Cần thiết song chưa hợp lý
Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 14/05/2012
Rồi người dân nhiều xã thuộc các huyện Thạch Thất và Quốc Oai, Chương Mỹ, Ba Vì phải mua nước sạch với giá cao về dùng… Thế nên, thông tin Công ty Nước sạch Hà Nội đang trình phương án tăng giá nước sạch lên UBND thành phố với mức tăng dự kiến từ 30 đến 35% khiến người tiêu dùng xôn xao?
Việc tăng giá nước sạch cần được cân nhắc kỹ. Ảnh: Viết Thành |
Lý do được lãnh đạo Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội đưa ra là, giá nước hiện nay (4.000 đồng/m3) là quá thấp trong khi tất cả các chi phí đầu vào đều tăng cao, gây ảnh hưởng đến doanh thu của công ty và không thu hút được nguồn vốn đầu tư cũng như thực hiện các dự án phát triển (trong bốn tháng đầu năm 2012, công ty đã lỗ tới 32 tỷ đồng). Để bảo đảm đời sống cho cán bộ, công nhân viên và duy trì hoạt động phục vụ, công ty đã phải phát triển thêm nhiều lĩnh vực như thi công, thiết kế, sản xuất nước tinh khiết đóng chai… Trong khi đó, giá nước sạch ở Hà Nội hiện thấp nhất trong cả nước song nhu cầu sử dụng lại ngày càng gia tăng. Do vốn đầu tư làm nước sạch lớn nhưng thu hồi lại chậm (vì giá bán thấp) nên chỉ có thể khắc phục được bằng việc nhanh chóng tăng giá nước.
Thế nhưng phải nói rằng, ở thời điểm hiện tại, khi mà Nhà nước đang tìm mọi cách bình ổn giá để bảo đảm an sinh xã hội và việc này đã có một số kết quả bước đầu, giá cả một số mặt hàng thiết yếu đã "giảm nhiệt" thì đưa ra đề xuất này là chưa hợp lý. Người tiêu dùng phải đặt ngay ra một loạt câu hỏi: Tăng giá có đi kèm với nâng cao chất lượng nước cũng như chất lượng phục vụ? Liệu có công bằng khi nước chưa đủ lại còn tăng giá? Ngành nước đã "thấu hiểu" và đồng cảm với khó khăn chung trong đời sống xã hội hiện nay của người dân chưa hay vẫn thờ ơ vì được độc quyền trong cung ứng mặt hàng tối quan trọng này?... Đúng là giá nước sạch hiện nay còn thấp, Nhà nước vẫn phải bao cấp, doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn… nhưng việc điều chỉnh phải có lộ trình tăng dần, phải được sự đồng thuận của người dân, tăng ngay một lúc 30- 35% là mức quá cao.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: "Minh bạch về cơ sở (điều kiện), việc tăng giá nước sẽ dễ được chấp nhận. Người dân sẵn sàng chia sẻ khi ngành nước gặp khó khăn nhưng nếu việc tăng giá chỉ vì mục đích giảm lỗ thì không thể chấp nhận, nhất là đối với ngành kinh doanh phục vụ mặt hàng có tính xã hội cao là nước sạch. Không thể đổ kết quả từ sự yếu kém hay không hiệu quả trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp lên đầu người tiêu dùng được". Theo ông Hùng, giá thành tác động mạnh đến chi phí đầu vào và ảnh hưởng đến lỗ, lãi trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, song lợi ích của doanh nghiệp và người dân phải hài hòa và đặc biệt, phải chú ý đến những tác động xã hội do việc tăng giá gây ra chứ không nên thiên về một bên. Việc giá nước hiện tại còn thấp là một thực tế, song để tăng giá, không thể vin vào lý do lỗ trong khi chính ngành nước lại chưa có biện pháp giảm thất thoát, hạn chế sử dụng nước lãng phí một cách có hiệu quả.
Theo Công ty Kinh doanh Nước sạch Hà Nội, năm 2012 toàn thành phố có 209.435 hộ dân được cấp nước sạch sinh hoạt (tăng 46.541 hộ so với năm 2011). Để bảo đảm cung cấp nước đầy đủ, ổn định, công ty đã đầu tư phát triển nguồn nước phát trên toàn mạng cấp nước đạt 634.000m3/ngày đêm, bảo đảm 100% số hộ gia đình ở các quận nội thành và 33% dân số thuộc các huyện ngoại thành được sử dụng nước sạch. Thế nhưng, tỷ lệ thất thoát nước hiện nay đang tới khoảng gần 30% lại là con số đáng suy nghĩ? Nguyên nhân của tình trạng trên có nhiều, trong đó có cả sự thiếu ý thức trong sử dụng nước của một bộ phận người tiêu dùng. Nhưng khi chưa có được giải pháp hạn chế, khắc phục, tiến tới chấm dứt được tồn tại trên thì việc đề xuất tăng giá nước hiển nhiên là thiếu thuyết phục và mục tiêu thời gian tới ngành nước sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng cung cấp nguồn nước sạch cho các vùng miền khó khăn trên địa bàn Thủ đô sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư về khung giá tiêu thụ nước sạch sinh hoạt. Theo dự thảo, giá nước sạch sinh hoạt tại khu đô thị loại 2 đến loại 5, sẽ được ấn định từ 3.000 - 15.000 đồng/m3; giá nước sạch sinh hoạt tại khu đô thị đặc biệt, khu đô thị loại 1 sẽ được nâng lên từ 3.500 - 18.000 đồng/m3; nước sạch nông thôn sẽ có giá từ 2.000 - 11.000 đồng/m3 (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Căn cứ vào khung giá được ban hành trên, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào chất lượng nước để quyết định mức giá vào thời điểm thích hợp. |