Viết như thế nào để hấp dẫn trẻ?
Văn hóa - Ngày đăng : 05:53, 15/05/2012
Trả lời câu hỏi “Viết như thế nào để hấp dẫn trẻ?”, nhà văn Phong Điệp cho rằng, cần phải tìm được một giọng văn đúng nhu cầu của đối tượng độc giả mà mình hướng đến. Nhà văn người Anh - Andy Stanton, tác giả loạt truyện Lão Kẹo Gôm tham dự cuộc tọa đàm này cũng chia sẻ, khi viết ông luôn tưởng tượng mình đang kể chuyện cho những đứa trẻ 8, 9 tuổi nghe. Thậm chí tư duy như chúng để đưa ra một điều gì đó “ngớ ngẩn, kỳ cục, không giống bình thường” vào tác phẩm của mình. Điều “ngớ ngẩn, kỳ cục” đó đương nhiên cũng phải truyền tải một thông điệp, một bài học nào đó. Nhưng vì trẻ em là đối tượng độc giả rất nhạy cảm, nên cách “chở” thông điệp phải nhẹ nhàng và phù hợp với chúng. Thực tế đã chứng minh, Nhật ký ngốc xít, Nhóc Nicolas, hay các tác phẩm của nhà văn Roald Dahl… thành công bởi nó mở ra một thế giới mới, kích thích trí tưởng tượng, nhiều chi tiết hài hước và đặc biệt, trẻ em thấy được mình trong đó. Đây cũng là đặc điểm mà chúng ta có thể thấy trong những cuốn sách được thiếu nhi yêu thích hiện nay như Kính Vạn Hoa, Tôi là Bê Tô… của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.
Sự khô và cứng của văn học thiếu nhi Việt Nam nói chung, theo đánh giá của dịch giả Lê Quang, là do thói quen giáo điều hình thành lâu nay khiến nhà văn ít nhiều tự “kiểm duyệt” mình ngay từ tư tưởng. Không dám xây dựng những nhân vật quậy phá nghịch ngợm như trêu thầy, chọc bạn, phá nhà hàng xóm… kiểu nhóc Nicolas, vô hình trung nhân vật trong nhiều tác phẩm của nhà văn ta trở nên xa lạ với bạn đọc nhỏ. Sách giáo khoa khi hướng dẫn trẻ cách đọc cũng thường đặt ra câu hỏi: “Đoạn văn này/tác phẩm này nói về điều gì?” phần nào hạn chế trí tưởng tượng của các em, khiến trẻ không còn khả năng cảm thụ những tinh hoa ngôn ngữ mà nhà văn chắt chiu dày công tìm tòi.
Tuy nhiên, các khách mời cũng tỏ ra rất lạc quan, bởi chúng ta vẫn có những tác phẩm hay, giàu trí tưởng tượng, ngôn ngữ đầy chất thơ như Một thiên nằm mộng, Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần, hay Khúc đồng dao lấm láp của Kao Sơn… Đáng tiếc những tác phẩm này dường như ít được công chúng biết đến, do chưa được chú trọng quảng bá.
Hiện tại, văn đàn Việt Nam cũng đang xuất hiện một vài gương mặt tác giả trẻ từ 8 đến 13 tuổi đã bắt đầu sáng tác, viết và cả vẽ minh họa cho tác phẩm của mình… Không có lý gì lại không hy vọng vào sự mới mẻ của những cây bút trẻ để góp phần bù đắp những hạn chế của văn học thiếu nhi nước nhà.