Khách sạn Metropole Hà Nội sẽ khai trương căn hầm trú ẩn lịch sử

Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 15/05/2012

(HNMO) - Bốn mươi năm kể từ sau khi chiến tranh kết thúc tại Việt Nam, và gần một năm sau khi tìm thấy căn hầm trú ẩn ngay giữa lòng khách sạn, ngày 21-5 này, khách sạn Metropole Hà Nội sẽ chính thức khai trương căn hầm bị chôn vùi đã lâu.

KS Metropole Hà Nội sẽ khai trương căn hầm trú ẩn lịch sử bị chôn vùi đã lâu


“Các khách sạn thì luôn mở cửa thêm nhà hàng mới, quầy bar mới hay spa mới, song việc khai trương một căn hầm trú bom thì thật sự là một sự kiện hiếm có” - Ông Kai Speth, Tổng Giám đốc khách sạn chia sẻ.

Căn hầm rộng 40 mét vuông vẫn được bảo tồn nguyên trạng như một sự tôn vinh những đóng góp to lớn của nhân viên khách sạn trong thời kỳ kháng chiến với vô vàn gian khó; những người đã góp sức bảo đảm an toàn cho các vị khách quan trọng trong thời kỳ bom lửa từ giữa những năm 1960 đến mùa đông năm 1972.

Nhà báo người Philippines, Gemma Cruz Araneta đã mô tả căn hầm hồi tháng 5 năm 1968 như sau: "Nơi trú ẩn của khách sạn là căn phòng bê tông dài và hẹp, nơi mà tôi tưởng tượng có thể dựng thành một vũ trường sành điệu. Căn phòng có những chiếc ghế gỗ màu xanh lá cây xếp cạnh nhau. Mặc dù không có điện, tôi vẫn nhìn thấy một chiếc quạt máy. Thật tình, người Việt Nam là những vị chủ nhà ân cần và chu đáo".

Gemma Araneta sẽ đến tham dự lễ khai trương căn hầm ngày 21 tháng 5 này, cùng với sự hiện diện của Bob Devereaux, một nhà ngoại giao Úc, người đã khắc tên mình trên bức tường của căn hầm vào năm 1975. Và nhà sử học Andreas Augustin, tác giả cuốn sách lịch sử của khách sạn Metropole huyền thoại, và giờ đây đang xây dựng khu trưng bày Con đường lịch sử của khách sạn từ năm 1901trong đó có giới thiệu về căn hầm tránh bom của Metropole.

Khu trưng bày 110 năm bề dày lịch sử của khách sạn Metropole được tái hiện dọc theo 18 mét hành lang của khách sạn; bao gồm: 13 bảng triển lãm bao gồm những hình ảnh phục hồi của khách sạn từ những ngày đầu mở cửa, những dấu mốc thời gian giới thiệu hơn 300 vị khách nổi tiếng đã từng nghỉ tại khách sạn như vua hề Sác-lô (Charlie Chaplin), Jane Fonda, Joan Baez hay Angelina Jolie và một phần về hành trình du lịch.

Ông Augustin, Chủ tịch Tổ chức Các Khách sạn Nổi tiếng nhất Thế giới, đang lên chương trình đào tạo một nhóm sáu người am hiểu về sử học trong nước để hướng dẫn du khách cùng hành trình ngược thời gian và sống lại với những khoảnh khắc hào hùng của dân tộc tại căn hầm trú ẩn của khách sạn Metropole.

Theo ông Augustin: “Việt Nam nổi tiếng với các công trình trú ẩn dưới lòng đất như địa đạo Củ Chi, địa đạo Vịnh Mốc hay những căn hầm ở đài tưởng niệm chiến tranh như ở Khe Sanh. Đóng góp của khách sạn Metropole Hà Nội với di tích lịch sử này mở thêm một trang sách mới về câu chuyện chiến tranh ở Việt Nam”.

Mặc dù khách sạn đã biết có một căn hầm trú ẩn ở phía cuối hồ bơi, song chỉ đến khi tiến hành xây dựng nền móng cho Bamboo Bar mới của khách sạn, vị trí căn hầm mới được xác định chính xác. Ông Speth là người đầu tiên tiếp cận với căn hầm cuối mùa hè năm ngoái với một tâm trạng hồ hởi lẫn lo lắng. Ông nói: “Chúng tôi hoàn toàn không biết sẽ tìm thấy gì cho đến khi khoan lỗ khoan đầu tiên qua nóc hầm”.

Những gì họ đã tìm thấy là nước, rất nhiều nước. Trong nhiều năm qua, mạch nước ngầm tràn vào các phòng và hành lang của căn hầm trú ẩn. Sau khi đội kỹ thuật của khách sạn tiến hành bơm hết nước, họ tìm thấy một vài vết tích - một chai rượu cũ đã cạn, một bóng đèn vẫn còn nguyên vẹn, lỗ thông hơi, cánh cửa sắt và dòng chữ khắc trên tường của Bob Devereaux.

Thật tình cờ vào mùa thu năm ngoái, khi Devereaux đọc một bài báo tại Úc viết về việc phát hiện căn hầm này, ông đã không do dự mà liên lạc với khách sạn Metropole Hà Nội và cho hay ông chính là người đã khắc tên mình trên bức tường của căn hầm vào hồi tháng 8 năm 1975, khi chiến tranh đã kết thúc, mặc dù ông không hoàn toàn nhớ vì sao mình đã làm vậy.

“Có thể lúc đấy tôi đang ở trong căn hầm ngập nước, không điện đóm và không có gì để làm nên trong lúc mò mẫm chai rượu Úc bị ngập trong nước tôi đã tiện tay khắc tên mình lên bức tường đó. Tôi không nhớ căn hầm bị đóng lại bởi khi tôi rời Hà Nội năm 1976thì căn hầm vẫn mở cửa” - Bob Devereaux kể lại.

H.H