Chạy đua đến kỳ thi tốt nghiệp
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:18, 13/05/2012
Các công việc phục vụ kỳ thi đang được khẩn trương triển khai; những "hạt sạn" còn sót lại ở kỳ thi năm trước đã được các thành viên Ban Chỉ đạo thi và kiểm tra TP cùng hiệu trưởng các trường sàng lọc kỹ tại hội nghị về công tác tổ chức thi tốt nghiệp mới đây. Ngành giáo dục Hà Nội đang chạy đua với thời gian để chuẩn bị chu đáo nhất cho kỳ thi sắp tới.
Thí sinh cần kiểm tra kỹ thông tin, báo cáo thầy cô nếu phát hiện sai sót. Ảnh: Quý Trung - TTXVN |
Rõ người, rõ việc
Đến thời điểm này, kế hoạch chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ kỳ thi đã được Ban Chỉ đạo và kiểm tra thi TP (BCĐ) - do Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc làm Trưởng ban - xây dựng, triển khai cụ thể, phân công rõ người, rõ việc. Sở GD-ĐT là cơ quan thường trực BCĐ, có nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức toàn bộ kỳ thi (từ khâu chuẩn bị, sao in đề thi, coi thi đến chấm thi, phúc khảo…) theo đúng quy chế; phối hợp với các sở, ngành liên quan giải quyết các vấn đề phát sinh trong khâu tổ chức và báo cáo UBND TP xin chủ trương giải quyết nếu cần thiết. Hai đơn vị khác trong BCĐ TP là Công an TP và Sở Tài chính có trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự tuyệt đối trước, trong kỳ thi và cấp đủ, đúng, kịp thời kinh phí phục vụ cho công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Hà Nội.
Các thành viên khác trong BCĐ cũng đã có kế hoạch chung tay cùng ngành GD-ĐT phục vụ kỳ thi. Ngành y tế lo chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, HS tại các địa điểm thi; ngành điện cam kết cung cấp điện lưới ổn định phục vụ các hội đồng thi, sẵn sàng phương án dự phòng khi mất điện lưới để không làm ảnh hưởng đến tiến độ kỳ thi, đặc biệt là ở hội đồng in sao đề thi và hội đồng chấm thi trắc nghiệm. Trung tâm Điều hành thông tin - viễn thông bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa BCĐ với Bộ GD-ĐT, UBND TP và các cơ sở giáo dục, hội đồng coi thi (HĐCT)… để kịp thời xử lý thông tin nếu xảy ra sự cố.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị là một trong những điều kiện có tính chất quyết định đến việc tổ chức thành công kỳ thi. Vì vậy, việc lựa chọn địa điểm các HĐCT được Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị thực hiện kỹ càng với yêu cầu nghiêm ngặt. Theo số liệu của Sở GD-ĐT, đến ngày 11-5 đã có 149 HĐCT với 3.165 phòng thi bảo đảm đủ ánh sáng, bàn ghế, thoáng mát… Với các trường THCS được chọn làm địa điểm thi, phòng GD-ĐT quận, huyện đã kiểm tra cơ sở vật chất, phương tiện và các điều kiện làm việc trước khi bàn giao.
Nâng cao trách nhiệm của hiệu trưởng về tính hợp lệ trong hồ sơ của TS là điểm được đặc biệt nhấn mạnh trong kỳ thi năm nay. Hiệu trưởng có nhiệm vụ kiểm tra toàn bộ hồ sơ đăng ký dự thi, xem xét điều kiện dự thi của từng TS, quyết định việc không cho TS dự thi nếu không đủ điều kiện…
Thí sinh làm bài thi tốt nghiệp năm học 2010-2011. Ảnh: Nhật Nam |
Nhặt "sạn"
18 đoàn thanh tra sẽ thực hiện phần việc được giao tại các HĐCT từ ngày 14 đến 19-5 nhằm bảo đảm yêu cầu đặt ra về cơ sở vật chất, thiết bị, văn phòng phẩm. Phía thanh tra sẽ kiểm tra lại một lần nữa công tác bố trí phòng thi, phương án phòng ngừa, vi phạm trật tự xung quanh khu vực thi, điều kiện bảo quản đề và bài thi… Trong việc kiểm tra hồ sơ của TS, các thành viên của đoàn sẽ rà soát điều kiện dự thi của TS, đặc biệt là kiểm tra kỹ giấy chứng nhận trúng tuyển vào lớp 10 THPT của TS.
Để tránh những sai sót đáng tiếc, ông Bùi Quang Thái, Phó phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) đã "điểm mặt, chỉ tên" những lỗi còn mắc trong khâu tổ chức kỳ thi năm trước cho các hiệu trưởng trường THPT, giám đốc trung tâm giáo dục thường xuyên nhằm rút kinh nghiệm, không để xảy ra sai sót. Việc rà soát lại là cần thiết bởi ở mùa thi năm trước, việc nhập dữ liệu TS dự thi đã bỏ sót cả một lớp đăng ký dự thi; có nơi nhầm ngày, tháng, năm sinh của TS, đến khi cấp bằng tốt nghiệp mới phát hiện ra, kéo theo nhiều thủ tục điều chỉnh phức tạp. Nguyên nhân dẫn đến những sai sót nói trên là, ở nhiều trường, nhất là ở các trường ngoài công lập, cán bộ làm công tác thi thường xuyên thay đổi, việc điều động cán bộ không đúng quy định, cử người hạn chế về chuyên môn, thiếu trách nhiệm…
Kết quả thanh tra kỳ thi năm 2011 cho thấy còn một số vấn đề cần điều chỉnh, đặc biệt là về cán bộ thanh tra. Nhiều nơi mới chỉ coi trọng việc cử giáo viên đi chấm thi, coi thi, không mấy chú trọng đến công tác thanh tra. Có một thực tế là ở một số trường, khi được yêu cầu, đã chọn cử cán bộ thanh tra theo cảm tính; có nơi coi nhẹ phần việc quan trọng này, cử người ít kinh nghiệm, giáo viên có tuổi. Năm nay, ngành GD-ĐT đã kiểm tra kỹ phần việc này, chọn cán bộ vững về nghiệp vụ, "chắc tay" xử lý các tình huống phát sinh và làm đúng phần việc được giao.
Những điều hạn chế ở mùa thi năm trước đã được lãnh đạo Sở GD-ĐT rút kinh nghiệm tại hội nghị triển khai công tác thi, yêu cầu các trường phải nghiêm túc trong phần việc được giao để kết quả thi phản ánh đúng chất lượng dạy, học ở các trường, làm căn cứ để các cấp quản lý đánh giá, điều chỉnh trong chỉ đạo, triển khai các hoạt động giáo dục năm học tới.
- Không để thí sinh đi thi xa quá 10km là chủ trương của Sở GD-ĐT Hà Nội khi bố trí các trường thành một cụm thi nhằm bảo đảm an toàn và bớt vất vả cho thí sinh, người nhà khi tham gia kỳ thi. - Một số điều TS cần lưu ý từ ngày 19 đến ngày 22-5: + Nhà trường phát thẻ dự thi cho TS. + Dựa vào bảng "Danh sách TS dự thi theo trường" được niêm yết tại nơi TS học, TS cần rà kỹ lại các thông tin cá nhân và báo cáo thầy, cô giáo nếu phát hiện sai sót. + Nắm rõ lịch thi, địa điểm thi của HĐCT. Nên đến địa điểm thi của mình trước ngày tổ chức kỳ thi để nắm rõ về sơ đồ phòng thi, quãng đường, thời gian đi lại… để lường trước những tình huống bất ngờ. |