Thông điệp về quyền bình đẳng
Văn hóa - Ngày đăng : 08:54, 12/05/2012
Vở diễn kết hợp giữa nghệ thuật hình thể, múa đương đại và kịch đọc, một sự thể nghiệm của sân khấu mang thông điệp về chống sự kỳ thị đối với những người thuộc "giới tính thứ ba".
Một cảnh trong vở kịch hình thể “Stereo Woman”.
Tiếp nối dự án chống sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng với những người đồng tính, người chuyển giới, những người "có H", ý tưởng về vở diễn "Stereo Woman - Được là chính mình" do Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường khởi xướng, được triển khai nhờ sức sáng tạo của các nghệ sĩ Như Lai (đạo diễn), Hoài Nam (biên đạo múa)…
Vở diễn được bắt đầu bằng âm thanh dồn dập, trĩu nặng vang lên trong bóng đêm, cảnh báo sự bất trắc có thể xảy đến. Rồi đèn sân khấu dần sáng, để lộ ra phần đạo cụ với những chiếc ghế và dàn diễn viên xuất hiện. Họ bắt đầu đọc những câu đầy ám ảnh: "Tạo hóa sinh ra chúng ta trong sáng, bình đẳng, chân thật và khao khát yêu thương". Tiếp sau đó, những động tác hình thể, vũ đạo diễn ra, kể những câu chuyện buồn trong cuộc sống của người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới.
Không phải là vở diễn dựa trên một cốt truyện xuyên suốt như thường thấy, "Stereo Woman" là tập hợp của những câu chuyện khác nhau, nhưng tất cả cùng hướng tới một thông điệp rõ sức cổ vũ: "Hãy là chính mình". Một cô gái trẻ băn khoăn, day dứt không biết mình thuộc giới nào. Khi thì cô duyên dáng thục nữ, lúc lại có những hành động mạnh mẽ như thể là đàn ông. Và sự day dứt ấy càng lúc càng nặng nề, vò xé tâm hồn cô khi có biết bao người qua lại, biết bao người sống xung quanh quay lưng lại với cô gái trẻ. Không một cánh tay chìa ra, không một cái nhìn thân ái, chỉ thấy sự xa lánh, thái độ vô cảm khiến người đối diện có thể bỏ chạy…
Quá trình đấu tranh để có thể sống thật với chính mình của những người đồng tính, lưỡng tính cũng được khắc họa rõ nét, mà đằng sau đó có lúc thấp thoáng thái độ buông xuôi. Họ đã sống, đã cố gắng sống cho giống những gì cộng đồng cho là bình thường và càng lúc càng cảm thấy sự xa lạ với chính mình. Những âm thanh chát chúa nhắc nhở sự cấm đoán, kỳ thị của cha mẹ, người thân, cộng đồng khiến họ đau đớn, quằn quại, giằng xé nhiều hơn… Mâu thuẫn nội tâm được đẩy lên đến đỉnh, trước khi quyết định khó tránh xảy ra. Cô gái đạp đổ chiếc bàn, một hành động thể hiện quyết tâm vượt lên định kiến từ cộng đồng. Cô gái nói: "Thưa các bạn, tôi là người đồng tính, hôm nay, tôi muốn được là chính mình. Tuy nhiên, không biết điều gì sẽ chờ đợi tôi". Rồi những người đồng tính thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ với cô, tìm đến với nhau qua những động tác hình thể nhẹ nhàng, hòa quyện… Một cái kết đẹp mở ra niềm hy vọng về sự cởi mở, sẻ chia, về một xã hội tôn trọng con người, bất kể anh là ai.
Là một vở diễn tuyên truyền song "Stereo Woman" không "nhiều lời". Không có lời thoại giữa các diễn viên, thay vào đó là các động tác hình thể, vũ đạo và sự biểu cảm ở mỗi nhân vật làm cơ sở thể hiện nội dung, thông điệp. Đặc biệt, có cả những đoạn thơ Việt Nam và quốc tế được thể hiện một cách khéo léo, trở thành một phần của vở diễn. Chúng cộng hưởng với động tác hình thể, giúp tác phẩm thêm sâu sắc, lay động.
Vở diễn mang lại cho khán giả cái nhìn cởi mở hơn về người đồng tính, lưỡng tính, chuyển giới. Bằng chứng là kết thúc kịch, tất cả khán giả trong khán phòng đã cùng với nhóm Kết nối và Chia sẻ thông tin (ICS) - nhóm đại diện cộng đồng những người đồng tính, lưỡng tính và chuyển giới - đã nắm chặt tay nhau.