Triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp: Còn nhiều bất cập
Kinh tế - Ngày đăng : 07:25, 14/05/2012
Ban chỉ đạo (BCĐ) BHNN trung ương yêu cầu, các địa phương khi triển khai BHNN cần báo cáo vướng mắc để tìm biện pháp tháo gỡ, đồng thời phải linh hoạt điều chỉnh để chương trình triển khai đúng tiến độ.
Chương trình triển khai bảo hiểm nông nghiệp tiến độ thực hiện còn chậm. Ảnh: Huy Hùng
Theo BCĐ BHNN trung ương, đến thời điểm này, đã có 4/7 tỉnh triển khai bảo hiểm trên cây lúa là Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình và An Giang. Tỉnh Nghệ An thu hút được khoảng 23.000 hộ dân tham gia, mức thu phí bảo hiểm ước đạt 8 tỷ đồng. Đối với vật nuôi, đã có hai tỉnh là Vĩnh Phúc và Đồng Nai có hợp đồng bảo hiểm với nông dân, riêng Vĩnh Phúc mức thu phí bảo hiểm đạt 1 tỷ đồng. Lĩnh vực thủy sản, có hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu triển khai, trong đó Sóc Trăng đã thu phí được 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong tổng số 23.000 hộ đã có hợp đồng BHNN vẫn chủ yếu là các hộ nghèo và cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ. Diện đối tượng khác tham gia BHNN mới đạt 200 hộ. Ông Nguyễn Quang Phi, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, một số tỉnh triển khai BHNN đã xuất hiện rủi ro, công ty đang làm thủ tục bảo hiểm hỗ trợ cho người tham gia. Người dân bước đầu có niềm tin vào chương trình, tuy nhiên tiến độ thực hiện tại các địa phương còn chậm.
Thực tế, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương cho rằng có những bất cập, không phù hợp với thực tiễn cần sửa đổi như phí bảo hiểm cao, điều kiện tham gia bảo hiểm tuân thủ quá nhiều tiêu chí. Ông Nguyễn Quang Phi cho biết, BCĐ BHNN trung ương đã điều chỉnh lại một số điểm. Đơn cử như trước đây, quy định mức phí bảo hiểm đối với chăn nuôi lợn là 5%/năm, đến nay đã quyết định giảm còn 2,5%/năm và áp dụng theo chu kỳ chăn nuôi. Với mức phí này, trước đây người chăn nuôi lợn phải đóng 100.000 - 130.000 đồng/con/năm, nay chỉ còn 40.000 đồng/con/năm, trong đó hộ cận nghèo chỉ khoảng 10.000 - 13.000 đồng/ con/năm. Đặc biệt, trước đây, quy định quy mô bảo hiểm đối với lợn số lượng phải là 30% tổng đàn vật nuôi, nay quy định áp dụng quy mô 1 - 2 con lợn/hộ. Ngoài ra, còn bổ sung thêm một số loại dịch bệnh được áp dụng bảo hiểm như tả, sưng phù đầu, tụ huyết trùng…
Đối với Hà Nội, BHNN được triển khai trên đàn lợn và bò sữa. BCĐ BHNN Hà Nội đã chọn hai huyện là Ba Vì với bảo hiểm bò sữa và Chương Mỹ bảo hiểm trên đàn lợn. Theo lộ trình, đối với bò sữa sẽ triển khai thí điểm tại ba xã Tản Lĩnh, Vân Hòa, Yên Bài, sau đó rút kinh nghiệm để nhân rộng. Thời gian thực hiện thí điểm tại ba xã từ tháng 4 đến hết tháng 6 - 2012. Tháng 8 - 2012 sẽ triển khai tại tất cả các xã có chăn nuôi bò sữa. Đối với bảo hiểm trên đàn lợn, đầu tháng 5 đã triển khai tại ba xã Đại Yên, Trung Hòa, Tốt Động (huyện Chương Mỹ). Theo ông Nguyễn Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Bảo Việt Đông Đô, từ những năm 1987 - 1988, Chương Mỹ đã triển khai thí điểm BHNN đối với trâu bò. Tuy nhiên, do chưa có chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mức đóng phí cao, các doanh nghiệp bảo hiểm thua lỗ nên không thể triển khai rộng. Theo quyết định mới, với sự hỗ trợ 20 - 100% mức phí như hiện nay, chương trình BHNN sẽ góp phần giảm thiểu rủi ro cho người chăn nuôi.
Thực tế, khó khăn lớn nhất hiện nay cần tháo gỡ là việc nới rộng diện BHNN. Nông dân Ba Vì không muốn tham gia vì giá trị một con bò sữa rất lớn, song bảo hiểm chỉ ưu tiên hộ nghèo. Nhưng đã là hộ nghèo thì không có khả năng nuôi bò sữa. Do đó, đối tượng được hưởng chính sách này hầu như không có. Bên cạnh đó khi xảy ra dịch bệnh thì phải đáp ứng các quy định như: Trên 10% tổng đàn gia súc, gia cầm của xã chết do dịch bệnh, lúc đó bảo hiểm mới giải ngân; song mức hỗ trợ chỉ 60% giá trị vật nuôi... Ông Nguyễn Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ cho rằng, trong ba năm qua, đàn lợn liên tục giảm, việc thực hiện bảo hiểm càng trở nên có ý nghĩa. Tuy nhiên, đối tượng được hỗ trợ bảo hiểm thuộc hộ nghèo và cận nghèo, trong khi hầu hết các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm lớn, không vào diện hộ nghèo. Chương Mỹ hiện dẫn đầu thành phố về chăn nuôi với đàn lợn 118.000 con, gia cầm 2,3 đến 3 triệu con; về quy mô có 571 trang trại gà, 39 trang trại lợn. Khó khăn nữa đối với Hà Nội là khi xảy ra dịch bệnh thường không vội vàng công bố dịch mà khoanh vùng dập dịch trong khi điều kiện được bảo hiểm là phải công bố dịch. Với những thắc mắc trên, ông Nguyễn Quang Phi cho biết, riêng với Hà Nội, BCĐ BHNN trung ương sẽ làm việc lại với Bộ NN& PTNT để tháo gỡ vướng mắc và tạo cơ chế đặc thù cho Hà Nội theo hướng không cần công bố dịch vẫn được bảo hiểm vật nuôi. Thay vào đó là xác nhận của cơ quan thú y các cấp huyện, xã, nhằm giảm tác động tiêu cực cho ngành chăn nuôi trong việc tiêu thụ sản phẩm khi dịch bệnh ở diện hẹp.
Theo Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm thuộc Bộ Tài chính thì năm 2010, nông nghiệp đóng góp 20% GDP, song nông dân vẫn gặp nhiều rủi ro và tổng thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lên đến 11 nghìn 700 tỷ đồng. Việc triển khai BHNN rất cần thiết khi tình hình dịch bệnh và biến đổi khí hậu diễn ra khá phức tạp như hiện nay. BHNN là vấn đề mới, không chỉ nông dân - đối tượng bảo hiểm mà ngay cả doanh nghiệp bảo hiểm, cơ quan tham mưu cho nhà nước, các cấp lãnh đạo và tổ chức đoàn thể xã hội địa phương cũng chưa nhận thức, hiểu biết thấu đáo. Do vậy, trước mắt cần phải thông tin đầy đủ, minh bạch, cụ thể, dễ hiểu có cơ chế linh hoạt loại hình BHNN này để thu hút người dân tham gia.