Người tiêu dùng cần sự công bằng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 11/05/2012

(HNM) - Quyết định giảm giá bán lẻ xăng, dầu được công bố sau khi Chính phủ thông qua gói giải pháp tài chính hỗ trợ DN và thị trường trị giá 29.000 tỷ đồng được coi là thông tin tốt với cộng đồng DN.


Tuy nhiên, mức giảm giá "khiêm tốn" được đưa ra tối 9-5 đã khiến dư luận đặt câu hỏi liệu lần giảm giá này có công bằng với người tiêu dùng (NTD)? Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá xăng, dầu tăng hay giảm sẽ tác động trực tiếp tới doanh thu của mỗi DN, thuộc nhiều ngành hàng khác nhau. Vì vậy, việc điều hành giá mặt hàng thiết yếu này sao cho phù hợp, sát với thực tế luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm.

Việc điều hành giá xăng dầu luôn là vấn đề nóng được dư luận quan tâm.
Ảnh: Trần Thanh Hải


Vẫn chậm giảm giá xăng?

Đón nhận thông tin giá xăng bán lẻ giảm 500 đồng/lít, nhiều DN cảm thấy phấn khởi vì chi phí giá thành tới đây sẽ giảm ít nhiều. Tuy nhiên, mức giảm 500 đồng/lít xăng, áp dụng từ 22h ngày 9-5 dường như thiếu thuyết phục với NTD. Đại diện một DN kinh doanh trong lĩnh vực vận tải cho rằng, ngành chức năng dường như luôn tỏ ra chậm chạp mỗi khi cần phải giảm giá bán lẻ xăng, dầu do giá thế giới giảm. Trong khi đó, quyết định tăng giá luôn được công bố "kịp thời". Trên thực tế, việc giá xăng tăng hay giảm sẽ tác động rất nhanh, trực tiếp tới doanh thu của các DN, nhất là DN sử dụng nhiều xăng, dầu trong hoạt động SXKD. Vì vậy, khi các ngành chức năng tránh lỗ cho các đầu mối xăng dầu cũng nên cân nhắc đến quyền lợi chính đáng của NTD.

Không nằm ngoài tác động của việc tăng giá xăng dầu, bà Trung Việt Dung, Tổng Giám đốc Vinatour cho biết, sau hai lần tăng giá xăng vào tháng 3 và 4-2012, giá xăng bán lẻ đã tăng thêm 3.000 đồng/lít. Ngay sau khi giá xăng tăng cao, giá thuê xe đi tuyến Hà Nội - Cửa Lò đã tăng gần 20%. Lý do nhà xe đưa ra là do giá xăng dầu tăng cao. Trong khi đó, DN lữ hành đã ký hợp đồng với khách hàng trước thời điểm giá xăng được điều chỉnh nên không thể vin cớ xăng tăng giá để yêu cầu khách nộp thêm tiền. Trong trường hợp này, DN chỉ còn cách chấp nhận giảm doanh thu để giữ chữ "tín" với khách hàng. Vì vậy, mong mỏi của DN cũng như mỗi NTD là mặt hàng thiết yếu này sẽ được điều chỉnh giá một cách minh bạch và sát với tín hiệu thị trường.

Từ đầu năm tới nay, xăng dầu đã tăng giá hai lần vào ngày 7-3 và 20-4 và giảm giá lần đầu tiên vào ngày 9-5. Nếu tính từ lần tăng giá xăng gần nhất (ngày 20-4) đến nay, giá xăng, dầu trên thị trường thế giới diễn biến theo chiều hướng giảm. Cụ thể, giá dầu thô trên thị trường New York giảm từ mức gần 103 USD/thùng về mức hơn 96 USD/thùng trong ngày 9-5. Giá bán buôn mặt hàng xăng A92 tại thị trường Singapore (nơi cung cấp nguồn hàng chính cho các đầu mối kinh doanh xăng, dầu của Việt Nam) cũng giảm về mức 121,6 USD/thùng trong ngày 9-5, so với mức hơn 128,1 USD/thùng vào ngày 20-4. Theo các chuyên gia, với biến động giá nhập khẩu nói trên, trong khoảng 10 ngày trở lại đây, DN kinh doanh xăng dầu đang lãi 1.200-1.300 đồng/lít xăng A92. Nhiều ý kiến cho rằng, với mức lãi nêu trên, quyết định giảm 500 đồng/lít xăng có thực sự bảo đảm hài hòa lợi ích 3 bên, gồm DN xăng dầu, Nhà nước và NTD theo đúng tinh thần của Nghị định 84/CP?

Đã tính toán kỹ trước khi giảm giá

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính với các cơ quan báo chí sáng 10-5, bởi trước khi có quyết định giảm giá, Bộ Tài chính đã đề xuất nhiều phương án, trong đó có tính đến trường hợp chỉ giảm giá bán lẻ hoặc chỉ tăng thuế nhập khẩu xăng dầu. Khi tính toán về giá xăng, phải căn cứ vào quy định của pháp luật về điều hành xăng dầu. Căn cứ quy định hiện hành (Nghị định 84/CP về kinh doanh xăng dầu), nếu tính giá bình quân 30 ngày (từ ngày 9-4 đến 8-5-2012) so với bình quân 30 ngày trước đó, xăng dầu thành phẩm giảm giá từ 2,78% đến 4,69%. Nếu căn cứ giá bình quân trong vòng 20 ngày (từ ngày 20-4 đến 9-5), xăng dầu thành phẩm giảm giá từ 1,86% đến 5,18%. Theo quy định, khi giá thế giới giảm làm cho giá cơ sở giảm thì sẽ tính toán theo thứ tự thuế, quỹ bình ổn giá và giảm giá khi có điều kiện. Nhưng, lần này để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, DN xăng dầu và NTD, chúng ta xử lý theo cách khôi phục dần mức thuế đã giảm về 0% lên mức 2%, đồng thời giảm giá 500 đồng/lít xăng và 300 đồng/lít dầu diesel. Ông Thỏa cũng cho biết, dự báo khoảng quý III và IV, khi bước vào mùa đông, giá xăng dầu có thể nhích lên do lượng tiêu thụ tăng cao. Với nguồn ngân sách có được từ việc áp thuế nhập khẩu xăng dầu, Nhà nước sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện bình ổn giá.

Mặc dù Bộ Tài chính luôn khẳng định giá xăng, dầu đang được điều hành theo đúng quy định, song việc điều chỉnh mặt hàng thiết yếu này sao cho sát với tín hiệu thị trường vẫn luôn là đòi hỏi bức thiết của dư luận.

Ngoài việc bảo đảm hài hòa lợi ích ba bên giữa DN xăng dầu, Nhà nước và NTD, quyết định tăng, giảm giá xăng, dầu phù hợp sẽ tạo ra những tác động tích cực, giúp mỗi DN cân đối chi phí, qua đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế. Việc công khai, minh bạch các yếu tố hình thành giá xăng, dầu cũng cần được thực hiện nghiêm nhằm giúp người dân hiểu rõ về mức giá hiện hành, đồng thời giảm những thông tin sai lệch không đáng có xung quanh việc điều hành giá mặt hàng thiết yếu này.

Hương Ly