Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo - Một năm nhìn lại

Chính trị - Ngày đăng : 06:39, 13/05/2012

(HNM) - Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú có trình độ ĐH về các xã thuộc 62 huyện nghèo trong cả nước để làm phó chủ tịch (PCT) UBND xã (Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo) đã thực hiện được tròn một năm. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản như được đào tạo chính quy, có sức trẻ, nhiệt huyết, thì nhiều thử thách cũng đã được đặt ra, như tiền lương trả chậm, không biết tiếng dân tộc, đường sá khó khăn, nơi ở tạm bợ… đã làm nản lòng không ít trí thức trẻ.


Bài 1: Vàng thử lửa

Xuất phát từ thực tiễn

Được Chính phủ phê duyệt tháng 1-2011 và bắt đầu triển khai từ tháng 4-2011, Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo nhằm thực hiện ba mục tiêu: tăng cường nguồn nhân lực có trình độ giúp địa phương phát triển; tạo nguồn cán bộ trẻ và góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách về cán bộ công chức trẻ.

Sau một năm triển khai, dự án thu hút hàng nghìn trí thức trẻ quan tâm và đã có hơn 1.700 hồ sơ đăng ký dự tuyển. Qua tuyển chọn, sàng lọc, đến nay, Ban Quản lý (BQL) dự án đã chọn được 559 trí thức trẻ. Các trí thức trẻ trúng tuyển đã được BQL dự án phối hợp với các địa phương tập huấn. Ngoài trang bị kiến thức cơ bản về quản lý nhà nước, các đội viên còn được trang bị thêm 13 kỹ năng cần thiết của người lãnh đạo (từ lập kế hoạch có sự tham gia của người dân, đến kỹ năng tổ chức điều hành, giám sát tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; các phương pháp tiếp cận với nhân dân, đi cơ sở, gặp gỡ, tiếp cận với già làng, trưởng bản).

Các trí thức trẻ tại tỉnh Cao Bằng.

Chưa có thống kê chính xác từ BQL dự án là bao nhiêu trí thức trẻ đã trúng tuyển học các chuyên ngành theo nhu cầu của địa phương (kinh tế, khoa học - kỹ thuật, nông, lâm nghiệp và thủy sản, xây dựng, giao thông vận tải, tài nguyên - môi trường, luật…), nhưng một số lãnh đạo địa phương phản ánh tại buổi tọa đàm diễn ra đầu tháng 5-2012 rằng, nhiều đội viên học chuyên ngành sư phạm, báo chí trúng tuyển, vì trong quá trình phỏng vấn có lợi thế trình bày, diễn giải và phân tích vấn đề tốt. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có bỏ sót nhân tài, khi mà những sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành quản lý kinh tế, giao thông… nói không giỏi, nhưng làm việc thì có khả năng xuất sắc hơn?

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án khẳng định, việc tuyển chọn qua nhiều vòng, trong đó sơ tuyển, xem xét quá trình học tập, tư cách đạo đức… và cuối cùng là phỏng vấn xem xét khả năng ứng xử và giải quyết tình huống. Theo ông Nguyễn Tiến Dĩnh, không phải chỉ nói năng hoạt bát là đủ, vì nếu không có trình độ chuyên môn thì rất khó xử lý các tình huống đặt ra.

Nhiệt huyết chưa đủ

Dự án khởi động được một năm, song thực tế những người đầu tiên được lựa chọn mới chính thức làm việc được hơn 2 tháng trên cương vị PCT xã. Lương chưa được lĩnh, xa nhà, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, chưa biết tiếng dân tộc, đường sá đi lại khó khăn… là những trở ngại lớn với mỗi trí thức trẻ.

Tân PCT xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) Bế Thị Liên đã có nhiều kỷ niệm với 2 tháng làm lãnh đạo xã. Qua câu chuyện của Liên, đến giờ cô mới thấu nỗi vất vả của cán bộ vùng cao. Cách trung tâm huyện 20km, Phúc Lộc là xã đặc biệt khó khăn của huyện với 12 thôn bản vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Trong đó 11 thôn chưa có điện lưới, 6 thôn chưa có sóng điện thoại, 8 thôn phải đi bộ từ 3 đến 4 tiếng và thậm chí cả ngày đường mới tới nơi. Sâu sát cơ sở để tìm hiểu truyền thống, phong tục, cuộc sống của bà con vùng cao, Bế Thị Liên từng phải đi cả ngày đường núi đến gặp trưởng thôn để nắm bắt, triển khai công việc. Ấy vậy mà có lần, trưởng thôn đi lên nương, Liên phải hỏi thăm, vượt tiếp 3 quả đồi mới gặp được trưởng thôn. Quả là gian nan, song tân PCT này vẫn quả quyết rằng, phải vững tin để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Tốt nghiệp chuyên ngành quản lý tài nguyên rừng, Trường ĐH Nông lâm Huế, Lê Quang Tính đã trúng tuyển đội viên của dự án và đang làm PCT xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Lê Quang Tính bày tỏ: "Tuổi trẻ, khó khăn mấy cũng sẽ vượt qua, từ việc học tiếng dân tộc để hiểu văn hóa, cuộc sống, giao tiếp với dân. Song điều trăn trở nhất đối với chúng tôi là lương, phụ cấp của Nhà nước vẫn chưa kịp thời. Từ nhiều tháng qua, tôi vẫn phải về xin tiền gia đình".

Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ Công tác thanh niên, Bộ Nội vụ, Giám đốc BQL dự án giải thích rằng: Theo quy định, tiền lương của các đội viên sẽ được nhận tại xã, nhưng nguồn chi trả phải thực hiện theo Luật Ngân sách. Trong khi đó, dự toán ngân sách cho năm 2012 đã được HĐND các địa phương phê duyệt từ cuối năm 2011. Đó là lý do khiến các trí thức trẻ chưa được nhận lương. BQL dự án đã có công văn hướng dẫn các địa phương làm sao để trong tháng 5-2012 các đội viên sẽ nhận được tiền lương.

Có thể nói, Dự án 600 trí thức trẻ về xã nghèo là một giải pháp tốt của Chính phủ về tăng cường cán bộ cho cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu, chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững của Chương trình 30a. Tuy nhiên, hai tháng đi làm mà chưa có lương với phụ cấp thì vẫn chưa động viên được tinh thần của trí thức trẻ. Nhiệt huyết thôi chưa đủ, cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp, giúp họ nhanh ổn định cuộc sống để cống hiến hết mình cho địa phương. Khoan hãy nghĩ đến những điều xa xôi, đòi hỏi họ cống hiến những gì, trước mắt lãnh đạo các địa phương cần giúp họ nơi ở, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống nơi xã nghèo.

Vũ Thủy