Vì sao chậm khắc phục ?
Đời sống - Ngày đăng : 08:00, 12/05/2012
Quan sát thực tế trên khoảng 1km ĐLĐT từ đoạn giao cắt với Liên tỉnh lộ 25B đến đường Lương Định Của, có thể thấy rõ mặt đường làn dành cho xe tải bị lún trung bình 10-20cm, khiến phương tiện lưu thông rất khó khăn. Anh Lê Văn Giáp, lái xe container thuộc một công ty vận tải tư nhân bức xúc nói: "Tôi thường xuyên phải ra vào cảng Cát Lái, mỗi khi đến đoạn đường này lại phải cho xe chạy với tốc độ rùa bò chỉ 10-20km/h. Đi vào ban đêm thực sự rắc rối, bởi mặt đường lún sâu, nếu không quan sát kỹ mà chuyển làn dễ có nguy cơ tai nạn".
Mặt đường Đại lộ đông Tây bị lún, tạo thành rãnh sâu.
Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh, cho biết, do mặt đường bị lún thành rãnh sâu nên khi qua đoạn này không chạy xe vào rãnh thì khó có thể làm chủ tay lái. Tuy nhiên, việc cho xe chạy vào rãnh khiến phần hông lốp bị bào mòn, nhanh hỏng, dễ bị vỡ". Còn theo Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP Phan Phùng Sanh, về nguyên tắc, đối với các tuyến đường xây dựng trên nền đất yếu, sau khi thi công xong, mức độ lún vẫn còn tiếp diễn và diễn ra từ từ, trong nhiều năm, chứ không lún nhiều như ĐLĐT hiện nay. Nguyên nhân lún có thể do khâu khảo sát thiết kế, phương án thi công, giám sát thi công… có vấn đề. Ngoài ra, cũng phải kể thêm về công nghệ làm đường thực tế ở nước ta chưa đạt hiệu quả cao, chủ yếu áp dụng công nghệ bê tông nhựa đường; trong khi các nước trên thế giới đều làm đường bằng công nghệ bê tông xi măng, cốt thép, tuy kinh phí lớn nhưng độ bền cao gấp nhiều lần. Tóm lại, dù phương án nào đi nữa thì khâu khảo sát phải cẩn trọng, đưa ra phương án thiết kế nền móng tối ưu mới tiến hành thi công, song vẫn phải giám sát kỹ lưỡng.
Tiến sĩ Vũ Xuân Hòa, giảng viên khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa TP, nhận định, hiện nay trên thế giới phổ biến có 2 hình thức "lún", gồm lún cục bộ (quy mô nhỏ, nền đường được làm kết cấu không kỹ) và lún do địa chất bên dưới. ĐLĐT trên địa bàn quận 2 được xây dựng trên vùng đất có địa chất phức tạp, khi làm nền đường các đơn vị thi công có thể đã đắp đất gia tải trên nền đường tạo ra áp lực bên trên, trong khi nền đất tự nhiên bên dưới không ổn định, kéo theo cả khu vực đường bị lún. Nói một cách dễ hiểu, tình trạng đó là tự lún, kể cả không có phương tiện lưu thông. Điều này có thể do thi công phần kết cấu, móng và đầm nén mặt đường chưa đủ độ chặt để đạt đến độ cứng đáp ứng nhu cầu xe lưu thông.
BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị TP (UCCI), cho biết, hiện UCCI đang trình Hội đồng nghiệm thu nhà nước (HĐNTNN) phương án xử lý. Sau khi HĐNTNN có ý kiến, UCCI sẽ cùng đơn vị tư vấn, nhà thầu tiến hành các bước phê duyệt thiết kế và triển khai thi công khắc phục theo quy định, dự kiến chậm nhất trong quý III năm nay sẽ hoàn thành. Việc phân định trách nhiệm cũng đang tiến hành song song. Theo UCCI, sở dĩ tiến độ khắc phục sự cố chậm trễ do phải phân tích, đánh giá, chọn phương án kỹ thuật phù hợp nhất nhằm khắc phục triệt để các sự cố lún, trồi nhựa trên tuyến đường.
Trên thực tế, tình trạng lún ĐLĐT đã xảy ra từ cuối tháng 5-2011. UCCI đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khắc phục và hứa sẽ khắc phục triệt để vào đầu năm 2012, sau khi xác định được nguyên nhân. Tuy nhiên, tình trạng lún vẫn diễn ra và đến thời điểm này vẫn chưa được khắc phục.
Dự án ĐLĐT có tổng chiều dài gần 22km, tổng kinh phí xây dựng trên 660 triệu USD, triển khai thi công từ tháng 4-2005. Trong đó, khoảng 7km chiều dài đường phía đông thuộc Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) và khoảng 1,5km đường hầm vượt sông Sài Gòn. Toàn tuyến đã chính thức thông xe vào ngày 20-11-2011.