Dọc đường (tiếp)
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:23, 12/05/2012
Không phải lần đầu tôi mới đến mấy địa phương trên và cũng không phải lần đầu tôi mới có dịp ngang dọc Tây Nguyên với mục đích tìm hiểu, học tập và tìm cơ hội hợp tác nhưng chuyến đi này được tiếp cận nhiều hơn với các vấn đề văn hóa xã hội chính thống hơn, “thật hơn” nên bên cạnh những niềm vui mới thu lượm được, trong chúng tôi cũng có những ý nghĩ day dứt về những vấn đề được “mục sở thị”. Còn nhớ, độ 1990, 1991 gì đó, trong dịp đến Tây Nguyên lần đầu tiên, tôi đã vỡ mộng vì trái với hình dung của tôi, rừng Tây Nguyên đã hao hụt quá nhiều. Suốt mấy ngày ở đó, ngồi trên xe ô tô chạy ngang dọc những vùng đất Tây Nguyên, mãi tôi mới được thấy một cây kơ nia huyền thoại, đứng đơn độc bên một rẻo đất rừng còn nham nhở những thân cây bị đốt để làm rẫy, được thấy một thác nước tung bọt trắng mờ mịt cả một cánh rừng nhưng cũng suốt một tuần, ước mơ được ngồi uống rượu cần, bên ánh đuốc bập bùng nghe kể khan Xing Nhã, Đambri hay Đam San mà không được. Gần đến lúc về, khi ghé vào một ngôi nhà rông gần thị xã Kontum tôi mới được gặp cái không khí cổ xưa của một buôn người Eđê hay Bahna gì đó nhưng lần gặp ấy chỉ đem lại cho tôi một kỷ niệm buồn. Thầy giáo dạy chữ cho độ hơn một chục em nhỏ, nói tiếng phổ thông rất khó khăn, trông khắc khổ và già nua, mới ngoài ba mươi mà trông như một ông lão nói với tôi rằng: ngay tôi cũng còn không còn được nghe những đêm kể/hát khan như thế nữa. Chuyện ấy đã trở thành hồi ức về những ngày xa xưa nào đó rồi. Năm ngoái, chúng tôi cũng đến Tây Nguyên vào tháng ba, vào đúng mùa con ong đi kiếm mật, vào mùa của tình yêu lứa đôi, cũng đến những buôn người Tây Nguyên nhưng buôn vắng lắm. Trai tráng đi làm ăn xa, người dân nơi đây cũng ít còn thấy tiếng đàn T’rưng, đingnam, tiếng trống bập bùng, tiếng chiêng lúc trầm hùng, lúc lảnh lót trong những ngôi nhà rông, bên dòng suối thơ mộng. Hội hè bớt đi vì ai cũng bận làm ăn. Biết thế và phải thế nhưng cứ thấy có cái gì đó nao lòng.
Chăm sóc vườn hồ tiêu, một trong những cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cho cho tỉnh Đăk Nông.
...Nghe đồng chí lãnh đạo một tỉnh thông báo rừng nguyên sinh còn độ 49%, đồng chí Phạm Quang Nghị hỏi ngay: số liệu đó có thật không vì dọc đường tôi thấy còn ít rừng lắm. Đồng chí lãnh đạo tỉnh vội cải chính ngay là rừng nguyên sinh còn 14%, số còn lại là rừng cao su, cà phê, keo, thông, bạch đàn mới trồng. Miếng cơm manh áo là cần, diện tích trồng cây lương thực và cây công nghiệp lớn dần thì diện tích rừng sẽ dần thu hẹp. Đó là quy luật, là lẽ tự nhiên nhưng đồng chí Bí thư Thành ủy cũng lưu ý lãnh đạo các địa phương: Đó không chỉ là gỗ, là rừng, nó còn là không gian sinh tồn, là môi trường sống, là tài sản chung của chúng ta hôm nay và là của để dành cho con cháu sau này. Nếu cha ông đã dùng hết mọi của cải thì chắc cháu con sẽ lại phải tự lực từ đôi tay trần để bới đất lật cỏ mà sinh tồn. Chúng ta đã ý thức được điều đó nhưng điều quan trọng hơn là biến những nhận thức ấy thành những hành động cụ thể để đem lại những việc làm thiết thực, không chỉ cho hôm nay mà còn cho mai sau. Lo cái lo xa để khỏi phải đối mặt với cái khó gần là như thế.
Thăm nhà máy chế biến gỗ MDF và nhà máy Alumina Nhân Cơ, chúng tôi tận mắt chứng kiến những gì đang diễn ra ở đây. Nhà máy chế biến gỗ MDF Long Việt có 100% vốn do các công ty cổ phần đầu tư đã bắt tay vào sản xuất thử. Như tính toán của nhà đầu tư và mấy chuyên gia kinh tế trong đoàn thì công ty làm ăn sẽ đạt lãi suất cao là chắc chắn. Chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, cơ chế đã mở đường cho lãnh đạo nhà máy chọn nơi này để “làm tiền”. Anh Nguyễn Hữu Thắng ở Tổng Công ty Hapro phác vài con tính và khẳng định: lãi suất chắc chắn là độ hàng chục phần trăm sau thuế. Những ưu thế của việc lựa chọn công nghệ phù hợp, đầu vào nguyên liệu hoàn toàn có thể chủ động còn đầu ra đã có sẵn thị trường, giá cả lại hợp lý nên tương lai của nhà máy đã hiển hiện ngay trong cái xu thế xây dựng và không khí làm việc ở nơi này. Hãy cứ hình dung, tất cả các loại cây, cành của các giống dễ trồng, mau lớn như tràm, bạch đàn, các loại cây đã hết thời gian khai thác như cao su, trừ lá, đều trở thành nguyên liệu chính của công nghệ. Hơn 3.000ha đất được giao để trồng cây nguyên liệu, nếu tổ chức khéo sẽ không bao giờ hết nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Đất nơi này tốt thế, cắm cây gì xuống cũng mọc được. Có anh trong đoàn nói vui, chỉ mới tính được như thế thôi, đã thấy túi mình rục rịch chuyển động rồi. Vui với địa phương, vui với doanh nghiệp, vui với tương lai đang mở ra ở nơi này đã khiến cho chặng đường còn lại của chúng tôi như ngắn lại. Nghe đã nhiều, đọc cũng không ít về chuyện khai thác bauxite ở Tây Nguyên, lần này chúng tôi mới được thấy tận mắt. Alumina Nhân Cơ là một trong hai nhà máy sản xuất nhôm ở Tây Nguyên đã gây ra những ý kiến trái chiều. Anh Trần Quốc Huy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đăk Nông nói với chúng tôi: Với công suất 650.000 tấn Alumin/năm thì tính ra mỗi giờ chúng tôi chỉ có 4 chuyến xe tải chở sản phẩm chạy trên đường. Thế mà có tờ báo đã nói xe siêu trường, siêu trọng sẽ phá đường. Sao kỳ thế? Có người còn nêu những lý do “rất chuyên môn” để cảnh báo nguy cơ môi trường như đứt gãy về địa chất, về động đất. Tôi là người học về địa chất ở Đại học Tổng hợp đây, tôi bảo đảm rằng không có chuyện đó. Còn chuyện môi trường thì những nhà chuyên môn phải tính kỹ chớ đâu có phải chuyện giản đơn. Tôi tin là nếu mọi việc suôn sẻ, Đăk Nông sẽ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, bộ mặt Đăk Nông sẽ thay đổi. Tranh thủ lúc tối và sáng sớm, tôi đi loanh quanh mấy dãy phố chính ở đây. Đúng như anh Huy nói, thị xã Gia Nghĩa còn thiếu nhiều tiêu chí để được công nhận là đô thị lắm. Cả tỉnh không có một trường cao đẳng mà chỉ có một trường trung cấp nghề. Nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là khoa học công nghệ, không phải là thiếu nữa mà là của hiếm. Cả tỉnh chỉ có hai TS và hơn một chục thạc sĩ. Anh Huy nói, ở đây tôi khó kiếm những người làm chuyên môn xứng đáng với cách gọi là nhà khoa học hay nhà này nhà nọ, trừ nhà giáo là danh hiệu chung cho tất cả người làm nghề, không kể trình độ cao hay thấp. Ngay cả dân số là thứ gần như đô thị nào cũng vượt mà Gia Nghĩa đã phải “vay” của mấy xã ven đô phụ vào. Để công nghiệp hóa và hiện đại hóa cho một tỉnh như Đăk Nông, bài toán về xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ kết hợp với sự hỗ trợ của Trung ương là bài toán đầu tiên dù đã có lời giải nhưng không phải ngày một ngày hai đã có được. Đất Tây Nguyên tốt lắm nhưng nơi nào có bauxite nhôm thì cây trồng rất chậm lớn, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả. Trữ lượng 5 mỏ bauxite nhôm ở Đăk Nông được các nhà chuyên môn dự tính vào loại đứng đầu trên thế giới. Đứng trên núi của nhưng làm cách nào để khai thác cho hiệu quả không chỉ cho hôm nay mà còn dành phần cho con cháu là chuyện không dễ tìm ra câu trả lời. Rồi còn lộ trình, bước đi, còn phải giải quyết bài toán kinh tế với phát triển xã hội, an ninh, quốc phòng... còn nhiều việc cần làm lắm mà việc nào cũng gấp, việc nào cũng cần, bởi cuộc sống không chờ ai cả. Dù thời gian không nhiều nhưng đồng chí Bí thư cũng tranh thủ hỏi han và đi xem khá tỉ mỉ khu nhà xây dựng, khu chứa nước thải bùn đỏ, nghe báo cáo về thiết bị kỹ thuật và hiệu quả kinh tế của dự án. Anh đề nghị địa phương và Ban Quản lý dự án đặc biệt quan tâm khâu kỹ thuật, bảo đảm môi trường và những tác động xã hội của dự án. Nhiều băn khoăn của nhân dân, của giới truyền thông cũng được nêu ra trao đổi.
Các đồng chí lãnh đạo ở mấy tỉnh chúng tôi có dịp làm việc rất băn khoăn về chế biến nông sản và vấn đề di cư, dịch cư tự do. Có đồng chí lãnh đạo tỉnh nói rằng nghe báo cáo số lượng cao su, cà fê, hồ tiêu, gỗ... xuất khẩu được đứng vào hàng “đại gia” của thế giới nhưng nhìn vào đầu mục hàng hóa xuất khẩu mà buốt ruột. Chúng ta chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu chứ chưa phải xuất khẩu các sản phẩm đã chế biến. Mà xuất như thế thì thiệt đơn, thiệt kép. Nhà nước thiệt, bà con sản xuất thiệt. Bên nhập ép giá, tư thương ép giá, mình không giải quyết được việc làm và từ nguyên liệu của mình, người ta chế biến, dán nhãn mác của người ta, ăn lãi còn lớn hơn cả tiền mua nguyên liệu. Cái chuyện đã trở thành quen thuộc là được mùa thì rớt giá, được giá thì mất mùa cứ lặp đi lặp lại, không chỉ gây hại về kinh tế mà còn kéo theo bao hệ lụy xã hội. Nghe báo cáo, một anh trong đoàn đọc câu ca dao mới, nghe thì buồn cười nhưng cứ thấy đắng chát cái sự thực trớ trêu từ ngày vào WTO xuất tinh thì ít, xuất thô thì nhiều. Vấn đề di cư, dịch cư, quản lý đất đai, phá rừng làm rẫy, hủy hoại môi trường... còn gay gắt hơn. Hiện ở hai tỉnh phía bắc Tây Nguyên này có đủ đồng bào của 63 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó đồng bào dân tộc ít người ngoài Bắc di cư tự do chiếm hơn 40%.
Đồng bào di cư thường là những người nghèo, trình độ dân trí thấp, sinh sống phần nhiều theo những tập quán tự ngàn đời. Nghĩa là thấy nơi nào có nước, có rừng là dừng lại phá rừng, dựng nhà, lập bản. Khi nào thấy “không ưng cái bụng nữa” lại dắt díu nhau đi nơi khác, lại phá rừng, lập bản mới. Không kể đó là rừng đầu nguồn, đặc dụng hay phòng hộ. Lại nảy sinh vấn đề vi phạm Luật Đất đai. Lại đẻ ra bao vấn đề xã hội khác như bảo đảm y tế, dựng trường dạy học, bảo đảm lĩnh vực tinh thần cho bà con. Những việc này hiện ta chưa làm được. Những vấn đề dân tộc, tôn giáo, tập quán và những mâu thuẫn đã xuất hiện. Mà thói thường, chúng ta để xuất hiện khoảng trống nào sẽ có người tìm cách chiếm lĩnh ngay khoảng trống đó. Giữa bộn bề lo cái ăn, cái mặc, an ninh, quốc phòng, đôi khi những chuyện tưởng chừng chưa cấp bách trên cũng bị sao nhãng và trên thực tế, chính quyền các cấp từ cơ sở đến tỉnh và cả hệ thống chính trị đều vào cuộc nhưng đều là chạy theo để giải quyết những chuyện đã rồi. Anh Trần Quốc Huy nói việc này xảy ra từng ngày, từng giờ và nóng bỏng. Số lượng đồng bào di cư, dịch cư luôn biến động, năm sau cao hơn năm trước, liên tục thay đổi và phá vỡ nhiều quy hoạch, kế hoạch của địa phương. Anh Ê Nuol, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đăk Lăk rất day dứt với vấn đề này. Theo anh, đây vừa là vấn đề sâu xa, vừa là chuyện cấp bách, vừa là những chuyện cụ thể, vừa phải giải quyết ở tầm những chính sách vĩ mô. Bao nhiêu lần chúng ta chủ động đưa dân đi khu kinh tế mới, có nhiều chính sách hỗ trợ mà vẫn không thành công, phần lớn bà con ra đi rồi lại quay về, trong khi chuyện di cư, dịch cư tự do lại cho kết quả ngược lại. Chuyện đó rất đáng để những nhà hoạch định chính sách suy nghĩ, nghiên cứu. Vấn đề di cư, dịch cư chỉ có thể giải quyết tận gốc nếu được chỉ đạo bằng những chính sách phù hợp cùng với sự chăm lo và phối hợp đồng bộ giữa các địa phương, các ngành, với việc nâng cao đời sống nhân dân. Tôi cứ nhớ mãi ý kiến của đồng chí Bí thư Hà Nội, đại ý: Khi xây dựng quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội của địa phương phải chú ý đến quy hoạch tổng thể của vùng gắn kết chặt với quy hoạch ngành của cả nước, đến sự kết hợp hài hòa giữa quy hoạch cán bộ là người của địa phương với nguồn hỗ trợ từ trung ương, đến những vấn đề chính sách và môi trường, đến những vấn đề trước mắt và lâu dài. Trong phong cách chỉ đạo và lãnh đạo cần đặc biệt chú ý vấn đề sát dân, gần dân, đến những vấn đề hiện tại và tương lai trong đời sống xã hội và những đặc thù về dân tộc ở địa phương. Sự phong phú về dân tộc, chủng tộc cũng là một thế mạnh của địa phương. Nếu khai thác tốt những tiềm năng về cách thức tư duy, làm ăn, thói quen... cũng sẽ trở thành một động lực quan trọng, đó là chưa nói đến sự đa dạng về văn hóa tộc người, văn hóa sinh thái là lợi thế lớn của du lịch. Đồng bào dân tộc nào cũng là đồng bào mình, cần giải quyết các vấn đề theo chính sách nhất quán của Nhà nước. Giải quyết vấn đề dân tộc, đất đai, văn hóa, tôn giáo... phải gắn với vấn đề chăm lo cho con người, chú ý đến chính sách dân tộc của Nhà nước. Chỗ nào chưa phù hợp thì đề nghị sửa đổi. Nhưng cái gốc của sự việc là ổn định đời sống cho nhân dân, nâng cao mức sống của họ để họ hòa nhập vào cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hà Nội cũng có nghĩa vụ tham gia vào giải quyết việc này. Chúng tôi hy vọng rằng, ai cũng phải nhận thức đây là công việc chung của chúng ta, là việc của mọi người dân trong một đất nước, chúng ta làm việc này không chỉ cho ngày hôm nay mà còn cho muôn đời con cháu. Vâng, cái gốc của sự việc là ở chuyện an dân. Giản dị thế nhưng đòi hỏi một sự nỗ lực cực lớn mà cái gốc của nó vẫn là chính sách an sinh xã hội đúng, đủ, phù hợp, lấy con người làm đối tượng nghiên cứu, là mục tiêu hướng tới để xây dựng một xã hội thái bình, ấm no, hạnh phúc, bởi tất cả chúng ta đều sinh ra từ một mẹ, đều là đồng bào của nhau cả.
Tháng Năm, 2012