Triển khai càng sớm càng tốt

Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 15/05/2012

(HNM) - Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang xây dựng và lấy ý kiến về dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội. Theo đó, các tuyến phố có giá trị không gian cảnh quan, có nhiều công trình giá trị, cấu trúc đặc trưng kiểu "phố vườn" sẽ được bảo tồn... Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới đã nhận được rất nhiều ý kiến, kiến nghị của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hoa (phố Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm):
Bảo tồn những công trình có giá trị văn hóa cao

Tôi đang sống tại một khu tập thể đã được xây từ 30 năm nay. Tôi thấy cuộc sống của người dân ở khu tập thể gặp muôn vàn khó khăn, bởi hạ tầng cơ sở xuống cấp, các căn hộ chật hẹp, khiến gia chủ phải tìm mọi cách cơi nới để tăng diện tích sử dụng. Điều này kéo theo mối nguy về sự an toàn cho toàn bộ khối nhà, gây mất mỹ quan khu vực… và rất nhiều mối lo khác. Dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội là một ý tưởng hay, là việc làm rất khoa học, cần sớm thực hiện nhằm bảo đảm sự đồng bộ về hạ tầng cũng như bảo tồn được những công trình xây dựng cổ có giá trị văn hóa cao. Nếu triển khai được như ý tưởng của dự thảo, thì vừa tiết kiệm quỹ đất dành cho xây dựng, lại nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của người dân.

Ông Nguyễn Xuân Huế (phường Thành Công, quận Ba Đình):
Muộn còn hơn không

Lâu nay, chúng ta chỉ nói và bàn nhiều đến việc bảo tồn, tôn tạo phố cổ, còn phố cũ thì hầu như bị lãng quên. Nếu các nhà kiến trúc thời bấy giờ xây dựng ở đây những công trình nhà biệt thự lùi vào phía trong để tạo nét kiến trúc, phong cảnh hài hòa với thiên nhiên, thì chính các thế hệ những nhà thiết kế, kiến trúc hôm nay lại đang tận dụng các khuôn viên đó để tạo ra các công trình "nhà mặt phố", với đủ kiểu dáng kiến trúc pha tạp. Ở hầu hết các biệt thự của phố cũ, những khoảng trống như sân, vườn, hàng rào… được thay thế bằng nhà ở, cửa hàng, ki-ốt. Những ngôi nhà mái bằng, mái ngói, mái tôn, rồi tường lăn sơn, nhà ốp đá, ốp gạch, kính khung nhôm…, gồm đủ các kiểu kiến trúc đông, tây, kim, cổ đều xuất hiện ở nơi đây… Chính vì vậy, việc đưa ra dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội tuy muộn, nhưng còn hơn không. Điều mà người dân cả nước nói chung và người dân Thủ đô nói riêng mong mỏi nhất hiện nay là quy chế phải được triển khai triệt để và càng sớm càng tốt để cứu khu phố cũ.

Bà Lê Thị Anh Quang (phố Quang Trung, quận Hoàn Kiếm):
Tránh tình trạng "treo"

Gia đình tôi đang phải sống trong căn hộ chỉ rộng khoảng 20m2, lúc nào cũng tối tăm, ẩm thấp, cuộc sống của chúng tôi nhiều khi không được độc lập, vì không gian chung của khu nhà quá chật chội. Chúng tôi rất mong có một sự thay đổi cho khu nhà để cuộc sống có chất lượng tốt hơn, vì vậy tôi rất tán thành với dự thảo về quy hoạch phố cũ. Tuy nhiên, tôi thấy rất lo lắng, nhiều diện tích phục vụ mục đích công ích, cây xanh… ở một số khu đô thị mới đều bị cắt xén, thiết kế bị thay đổi, điều chỉnh theo hướng tăng mật độ xây dựng, trong khi đó chất lượng công trình chưa bảo đảm, làm giảm lòng tin của người dân. Do vậy, để dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, thì công tác quản lý nhà nước phải chặt chẽ, ý chí chủ quan và trách nhiệm của cán bộ thực thi nhiệm vụ phải được nâng cao. Điều quan trọng nhất là khi đã xây dựng xong, quy hoạch phải được triển khai, tránh tình trạng "treo"…

Bà Kiều Thị Liên (phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân):
Quy chế phải là công cụ quản lý về quy hoạch kiến trúc

Phải thừa nhận rằng, nhóm nghiên cứu đã có nhiều tính toán khoa học, công phu, tỉ mỉ, song dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội còn thiếu yếu tố thực tiễn. Người dân chưa thấy cái gì sẽ được làm, không được làm, công trình nào cần bảo tồn, công trình nào phải phá dỡ… Có nghĩa là, dự thảo quy chế chưa thể hiện rõ định hướng của cơ quan quản lý về quy hoạch kiến trúc để người dân tuân thủ, thực hiện. Theo tôi, quy chế về quản lý quy hoạch kiến trúc, trước hết phải là công cụ để quản lý về quy hoạch kiến trúc, thậm chí cần phải cụ thể từng chi tiết như: kích thước, chiều cao công trình, màu sắc…

Ông Phạm Xuân Liên (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa):
Không nên bỏ qua các giá trị kiến trúc khác

Qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi thấy dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội mới chỉ chú trọng đến kiến trúc kiểu Pháp, mà bỏ qua các giá trị kiến trúc khác. Theo tôi, khu phố cũ là nội đô lịch sử xuyên suốt nhiều thế kỷ, do vậy cần phải nghiên cứu cả những công trình kiến trúc có giá trị trong giai đoạn cách mạng từ năm 1954 đến nay, đặc biệt là khu phố cũ ở quận Ba Đình. Chúng ta không thể bỏ qua Lăng Bác mà chỉ chú trọng công trình một số trụ sở các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị...

Bà Nguyễn Ánh Tuyết (phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng):
Quy hoạch phải có tầm nhìn sâu, rộng

Dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cũ Hà Nội sẽ giải quyết được nhiều tồn tại và nếu thực hiện được sẽ giữ được diện mạo của thành phố, các công trình sẽ được sắp xếp theo một trật tự khoa học, mỹ quan. Điều quan trọng và được nhiều người kỳ vọng là quy hoạch mới phải bảo tồn được bản sắc văn hóa của Hà Nội, chiều cao của công trình phải được thực hiện nghiêm ngặt, thiết kế, mật độ xây dựng phải tuân thủ đúng quy chuẩn xây dựng, diện tích dành cho công viên, cây xanh, đất phục vụ mục đích công cộng phải được ưu tiên… Quy hoạch phải có tầm nhìn sâu, rộng, trải dài theo không gian, thời gian; phải lấy ý kiến của các chuyên gia và phải đạt được sự đồng thuận của đông đảo người dân.

Nhóm PV Bạn Đọc