã đối thoại và lắng nghe những ý kiến đóng góp của DN về thái độ phục vụ của công chức thuế, kịp thời giải đáp những vướng mắc về chính sách mới… nhằm kịp thời hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn là một trong những hoạt động mà Cục Thuế TP Hà Nội tích cực triển khai.


Khách hàng giao dịch tại Chi cục thuế Ba Đình.    Ảnh: Trung Kiên

DN lao đao, nguồn thu giảm

Báo cáo của Cục Thuế TP Hà Nội cho thấy, 4 tháng đầu năm 2012, số thu NSNN trên địa bàn Hà Nội đạt 52.003 tỷ đồng, bằng 35,6% dự kiến. Tuy nhiên, số nộp NS của các DN lớn đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Có tới 1.416 DN giảm số thuế nộp NS 3.540 tỷ đồng, trong đó 265 DN giảm nộp từ 1 tỷ đồng trở lên. Trong đó, Công ty Thông tin di động giảm số nộp NS 500 tỷ đồng, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông: 448 tỷ đồng, Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam: 380 tỷ đồng, Tổng công ty Xăng dầu: 208 tỷ đồng, Đài Truyền hình Việt Nam: 114 tỷ đồng... Một số quận, huyện như: Cầu Giấy, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ có số thu thấp hơn 30% so với cùng kỳ… Nguyên nhân là do 4 tháng đầu năm, hoạt động SXKD của DN trên địa bàn gặp nhiều khó khăn, lãi suất và nguyên vật liệu tăng cao trong khi sức mua giảm đã ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn thu. Riêng ba tháng đầu năm nay, đã có 5.310 DN ngừng hoạt động, trong khi đó số DN mới thành lập chỉ tăng 3% so với thời điểm cuối năm 2012.

Bà Trung Việt Dung, Tổng giám đốc Vinatour, DN đóng trên địa bàn Hà Nội cho biết, là DN hoạt động trong lĩnh vực du lịch, Vinatour cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng tiêu cực từ khó khăn chung của nền kinh tế. Trong bối cảnh giá xăng, dầu, thực phẩm… tăng cao, DN không chỉ sụt giảm doanh thu do người dân thắt chặt chi tiêu mà còn phải đối phó với việc chi phí cho các dịch vụ: ăn uống, vận tải cũng điều chỉnh tăng. Đại diện một DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bánh kẹo trên địa bàn Hà Nội chia sẻ, suy giảm kinh tế đã khiến DN tiêu thụ hàng hóa chậm, nguồn vốn của DN bị eo hẹp. Trong khi đó, việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng lại không đơn giản, bởi để vay được vốn duy trì SXKD, DN phải đáp ứng một số điều kiện, như không có nợ xấu, nợ quá hạn, có dự án kinh doanh khả thi… Trong giai đoạn hiện nay, không phải DN nào cũng đáp ứng đủ những điều kiện này để có thể tiếp cận được với vốn vay ngân hàng.

Triển khai sớm gói giải pháp hỗ trợ DN

Cuộc đối thoại về chính sách thuế do Cục Thuế TP Hà Nội tổ chức đã thu hút sự tham gia của các DN trên địa bàn. Nhiều vướng mắc liên quan đến thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, thuế suất thuế thu nhập DN (TNDN)… đã được đại diện nhiều DN trao đổi thẳng thắn tại hội nghị. Thượng tá Vũ Đình Nhiệm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí Z179 cho biết, DN hoạt động trong lĩnh vực máy công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Với quy định hiện hành, những đơn vị sản xuất máy hoàn chỉnh được hưởng thuế suất GTGT 5% còn người tham gia nhập linh kiện, mua, bán máy chịu thuế suất 10% là chưa bình đẳng. Đơn cử, khi máy móc hỏng, thiết bị phải thay thế, nếu bà con nông dân chấp nhận thuế phụ tùng 10% thì vô hình trung chịu thiệt thòi. Ngược lại, nếu bà con không chấp nhận mua thiết bị thay thế mà thay bằng thiết bị hay máy Trung Quốc (được hưởng thuế suất 5%) thì chính sách lại vô tình làm lợi cho DN nước ngoài…

Lắng nghe và giải đáp những ý kiến của DN xung quanh việc áp dụng những chính sách thuế, ông Phi Vân Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội đã giải đáp một số vướng mắc. Với kiến nghị của Công ty Z179, ông Tuấn cho biết sẽ xem xét cụ thể và trình cấp Bộ kiến nghị của DN để sửa đổi phù hợp. Ông Tuấn cho biết thêm, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 13 với gói giải pháp tài chính đồng bộ nhằm hỗ trợ DN khôi phục SXKD, ngành thuế Hà Nội đã có những bước chuẩn bị nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ. Với việc giãn thuế GTGT trong tháng 4, 5, 6 năm 2012 trong 6 tháng, các DN có thể triển khai ngay trong kỳ khai thuế tháng 4 (kết thúc vào 20-5). Việc giãn, giảm thuế TNDN, miễn giảm tiền thuê đất cho DN, ngay sau khi Bộ Tài chính, UBND TP có hướng dẫn cụ thể, Cục Thuế sẽ triển khai ngay nhằm giúp các DN khó khăn sớm được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ. Việc rà soát những đối tượng được hưởng ưu đãi cũng sẽ được thực hiện nghiêm nhằm giúp tiền thuế giãn, giảm đến đúng đối tượng. Việc triển khai gói tài chính hỗ trợ DN sẽ khiến nguồn thu NS trên địa bàn sụt giảm. Tuy nhiên, đơn vị sẽ tăng số lượng thanh, kiểm tra thuế tại DN thêm 20% so với năm 2011 nhằm rà soát những lĩnh vực có khả năng thất thu cao, qua đó bù đắp nguồn tiền thuế bị thiếu hụt.

Tại hội nghị giao ban NS bốn tháng đầu năm tổ chức mới đây tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đề nghị, các ngành thuế, hải quan, kho bạc, tài chính… tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các DN tiếp cận thuận lợi với gói giải pháp tài chính của Chính phủ, từ đó thúc đẩy phát triển SXKD, đóng góp tích cực cho NS. Nỗ lực này sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ DN duy trì, phát triển hoạt động SXKD, góp phần khôi phục đà tăng trưởng kinh tế của Hà Nội trong thời gian tới.

Hương Ly