An Tiến trăn trở thoát nghèo
Xã hội - Ngày đăng : 07:38, 11/05/2012
Nông dân xã An Tiến (Mỹ Đức) thu hoạch lúa Ảnh: Thái Hiền
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã An Tiến cho biết: Xã có 8 thôn thì 7 thôn nằm ven núi ven sông, một thôn có nghề đan đó tôm, móc vòng gia công. Đồng đất nơi đây luôn bị nước rừng ngang đổ về, nên năng suất cây trồng thấp. Khó khăn nữa là An Tiến lại nằm trong vùng phân lũ, chậm lũ nên bà con rất dè dặt đầu tư trồng cây lâu năm giá trị kinh tế cao, bởi luôn canh cánh nỗi lo ngập úng mỗi khi mùa mưa bão đến. Vì vậy, ngoài thâm canh cây lúa, thời gian nông nhàn phần lớn bà con chỉ còn biết đi bắt cua, đánh dậm… ven sông Thanh Hà, Mỹ Hà. Bên cạnh đó, An Tiến còn gặp nhiều rào cản trong công cuộc thoát nghèo, ổn định đời sống dân sinh do trình độ dân trí thấp, tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao hơn 13%/năm, thanh niên phần lớn đi làm ăn xa, thiếu hụt lực lượng lao động trẻ, chất lượng. Vì vậy, đời sống của người dân An Tiến luôn bấp bênh, cái đói, cái nghèo cứ bủa vây mãi không dứt. Thu nhập bình quân đầu người của An Tiến thuộc diện thấp nhất của huyện, mới đạt 9,1 triệu đồng/người/năm.
Nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã An Tiến đã tập trung chỉ đạo chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Xác định sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, từ năm 2005, An Tiến đã thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đến nay bình quân mỗi hộ chỉ có 1-2 ô thửa, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất. Sau khi DĐĐT, đến năm 2011, xã đã quy hoạch 58,08ha diện tích vùng đồng trũng trồng lúa hiệu quả thấp chuyển sang mô hình trang trại lúa - cá - vịt tại các khu vực Đồng Trầm (thôn An Đà), Đồng Vực, Đồng Si (thôn Hòa Lạc), Đồng Mọi (thôn Hổ Khê). Điển hình là trang trại của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Thuấn, thôn Đông Mỹ, diện tích gần 4ha với mô hình lúa - cá - vịt - lợn, cho thu nhập 70-80 triệu đồng/ha/năm. Đây là cơ sở hình thành trang trại lớn, tạo nền tảng chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở An Tiến. Hiện nay, An Tiến có tổng số diện tích gieo trồng 1.045ha, được hỗ trợ 50% kinh phí của Trạm Khuyến nông huyện, bà con nông dân đã mạnh dạn đưa 80% giống lúa lai cao sản vào gieo trồng, năng suất đạt trên 12 tấn/ha/năm. Được TP hỗ trợ 41 tỷ đồng và nhân dân đóng góp nên toàn bộ đường làng ngõ xóm 8 thôn được xây dựng khang trang; có 6/8 thôn bê tông hóa giao thông nội đồng.
Mặt khác, An Tiến tăng cường chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn theo hướng tích cực, nâng cao hiệu quả sản xuất. Cán bộ kĩ thuật HTX Nông nghiệp thường xuyên bám ruộng đồng, tư vấn, hỗ trợ chuyển giao kĩ thuật cho người dân thâm canh tăng năng suất. An Tiến đã khuyến khích nhân dân đẩy mạnh sản xuất tiểu thủ công nghiệp, tổ chức dạy nghề cho lao động trẻ và nhân cấy nghề mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; triển khai đồng bộ chính sách vay vốn phát triển sản xuất cho 737 hộ với tổng số dư nợ gần 7,5 tỷ đồng... Bằng những giải pháp thiết thực, cụ thể, An Tiến đang hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.