"Thuốc" đúng liều phòng, chống tham nhũng
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 16/05/2012
Những năm qua, công tác PCTN luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt coi trọng. Điều đó được thể hiện qua việc ban hành Nghị quyết của Trung ương, Pháp lệnh và tiếp đó là Luật PCTN, Chiến lược Quốc gia PCTN và nhiều quyết sách khác, đồng thời thành lập Ban chỉ đạo về PCTN ở Trung ương và các địa phương. Tuy vậy, trên thực tế, công tác PCTN vẫn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Ngày 4-5, phát biểu tại buổi tiếp xúc với cử tri của Hà Nội trước kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định:"Trước đây, tham nhũng tiêu cực mới chỉ ở những sự vụ nhỏ, giờ ngày càng quy mô, nghiêm trọng. Chúng ta đã bắt bệnh, đã cắt thuốc, giờ phải lo uống thuốc cho đủ, đúng liều". Và điều đó được thể hiện từ việc kiện toàn mô hình Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cơ chế này được đánh giá sẽ bảo đảm sự độc lập với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; phù hợp với thể chế Đảng lãnh đạo toàn diện.
Tuy nhiên, cùng với việc hoàn chỉnh bộ máy PCTN phải là sự hoàn thiện đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm giải quyết những bất cập đang tồn tại bởi sự bất cập chính là một trong những điều kiện nảy sinh các hành vi tiêu cực. Trước hết, về cơ bản công tác tổ chức cán bộ hiện nay đang vận hành duy trì từ giai đoạn phục vụ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp, chưa có sự đổi mới quyết liệt, cần thiết để thích nghi với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Điều đó dẫn đến tình trạng ở nhiều lĩnh vực, nhiều cấp còn thiếu thông tin và thông tin thiếu chính xác, khiến việc đánh giá, tuyển chọn, đề bạt cán bộ có nơi, có chỗ còn chưa chuẩn xác. Cùng với đó, chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa rõ ràng. Việc khó quy kết trách nhiệm cá nhân phần nào chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "cào bằng" trong đánh giá về năng lực cán bộ, không tạo được động lực rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu ở từng vị trí, cương vị công tác. Các vấn đề nêu trên là kẽ hở để những kẻ cơ hội luồn lách, "chạy" chức, "chạy" quyền; lợi dụng vị trí, cương vị công tác nhằm trục lợi cá nhân... Tình trạng đó, một mặt làm giảm sút lòng tin của người dân vào hiệu quả quản lý của chính quyền, mặt khác làm tha hóa lối sống, phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ.
Để PCTN có hiệu quả còn cần nhanh chóng có chế độ tiền lương phù hợp. Chế độ tiền lương ở nước ta hiện nay dù đã có nhiều lần cải cách, song một số kết quả nghiên cứu cho thấy, mức lương và thu nhập của cán bộ, công chức hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 30-50% nhu cầu tối thiểu của cuộc sống mỗi người. Nhiều người không chịu rèn luyện, không giữ vững phẩm chất, đã đánh đổi lương tâm, đạo đức để có những đồng tiền bất chính...
Để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), bảo đảm hiệu lực của Luật PCTN, đòi hỏi phải có những điều chỉnh chế định pháp luật về vấn đề này. Những điều chỉnh quy định pháp luật phải đạt yêu cầu đủ sức răn đe, ngăn chặn các hành vi tham nhũng, tiêu cực và bảo vệ có hiệu quả những người dũng cảm tố cáo, đấu tranh với tham nhũng.
Cùng với việc hoàn chỉnh bộ máy PCTN, việc nhanh chóng giải quyết những vấn đề trên chính là "liều thuốc" có hiệu quả để trị căn bệnh tham nhũng.