Sao để “nước đến chân mới nhảy”?
Xã hội - Ngày đăng : 06:52, 13/05/2012
Em Đặng Phương Anh (học sinh lớp 11, Trường THPT Trần Hưng Đạo):
- Theo em, đây là căn bệnh cố hữu của rất nhiều bạn. Bao giờ cũng vậy, cứ sát kỳ thi mới học, thậm chí là nước đến chân rồi… vẫn không chịu nhảy. Có lẽ một phần là do tâm lý ỷ lại, vì trước khi kiểm tra một tiết, thi học kỳ, thi tốt nghiệp…. Thầy, cô giáo thường thông báo phạm vi ôn tập, thời gian thi, đầy đủ thông tin rồi học cũng không muộn, vẫn còn một khoảng thời gian để ôn lại kiến thức. Với em, phạm vi ôn tập rất nhiều, nên học kiểu "kiến tha lâu cũng đầy tổ". Mỗi ngày, em phân phối thời gian, học ít một. Sát ngày thi thì tranh thủ tổng hợp, học lại một lượt cho khỏi quên. Với kinh nghiệm học như thế nên khi làm bài thi, tâm lí của em không hề bị căng thẳng, kết quả học tập luôn rất tốt. Em nghĩ cứ nên học dần dần ngay từ trước sẽ tốt hơn là đợi "nước đến chân mới nhảy".
Em Nguyễn Thiên Minh (học sinh lớp 10, Trường THPT Kim Liên):
- Em thường đợi đến sát ngày thi mới học, vì sợ học trước đến lúc thi lại quên mất. Khi nào kiểm tra học vẫn kịp, mà lúc đó hình như em thấy dễ vào hơn. Hơn nữa, đến sát ngày thi thì các thầy, cô thường khoanh vùng phạm vi ôn thi, có thể bớt đi một vài câu. Học trước, lại học vào đúng nội dung nằm ngoài phạm vi khoanh vùng thì có phải là mất công không! Nói chung, cứ sát ngày thi là em lại thức liền mấy đêm để ôn; thậm chí mai thi thì tối em sẽ thức trắng để ôn tập, sáng mai đi thi luôn và về nhà ngủ bù. Nhưng thường thì lịch thi các môn liền nhau, sáng thi một môn, chiều thi một môn, thế nên học như vậy quả thật là rất mệt mỏi.
Cô Hoàng Kim Thu (giáo viên chủ nhiệm, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều):
- Thực chất, căn bệnh "nước đến chân mới nhảy" là một thói quen học tập rất xấu của nhiều em HS. Nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học hành và thường thì ôn thi như vậy khó mà đạt điểm cao được. Nhưng không phải em nào cũng nhận ra vấn đề đó để thay đổi thói quen xấu. Trừ những lần kiểm tra miệng hay kiểm tra 15 phút không báo trước, còn thi học kỳ hay kiểm tra một tiết, thầy, cô giáo nào cũng cho các em lịch thi và câu hỏi ôn tập ngay từ đầu. Các em hoàn toàn có thể sắp xếp làm đề cương đáp án trước, có chỗ nào không hiểu hay còn băn khoăn thì nên hỏi thầy cô ngay để được giải đáp. Sau đó, phân chia thời gian, mỗi ngày nên học trước một vài câu. Phương pháp học như vậy sẽ giúp nhớ lâu, nhớ kỹ hơn nhiều so với việc học "nước rút" trước khi thi một vài ngày. Hơn nữa, việc thức khuya liên tục hay thức trắng đêm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đi thi cũng khó mà tỉnh táo để làm bài. Học theo kiểu nhớ "láng máng" cũng dễ dẫn đến tình trạng "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Nhiều em còn vì thức khuya học mà ngủ quên, bỏ mất buổi thi, kết quả tổng kết cuối năm càng sút kém hơn.