Từ những điều nghịch lý…

Xã hội - Ngày đăng : 07:10, 13/05/2012

1. Nhìn cảnh Thành Lương bước lên bục nhận danh hiệu "Quả bóng Vàng" Việt Nam năm 2011 mà mặt vẫn buồn rười rượi, nhiều người không khỏi thắc mắc. Đến khi hỏi, Thành Lương trả lời rằng: "Theo tôi, trong bối cảnh không có cá nhân nào thực sự xuất sắc, danh hiệu này nên trao cho một tập thể nào đó thì hơn''.

Thành Lương nhận Quả bóng Vàng 2011.

Thì ra, cầu thủ có tiếng là chân chất này buồn bởi phải nhận danh hiệu mà bản thân mình thấy chưa xứng đáng. Theo Thành Lương, trong năm qua anh chưa có nhiều đóng góp cho ĐTQG cũng như ĐT U.23 QG. Còn nhắc đến thành tích ở CLB thì lại càng buồn hơn, bởi đội Hà Nội ACB của anh bị xuống hạng trong năm 2011.

Đúng là trong lịch sử 17 lần tổ chức giải "Quả bóng Vàng" Việt Nam, lần đầu tiên danh hiệu cao quý này được trao cho cầu thủ của một đội bóng bị xuống hạng. Trước đây, Dương Hồng Sơn (năm 2008) hay chính Thành Lương (năm 2009) từng được nhận danh hiệu này khi đội bóng của mình thi đấu ở Giải hạng Nhất, nhưng họ đã giúp đội bóng của mình thăng hạng ở mùa giải đó. Còn việc trao danh hiệu cho cầu thủ ở đội bị xuống hạng thì đúng là hy hữu. Cả nền bóng đá mà không thể tìm ra một cá nhân thực sự xứng đáng để trao "Quả bóng Vàng", chuyện ấy thực đáng buồn.

2. Trên bảng xếp hạng FIFA mới công bố, ĐTVN tiếp tục trụ vững ở vị trí thứ 97 thế giới, thứ 15 Châu Á và thứ nhất khu vực Đông Nam Á. ĐTVN đã bỏ xa các đối thủ trong khu vực, như Thái Lan tới 44 bậc, Indonesia - 54 bậc, Malaysia - 56 bậc... Đáng lẽ khi đội nhà đạt thứ hạng cao như thế, người hâm mộ phải mừng, nhưng trên thực tế chẳng mấy người để tâm đến chuyện này, bởi đơn giản điều đó không phản ánh đúng thực lực của ĐTVN trong mối tương quan với nhiều đội khác.

ĐTVN sớm bị loại ở vòng loại World Cup, đã không thi đấu trận nào trong 7 tháng nay, thậm chí còn chẳng có HLV trưởng nhưng vẫn tăng thứ hạng ầm ầm. Trong khi đó, những đội thi đấu liên tục, có số trận thi đấu nhiều gấp 3-4 lần ĐTVN thì lại đứng dưới chúng ta hàng chục bậc. Thế nên, báo chí Bắc Ireland (đội tuyển từng hai lần dự World Cup) mới đây đã "bực mình" giật cái tít: "Và chúng ta lại đứng dưới Đội tuyển Việt Nam''. Thậm chí, số điểm trong 12 tháng gần nhất của ĐTVN (272,19 điểm) còn nhiều hơn cả những đội hàng đầu châu lục như Nhật Bản (267 điểm), Qatar (192 điểm), Saudi Arabia (189 điểm)...

Thực chất bảng xếp hạng của FIFA có vô số khuyết điểm, một trong số đó là cách tính điểm dựa trên điểm số trung bình mỗi trận đấu thu được. Bởi vậy, những đội đá ít nhưng lại tranh thủ thắng đậm đội yếu ở vòng ngoài như Việt Nam từng thắng Macau 6-0 và 7-1 lại được xếp cao hơn những đội lọt sâu nhưng thua nhiều ở vòng loại World Cup như Thái Lan, Indonesia, Singapore. Ở đây, ĐTVN đã được hưởng lợi nhờ cách chấm điểm thiếu thuyết phục của FIFA.

3. Những ngày qua, dư luận quan tâm đến chiếc ghế HLV trưởng còn bỏ trống của ĐTVN. Thông thường, đây là vị trí rất hấp dẫn đối với những người làm nghề, bởi một lần bước lên chiếc ghế đó chính là bước lên đỉnh cao trong sự nghiệp huấn luyện. Đã thế, VFF còn tạo ra cuộc cách mạng khi sẵn sàng trao toàn quyền về chuyên môn như HLV ngoại, được hưởng mức lương 200 triệu đồng/tháng sau thuế rồi được tuyển 3-4 trợ lý với mức lương khủng là 75 triệu đồng/tháng sau thuế. Tính ra, chỉ riêng khoản tiền phải chi cho vị trí HLV trưởng cũng ngốn của VFF khoảng hơn 3,6 tỷ đồng/năm, nếu cộng thêm cả khoản 35% thuế thu nhập cá nhân. Nhiều chuyên gia kinh tế còn nói khoản thu nhập này còn cao hơn nhiều chủ tịch HĐQT, tổng GĐ các tập đoàn kinh tế lớn của đất nước. Chiếc ghế hấp dẫn là thế mà vẫn ế, lần lượt những ứng cử viên sáng giá đều nói lời từ chối với đủ các lý do như gia đình, trách nhiệm ở CLB rồi không muốn chuyên trách...

Người trong nghề thì bảo, với chất lượng ĐTVN hiện nay, HLV nào lên cũng "chết" nên mới có nhiều người từ chối đến thế. Cách giải thích này cũng có vẻ hợp lý.

Thì ra, từ ba việc trên, đằng sau những việc tưởng như nghịch lý vẫn có lý do xác thực.

Huy Hoàng