Vẫn là bài toán khó

Kinh tế - Ngày đăng : 08:33, 12/05/2012

(HNM) - Theo Cục Hải quan TP Hà Nội, tính đến cuối năm 2011, số nợ đọng thuế xuất nhập khẩu (XNK) do đơn vị quản lý lên tới gần 700 tỷ đồng, trong đó có hơn 625 tỷ đồng là nợ quá hạn.

Với địa bàn quản lý thu ngân sách trải rộng trên 6 tỉnh, thành phố, một trong những thách thức của ngành hải quan Hà Nội là cùng thực hiện hai nhiệm vụ: Tạo thuận lợi tối đa cho DN trong hoạt động XNK và hạn chế tình trạng thất thu ngân sách nhà nước (NSNN).


Người dân nộp thuế tại Chi cục Hải quan Gia Thụy (Cục Hải quan TP Hà Nội). Ảnh: Huyền Linh

Đối phó với rủi ro

Giai đoạn 2007-2011, số thu do hải quan Hà Nội thực hiện tăng 150%, tốc độ tăng thu bình quân 30%/năm. Song, trên thực tế nhiều kẽ hở trong chính sách thuế hiện hành vẫn bị một số DN lợi dụng, gây thất thu cho NSNN. Với địa bàn quản lý trải rộng trên 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Hòa Bình, công tác chống thất thu tại hải quan Hà Nội gặp phải không ít khó khăn.

Tính đến cuối năm 2011, số nợ thuế quá hạn do các đơn vị trực thuộc Cục quản lý là hơn 696 tỷ đồng, trong đó có hơn 625 tỷ đồng quá hạn. Mặc dù tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm từ 9,1% (năm 2007) xuống 3,7% (năm 2011), song vẫn còn không ít khoản nợ lớn, khó có khả năng thu hồi. Ông Trần Đại Thắng, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Phú Thọ cho biết, đơn vị đang quản lý hai khoản nợ lớn có tổng trị giá 128 tỷ đồng từ nhiều năm nay. Khoản nợ 120 tỷ đồng là của các DN nhập khẩu linh kiện xe máy nội địa hóa từ năm 2001. Số nợ này phát sinh sau khi DN đã nhập khẩu hàng, hoàn thành mọi thủ tục và bán toàn bộ hàng nhập khẩu. Sau đó, do thay đổi cơ chế chính sách thuế, cơ quan hải quan đã ra quyết định truy thu thuế, nhưng DN bị truy thu cho rằng, thời điểm nhập khẩu, mở tờ khai hải quan, họ đã chấp hành mọi thủ tục. Đến nay, hàng hóa đã bán hết, DN không biết lấy nguồn nào để trả thuế truy thu. Trường hợp Công ty Đá quý thế giới nhập khẩu xe chở khách theo quyết định ưu đãi đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc lại cho thấy, DN đã lợi dụng chính sách để gian lận thuế. Sau khi phát hiện nghi vấn, Chi cục Hải quan Phú Thọ đã báo cáo Cục, đề nghị xem xét lại quyết định ưu đãi đầu tư. Cục Hải quan TP Hà Nội đã chỉ đạo dừng cấp chứng nhận nguồn gốc của xe ô tô để truy thu thuế lô hàng này, song DN nhập khẩu đã bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh. Chi cục đã phối hợp với Công an Hà Nội và Vĩnh Phúc truy tìm đối tượng...

Trên thực tế, nhiều DN đã lợi dụng quy định về miễn, ân hạn thuế, khai báo sai tên, thành phần, công dụng và trị giá tính thuế của hàng nhập khẩu để gian lận thuế… Trong bối cảnh phải cùng thực hiện hai nhiệm vụ: Tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại, đầu tư và hoàn thành vai trò "gác cửa" cho nền kinh tế, việc hoàn thành nhiệm vụ thu và chống thất thu NSNN vẫn là bài toán khó của toàn ngành hải quan.

Cần hành lang pháp lý chặt chẽ

Theo đánh giá của các chi cục hải quan, công tác chống thất thu NSNN cần được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực, như xây dựng dự toán thu, phân loại hàng hóa, thực hiện chính sách miễn thuế, hoàn thuế và quản lý thu đòi nợ thuế… Để thực hiện có hiệu quả công tác này cần có một hành lang pháp lý chặt chẽ, ban hành kịp thời giúp cán bộ hải quan hoàn thành nhiệm vụ.

Bà Mai Thị Thu Hà, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn hiện nay, việc triển khai chính sách ưu đãi thuế cho DN là cần thiết. Vì vậy, ý kiến bãi bỏ chính sách ân hạn thuế 275 ngày cho DN sau khi mở tờ khai hải quan nhằm hạn chế nợ đọng thuế, có thể giúp cán bộ hải quan thuận tiện hơn, song sẽ làm ảnh hưởng tới những DN chấp hành nghiêm pháp luật. Theo bà Mai Thị Thu Hà, bên cạnh việc xây dựng chế tài xử phạt nghiêm khắc, cần hỗ trợ cộng đồng DN nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, qua đó hạn chế tối thiểu rủi ro phát sinh.

Việc phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng, như thuế, công an và chính quyền địa phương đóng vai trò quan trọng trong việc xử lý dứt điểm nợ đọng thuế. Trên thực tế, nhiều trường hợp DN nợ thuế, bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh, song để chuyển hồ sơ sang cơ quan công an đòi hỏi phải có dấu hiệu DN trốn thuế. Nhưng, quy định cụ thể "dấu hiệu trốn thuế" lại chưa rõ, dẫn đến hiệu quả phối hợp giữa hải quan và công an chưa như mong muốn. Để giải quyết dứt điểm những khoản nợ thuế tồn đọng, nên có kế hoạch phân loại nợ. Với những khoản phát sinh do thay đổi chính sách và những khoản nhỏ lẻ, nên khoanh nợ và giải quyết dứt điểm để giảm áp lực cho đơn vị trực tiếp quản lý.

Cục trưởng Cục Hải quan TP Hà Nội Nguyễn Văn Trường:
Thời gian tới Cục sẽ bám sát chỉ đạo của Tổng cục Hải quan nhằm đánh giá nguồn thu và xây dựng dự toán thu NSNN phù hợp với thực tế. Qua đó, xác định những địa bàn có nguồn thu lớn, mặt hàng nhập khẩu trọng yếu để theo dõi diễn biến, bảo đảm số thu ngân sách trong toàn đơn vị. Công tác kiểm tra sau thông quan, tự kiểm tra nội bộ để phát hiện sai sót nghiệp vụ được đẩy mạnh nhằm chống thất thu và bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hương Ly