"Khát" nguồn nhân lực y tế

Đời sống - Ngày đăng : 07:05, 16/05/2012

(HNM) - Trong khi TP Hồ Chí Minh đang nỗ lực đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh thì nguồn nhân lực y tế - một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu - lại chưa được quan tâm thỏa đáng.


Bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy cho biết, BV chỉ có hơn 1.600 giường bệnh nhưng số bệnh nhân nằm viện trung bình mỗi ngày lên đến hơn 2.500 người. Vì vậy, mặc dù đội ngũ hùng hậu (gần 2.600 người, trong đó có hơn 500 bác sĩ, dược sĩ), nhưng các y, bác sĩ của BV phải làm việc liên tục, "hết công suất". Là một trong ba BV được Bộ Y tế đầu tư thành BV đa khoa hoàn chỉnh, BV Chợ Rẫy có 35 khoa lâm sàng, 11 khoa cận lâm sàng và 8 phòng chức năng. Vì là cơ sở thực hành đại học, sau đại học của Trường Đại học Y dược TP nên BV chủ động được trong khâu đào tạo nguồn nhân lực và chủ động về công nghệ.

Tương tự, các BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Trưng Vương, Sài Gòn, Bệnh nhiệt đới… cũng trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực do quá tải bệnh nhân. Tại BV Nhi đồng 1 và Nhi đồng 2, vào mùa dịch bệnh (như dịch tay - chân - miệng), tình trạng khan hiếm bác sĩ càng trầm trọng. Ở tuyến dưới, tại 322 trạm y tế xã, phường, tình trạng còn nan giải hơn nhiều khi mới chỉ có khoảng gần 80% số trạm có bác sĩ.

TP Hồ Chí Minh có số lượng bác sĩ khá cao so với cả nước, nhưng cũng chỉ đạt tỷ lệ 13 bác sĩ/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (33 bác sĩ/10.000 dân). Điều này tạo nên một sức ép lớn đối với cả thầy thuốc và gây ra nhiều nguy cơ cho người bệnh. Theo quy định, một bác sĩ chỉ có thể khám tối đa 30-40 bệnh nhân/ngày, nhưng thực tế mỗi bác sĩ phải khám cho 90-100 bệnh nhân. Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ thừa nhận, mỗi bác sĩ phải phục vụ cả trăm bệnh nhân mỗi ngày thì đương nhiên không thể có chất lượng tốt, chỉ có thể thăm khám qua loa, ít thời gian.

Trong khi các BV kêu thiếu nhân lực thì thực tế đào tạo ở các trường đại học cũng chưa khả quan, còn hết sức hạn chế. Tại Trường Đại học Y dược TP, hiện quy mô đào tạo tới hơn 6.000 sinh viên/năm nhưng mỗi năm chỉ có khoảng 700 sinh viên ra trường. Tại Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, số lượng sinh viên ra trường cũng chỉ hơn 400 sinh viên.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng, trong giai đoạn 2012-2015, TP cần khoảng 15.714 tỷ đồng để thực hiện đầu tư cho ngành y tế. TP Hồ Chí Minh đã kiến nghị Chính phủ chấp thuận hỗ trợ bổ sung nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho các dự án BV trọng điểm như BV Nhi đồng 1, Ung bướu và Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch (cơ sở 2), với kinh phí 5.000 tỷ đồng. Trên những cơ sở này, TP đặt mục tiêu xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để đến năm 2015 có thêm 5.500 giường bệnh và tăng tỷ lệ 15 bác sĩ/10.000 dân. Vì vậy, bên cạnh việc đầu tư cơ sở hạ tầng, TP buộc phải tăng cường chỉ tiêu đào tạo, xã hội hóa đào tạo, đào tạo theo nhu cầu và có chính sách thu hút, sử dụng nhân lực thỏa đáng.

Chí Kiên