Nhiều vốn quý chưa được khai thác
Công nghệ - Ngày đăng : 06:54, 12/05/2012
Sản xuất bóng đèn huỳnh quang compact tại Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông. Ảnh: Trần Việt
Nguồn lực đáng tự hào
TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN cho biết, Hà Nội là nơi tập trung các nhà khoa học đầu ngành đông nhất, chủ yếu đang công tác tại hơn 80 trường ĐH, CĐ, 113 cơ quan nghiên cứu khoa học. Số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số nhà khoa học trong cả nước. Hà Nội luôn coi nhà khoa học đang sinh sống trên địa bàn là nguồn lực quan trọng, không địa phương nào có được. Các nhà khoa học của Trung ương đã tham gia vào Hội đồng khoa học Thủ đô, chủ trì các đề tài, dự án KHCN giúp Hà Nội giải quyết nhiều bài toán bức thiết về môi trường, giao thông, đô thị...
Giai đoạn 2006-2010, ngân sách Nhà nước đầu tư cho KHCN của TP đạt khoảng 1.739 tỷ đồng. Đầu tư từ ngân sách đã tăng từ gần 175 tỷ đồng năm 2006 lên 646 tỷ đồng vào năm 2010, đạt mức tăng 3,7 lần. Cùng thời gian trên, TP đã đầu tư 1.090 tỷ đồng cho đầu tư phát triển, chiếm 61% tổng kinh phí đầu tư cho KHCN; chi 345 tỷ đồng cho hoạt động nghiên cứu ứng dụng và triển khai KHCN (chiếm 50,4% vốn đầu tư lớn nhất trong nhiệm vụ đầu tư của TP). Ngoài ra, Hà Nội cũng đầu tư mua sắm trang thiết bị, phòng thí nghiệm để tăng cường tiềm lực KHCN. Nguồn: Ban Tuyên giáo Thành ủy |
Các nhà khoa học đã cùng nhiều doanh nghiệp nghiên cứu, đổi mới công nghệ, tạo ra sự đổi thay mang tính căn bản trong sản xuất, điển hình như sự phát triển dựa vào KHCN của Công ty TNHH một thành viên Cơ khí Đông Anh (CKĐA) và Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông (Rạng Đông). Khoảng 10 năm qua, CKĐA đã hợp tác với các Trường ĐH Bách khoa, Viện KHCN Xây dựng, ĐH Kiến trúc... nghiên cứu gần 20 đề tài khoa học. Đến nay, đây là doanh nghiệp hàng đầu cả nước về sản xuất chi tiết cho các nhà máy xi măng, sản xuất nhôm định hình, dàn mái không gian...
Rạng Đông trong những năm gần đây đã phát triển rất nhanh nhờ làm chủ công nghệ hiện đại. Công ty đã thành lập trung tâm nghiên cứu, phát triển và đơn vị này đã có nhiều đề tài nghiên cứu thiết thực, tạo hiệu quả cao trong sản xuất các sản phẩm nguồn sáng và thiết bị chiếu sáng. Có thể kể đề tài nghiên cứu thiết kế chế tạo sản phẩm chiếu sáng LED, hoàn thiện công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm Compact và huỳnh quang; công nghệ sản xuất, thu hồi và tái chế bột huỳnh quang ba phổ… Việc tập trung nguồn lực đầu tư cho KHCN giúp thúc đẩy sản xuất và kết quả là thu nhập trung bình của người lao động từ mức 6,6 triệu đồng năm 2010 đã tăng lên 7,9 triệu đồng trong năm 2011. Năm 2011, Rạng Đông đóng góp vào ngân sách khoảng 120 tỷ đồng và quý I-2012, đơn vị này đã nộp thuế hơn 50 tỷ đồng.
Đáng tiếc là trong số hàng vạn doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, những điển hình như trên quá hiếm hoi. Điều này cho thấy công tác thu hút nguồn lực xã hội vào hoạt động KHCN còn nhiều trở ngại mặc dù TP đã ban hành nhiều chính sách để phát triển KHCN như đổi mới cách thức tuyển chọn đề tài, dự án; đơn giản hóa thủ tục hành chính; yêu cầu các đề tài thuộc lĩnh vực phát triển công nghệ phải có địa chỉ ứng dụng mới được phê duyệt... Mặt khác, việc áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cũng còn hạn chế nhất định - xét trên hiệu quả giải quyết những vấn đề thực tiễn mà đề tài nghiên cứu đặt ra.
Cần tầm nhìn chiến lược
Thực tế, sự phát triển của KHCN Thủ đô vẫn chưa được như kỳ vọng. Cụ thể, theo đánh giá của nhiều nhà khoa học thì sự gắn kết giữa Hà Nội với giới khoa học vẫn ở cảnh "gần nhà xa ngõ". Sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, trường ĐH thường chỉ tập trung vào một số cá nhân nhà khoa học trên cơ sở tham gia các đề tài nghiên cứu tuyển chọn thời vụ chứ chưa trên cơ sở hợp tác toàn diện giữa Hà Nội và các tổ chức đó. "Nhiều công nghệ do nhà khoa học nghiên cứu ra thường phải "đi vòng" qua các địa phương khác rồi mới trở lại áp dụng trên địa bàn Hà Nội. Đây là một sự lãng phí vì chu kỳ công nghệ mới hiện đã được rút ngắn rất nhiều. Điều đó phần nào thể hiện cái khó của các nhà khoa học khi tiếp cận, giải quyết các vấn đề của Hà Nội" - TS Tạ Bá Hưng, Cục trưởng Cục Thông tin KHCN quốc gia (Bộ KHCN) chia sẻ.
Ông Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nêu thực tế là quanh Hà Nội đang hình thành "vành đai" các doanh nghiệp công nghệ lớn, tập trung ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương... và Hà Nội dường như yếu thế trong việc thu hút đầu tư công nghệ cao. "TP Hồ Chí Minh cũng đã có hẳn một chương trình chiến lược là đầu tư sản xuất chíp điện tử. Hà Nội rất cần lưu ý những xu hướng đó để có thể có những sản phẩm công nghệ cao của riêng mình" - ông Trần Quốc Toản góp ý.
Theo TS Lê Xuân Rao, TP đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030. Ngoài ra, dự thảo Luật Thủ đô cũng đặt vấn đề tạo cơ chế đặc biệt để thu hút chuyên gia giỏi trong và ngoài nước về cộng tác với Hà Nội. Thời gian tới, TP cũng cho xây dựng Trung tâm Giao dịch công nghệ thường xuyên, Trung tâm Nghiên cứu dịch vụ chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ để nâng cao tiềm lực KHCN Thủ đô.
Phát biểu kết luận buổi khảo sát, Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến nhấn mạnh: Hà Nội chưa thể hài lòng với kết quả mình có trong hoạt động KHCN và thực tế lĩnh vực này chưa trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội Thủ đô thời gian qua. Việc xây dựng thị trường công nghệ, xã hội hóa hoạt động KHCN, thu hút chuyên gia giỏi... vẫn gặp trở ngại, đòi hỏi sắp tới phải có sự thay đổi cơ bản về chính sách cũng như sự quan tâm của lãnh đạo và xã hội về hoạt động có tính đặc thù này...