Tiến tới thương hiệu “Gạo Hà Nội”

Kinh tế - Ngày đăng : 07:36, 11/05/2012

(HNM) - Sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đang là hướng đi giúp nông dân nâng cao giá trị kinh tế trên một hécta đất canh tác, tăng hiệu quả nghề trồng lúa, cải thiện đời sống.


Sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao sẽ giúp cho nông dân nâng cao giá trị kinh tế là cơ hội để xuất khẩu gạo ra nước ngoài. Ảnh: Lã Tuấn Anh

Theo ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội, hiện gạo chất lượng cao do nông dân Hà Nội sản xuất ra đang được bày, bán trong các siêu thị, chợ đầu mối lớn trong TP chiếm tỷ lệ thấp, khoảng 3-5%. Số còn lại chủ yếu do các DN, chủ hàng nhập khẩu từ nước ngoài về hoặc đặt hàng tại một số tỉnh sản xuất lúa gạo có thương hiệu như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Lào Cai, Nam Định. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, TP Hà Nội đã phê duyệt chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao 2010-2015 với tổng kinh phí 184 tỷ đồng. Định hướng quy hoạch phát triển nông nghiệp Thủ đô đến năm 2020, Hà Nội bố trí vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao với quy mô 40.000ha, tập trung tại các huyện trọng điểm. Mục tiêu đến năm 2015, chương trình lúa hàng hóa sẽ đáp ứng 30-35% nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao của Hà Nội, đồng thời tăng giá trị thu nhập từ nghề trồng lúa cho nông dân ngoại thành.

Triển khai chương trình lúa hàng hóa, năm 2012, Trung tâm Giống cây trồng Hà Nội lên kế hoạch xây dựng 31 vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 11 huyện ngoại thành với quy mô 3.600ha. Năng suất bình quân phấn đấu đạt 5,2-5,4 tấn/ha/vụ; sản lượng hàng hóa ước đạt 18.700- 19.440 tấn; giá trị sản xuất khoảng 209 tỷ đồng; hiệu quả kinh tế ước 68,4 tỷ đồng. Riêng vụ xuân năm 2012, Trung tâm đã xây dựng được 29 mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại 29 xã của 11 huyện ngoại thành với quy mô 3.400ha. Năng suất dự kiến đạt 5,3-5,5 tấn/ha; sản lượng lúa hàng hóa ước đạt 18.360 tấn (giá hiện nay trên thị trường 11 triệu đồng/tấn); giá trị sản xuất ước đạt khoảng 201.960 tỷ đồng; hiệu quả kinh tế dự kiến 63 tỷ đồng.

Lựa chọn bộ giống phù hợp

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, thông qua chương trình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, ngành nông nghiệp sẽ tiến hành thực nghiệm khoa học phấn đấu chọn được 1-2 giống lúa chất lượng cao mới để bổ sung vào cơ cấu giống lúa chất lượng tương tự như giống Bắc thơm số 7 đang được nông dân ưa chuộng nhiều năm qua. Qua đó xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu "Gạo Hà Nội" với các tiêu chí ngon, sạch, an toàn... Mỗi vùng đất Hà Nội phù hợp với những giống đặc trưng do địa chất và thổ nhưỡng. Đơn cử, vùng Sóc Sơn phù hợp với giống lúa thơm, Đông Anh có nhiều điều kiện phát triển nếp cái hoa vàng... Do đó, Hà Nội cần đầu tư có trọng tâm, chọn bộ giống lúa phù hợp để sớm xây dựng thương hiệu "Gạo Hà Nội". Bên cạnh đó, Giám đốc Công ty cổ phần Thái Sơn (một trong những DN thực hiện hỗ trợ sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao) nhận xét: Các DN phải gắn với vùng sản xuất, cung ứng giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm, có như vậy người nông dân mới yên tâm sản xuất...

Để hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao của Hà Nội, công tác dồn điền đổi thửa cùng việc liên kết "bốn nhà" phải được giải quyết song song. Hiện nông dân không phải lo đầu ra bởi lượng lúa sản xuất ra đều được các DN, thương lái thu mua hết. Tuy nhiên, tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao còn ít, sản xuất dàn trải, quy mô nhỏ lẻ, gây khó khăn cho việc xây dựng thương hiệu. Vấn đề đặt ra đối với sản xuất lúa hàng hóa trên địa bàn hiện nay là phải mở rộng quy mô, tạo vùng sản xuất lớn. Muốn vậy cần đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa máy móc vào sản xuất lúa. Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay hầu hết các địa phương vẫn sản xuất lúa theo phương thức truyền thống, việc sử dụng máy gặt đập và máy sấy nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch là rất ít... Sản xuất lúa hàng hóa đã và đang khẳng định một hướng đi đúng, hiệu quả trong phát triển nông nghiệp Thủ đô. Với sự triển khai tích cực của ngành nông nghiệp và các địa phương, mục tiêu đến năm 2015, chương trình lúa hàng hóa đáp ứng được 30-35% nhu cầu gạo chất lượng cao của Thủ đô là hoàn toàn có thể thực hiện được, tạo diện mạo mới cho nông thôn ngoại thành và bảo đảm an ninh lương thực cho Hà Nội. Để chương trình thành công, cùng với việc giải quyết những bất cập nêu trên, rất cần sự tham gia của các DN trong khâu bao tiêu sản phẩm và thành phố cần có chính sách hỗ trợ phù hợp, kịp thời.

Đào Huyền