Chỉ hy vọng vào tuyển nữ
Thể thao - Ngày đăng : 07:19, 13/05/2012
VĐV Nguyễn Thị Lụa (phải). |
- Thành tích giành một suất dự Olympic 2012 của đội vật nữ khiến ông hài lòng hay tiếc nuối?
- Tôi hài lòng vì đội đã hoàn thành mục tiêu giành một vé tham dự Olympic 2012. Ngay trước các vòng loại, chúng tôi đã xác định chỉ có thể giành vé dự Olympic ở các hạng cân của vật nữ. Và cuối cùng thì Nguyễn Thị Lụa đã giành vé. Cũng có người tiếc nuối cho Trần Thị Diệu Ninh ở hạng 55kg. Tại vòng loại thứ ba ở Phần Lan, Ninh đã vào đến tứ kết nhưng rồi lại thua đô vật Trung Quốc. Tuy vậy, với thực lực của Diệu Ninh hiện nay, rất khó có thể vượt qua các đô vật Trung Quốc. Tất nhiên, sự tiếc nuối nằm ở chỗ vòng đấu loại Olympic nào Ninh cũng đụng phải các đô vật Trung Quốc. Cũng phải nói thêm, hạng 55kg nữ cực kỳ đồng đều. Vật Trung Quốc cử tới 4 đô vật ở hạng này, lần lượt dự các vòng loại.
- Sau thành tích trên, có thể thấy chủ công của Vật Việt Nam trong nhiều năm tới vẫn là vật tự do nữ?
- Theo tôi thì đúng là như vậy. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ta buông lỏng các nội dung của nam.
- Ta biết trước các đô vật nam sẽ không thể giành vé dự Olympic nhưng vẫn cử họ dự các vòng loại Olympic được tổ chức trong thời gian vừa qua. Thực tế là họ đều thua tâm phục khẩu phục. Có lẽ, sân chơi phù hợp nhất với các VĐV nam vẫn là SEA Games chăng, thưa ông?
- Đúng là không cần phải bàn cãi về thất bại của các đô vật tự do nam nữa. Thực tế là tại vòng loại Olympic, các đô vật Việt Nam bị đánh giá thấp nhất, đơn giản vì trình độ của ta thua kém các đối thủ. Vật tự do nam Việt Nam có thể tung hoành ở SEA Games nhưng sân chơi Olympic, đòi hỏi một trình độ hơn nhiều. Và ở các vòng loại Olympic vừa qua, các nước Đông Nam Á khác cũng không cử VĐV tham dự, chính vì vậy, cơ hội giành dù chỉ là một trận thắng cũng thu hẹp đáng kể. Trước khi dự vòng loại Olympic, chúng tôi đã biết trình độ của vật nam Việt Nam chỉ qua tầm khu vực Đông Nam Á một chút, nhưng dù biết là các em không thể giành vé, sẽ thua đậm thì vẫn phải tham dự.
- Để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm…
- Đó là lý do chính. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn” mà. Kể cả thất bại thì sự va vấp thực tế sẽ giúp các em trưởng thành hơn trong sự nghiệp. Sau này, nhiều em sẽ trở thành HLV của vật nam hoặc vật nữ. Kinh nghiệm qua những lần dự giải như thế này sẽ là hành trang quý giá cho các em. Ngoài ra, chúng tôi vẫn nuôi hy vọng, thông qua các giải đấu thế này sẽ tìm được gương mặt nam khả dĩ có thể thi thố được ở tầm châu lục.
Nếu không cử các đô vật nam dự các giải lớn như vừa qua thì Vật Việt Nam mãi mãi chỉ an phận ở tầm Đông Nam Á mà thôi. Vì vậy, không nên bóc tách, chỉ chuyên tâm đầu tư cho vật nữ mà bỏ qua tuyển nam.
- Nói lại về quá trình chuẩn bị cho Olympic 2012, Đội tuyển vật nữ không có chuyên gia CHDCND Triều Tiên từ tháng 3-2012 như dự kiến. Xin hỏi ông, là nếu có chuyên gia ngay vào thời điểm đó thì thành tích của các đô vật nữ có thể tốt hơn không?
- Điều này lại phụ thuộc vào trình độ, phương pháp cũng như sự phối hợp với các HLV nội của chuyên gia nước ngoài. Sẽ có hai chiều hướng xảy ra, là tốt hơn hoặc xấu đi. Tuy vậy, do đã giành được một vé dự Olympic 2012 theo đúng chỉ tiêu nên chúng tôi cũng không suy nghĩ quá nhiều về chuyện này.
- Từ ngày 15-5 tới, chuyên gia người CHDCND Triều Tiên sẽ tới Việt Nam để huấn luyện cho Nguyễn Thị Lụa tham dự Olympic 2012. Ông kỳ vọng gì vào điều này?
- Chưa bao giờ gặp vị chuyên gia này nên tôi cũng chưa rõ trình độ, phương pháp huấn luyện của ông ấy. Tôi hy vọng vào những điều mới mẻ từ vị chuyên gia này, để Nguyễn Thị Lụa có màn trình diễn coi được tại Olympic 2012.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!