Thách thức mới với đảng cầm quyền

Thế giới - Ngày đăng : 07:14, 12/05/2012

(HNM) - Trái với nhận định lạc quan của nhiều chuyên gia cho rằng Nhật Bản sẽ hồi phục mạnh mẽ sau thảm họa động đất sóng thần, không khí ảm đạm đang lăm le phủ kín nền kinh tế đất nước Mặt trời mọc.


Theo công bố mới nhất của Bộ Tài chính Nhật Bản (10-5), thặng dư tài khoản vãng lai của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong năm tài khóa 2011 (kết thúc ngày 31-3-2012) chỉ đạt 7.893,4 tỷ yên (tương đương 99 tỷ USD), giảm 52,6% so với năm trước. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tài khóa 1985 đến nay, là mức thấp nhất trong 15 năm trở lại đây.


Kinh tế khó khăn tác động đến đời sống của người dân Nhật Bản.

Nền kinh tế nước này đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi kim ngạch xuất khẩu trong năm tài chính vừa qua đã giảm 2,8% xuống còn 62.627,2 tỷ yên - lần đầu tiên giảm trong hai năm qua; trong khi kim ngạch nhập khẩu lại tăng đáng kể lên tới 14% với 66.076,7 tỷ yên trong năm thứ hai tăng liên tiếp. Những con số này dự báo "cơn sóng thần" không mong đợi sẽ ập đến với tương lai của nền kinh tế Nhật Bản, bởi thâm hụt thương mại trong tài khóa 2011 đã chạm tới con số 3.449,5 tỷ yên, mức lớn nhất kể từ năm 1972 đến nay.

Thặng dư tài khoản vãng lai hay cán cân thanh toán của Nhật Bản giảm mạnh - trong bối cảnh xuất khẩu giảm và nhập khẩu tăng - được các chuyên gia kinh tế khẳng định chủ yếu do tác động từ việc đồng yên tăng giá và giá dầu mỏ thế giới cũng như nhiều mặt hàng khác không ngừng tăng cao trong thời gian qua. Thêm vào đó, nhu cầu tái thiết nền kinh tế sau thảm họa đòi hỏi Nhật Bản phải tăng nhập khẩu dầu mỏ để bổ sung cho "sự cố" thiếu điện giữa lúc giá nhiên liệu thế giới ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến thâm hụt thương mại của nước này tăng cao.

Với đà thâm hụt thương mại tăng như hiện nay, sức ép về lạm phát tiếp tục được dự báo là "gánh nặng" với nền kinh tế xứ Phù Tang, vì công cuộc tái thiết đất nước sau thảm họa vẫn còn rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đang mạnh lên để kích thích sức mua của người dân đối với hàng hóa Nhật Bản, giá tiêu dùng tại đất nước này có thể tăng cao sẽ tạo thêm điều kiện cho lạm phát leo thang. Đối phó với tình cảnh khó khăn hiện nay, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài nhằm tránh tối đa những tác động chưa thể dự báo do đồng yên tăng giá và chi phí sản xuất dần cao trong nước. Tuy nhiên, quá trình này lại tác động tiêu cực đến thị trường việc làm cũng như sức mua của người tiêu dùng trong nước - yếu tố quan trọng để kích thích tăng trưởng kinh tế. Một điều nữa khiến các chuyên gia kinh tế lo ngại, nếu Nhật Bản tiếp tục phải nhập khẩu nhiên liệu giá cao để bù vào khoản thiếu hụt năng lượng sau khi các nhà máy điện hạt nhân phải đóng cửa, không ai khác chính người tiêu dùng nước này phải gánh chịu "hậu quả" và làm tổn hại sâu hơn đến nền kinh tế.

Báo cáo điều tra kinh tế - xã hội năm 2012 của Ủy ban Kinh tế - Xã hội khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc cũng vừa cảnh báo rằng, nhu cầu giảm sút tại các thị trường xuất khẩu truyền thống của khu vực do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công Châu Âu cùng với tương lai khó đoán định của nền kinh tế Mỹ sẽ khiến đà tăng trưởng của khu vực giảm mạnh trong năm nay. Là một nền kinh tế hàng đầu khu vực nhưng phụ thuộc nhiều vào hoạt động xuất khẩu, do đó "cỗ xe" nền kinh tế hơn 127 triệu dân cũng không nằm ngoài vòng khó khăn chung của khu vực cũng như toàn cầu.

Với tình cảnh hiện nay, khoản ngân sách ban đầu trong năm tài khóa 2012 trị giá 90.330 tỷ yên (khoảng 1.100 tỷ USD) vừa được Quốc hội thông qua được xem là "chiếc phao cứu sinh" với nền kinh tế Nhật Bản khi "núi" nợ công đã lên tới 532 tỷ USD, chiếm khoảng 8,9% tổng sản phẩm quốc nội. Trong bối cảnh các đảng đối lập đang kiểm soát Thượng viện có thể sẽ gây sức ép buộc Thủ tướng Yoshihiko Noda phải giải tán Hạ viện, tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn để đổi lấy việc thông qua một số dự luật quan trọng. Làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng khi thâm hụt thương mại tăng cao đang là một thách thức mới với đảng Dân chủ cầm quyền hiện nay tại Nhật Bản.

Đình Hiệp