Ngàn năm Tháp Bút, Đài Nghiên mãi còn...
Xã hội - Ngày đăng : 11:08, 24/03/2004
Tháp Bút - Đài Nghiên bên Hồ Hoàn Kiếm
Ảnh: Văn Thọ
- Ai đã sáng tạo ra cụm kiến trúc đầy ý nghĩa này?
- Vì sao người ấy lại chọn biểu tượng "Đài Nghiên, Tháp Bút"?
Người dựng nên Đài Nghiên, Tháp Bút là Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872). Năm 1865, Nguyễn Văn Siêu đứng ra vận động người Hà Nội trùng tu đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc và xây thêm Đài Nghiên, Tháp Bút, đắp núi Độc Tôn, tạo thành một cụm kiến trúc chứa đậm tâm hồn, tư tưởng của kẻ sĩ Bắc Hà. Đền Ngọc Sơn được xây trên đảo Ngọc - Hồ Gươm, ôm ấp trong nó những giá trị văn hóa, lịch sử. Năm 1056, nơi đây cây cỏ tốt tươi, nước xanh ánh ngọc, tỏa bình minh rạng ngời bảy sắc cầu vồng, chim trời sà xuống tưng bừng reo ca, trăm hoa đua nở, hương bay thơm gió mát lành… Dường như thần thánh cũng ngự về, độ phúc, lộc cho người hiền chung sống an vui. Dân gian gọi là hồ Lục Thủy, bởi trời mây, non nước, cây lá, tụ hội thành một vùng xanh lục. Vua Lý Công Uẩn đã chọn nơi đây dựng chùa Sùng Khánh để cúng tế trời đất, cầu mưa thuận gió hòa, cầu hòa bình, an vui cho xã tắc. Đời Trần, hồ Lục Thủy là nơi tập trận chống quân Mông. Thế kỷ 15, hồ Lục Thủy có thêm truyền thuyết Lê Lợi trả gươm cho rùa thần, gửi gắm khát vọng hòa bình của dân ta. Câu chuyện trả gươm ắt do kẻ sĩ sáng tác để lưu truyền vạn đại. Hồ Lục Thủy đổi thành hồ Hoàn Kiếm hay hồ Trả Gươm, tên hồ chính là lời kêu gọi Hòa bình. Giữa thế kỷ 15 trở đi, vua Lê Thánh Tông thường đến đảo Ngọc ngắm gió trăng, vui chơi cùng dân chúng. Đến thời mạt vận, chúa Trịnh xây cung Khánh Thụy trên đảo Ngọc làm nơi đàng điếm. Họ Trịnh mất ngôi, ly cung, biệt điện, đền đài quanh Hồ Gươm bị phá hủy. Năm 1842, ông Tín Trai xây ngôi đền nhỏ trên nền cung Khánh Thuỵ đổ nát, đặt bàn thờ Trần Hưng Đạo, thờ thần chủ văn học Văn Xương, thờ Lã Đồng Tân, vị tiên có tài chữa bệnh cứu người. Ngôi đền Ngọc Sơn thành nơi kẻ sĩ Bắc Hà "khuyên người ta làm điều lành, khuyến học, khuyến thiện".
Nguyễn Văn Siêu quê ở làng Kim Lũ, Thanh Trì - Hà Nội. Năm hai mươi sáu tuổi, ông lều chõng đi thi, đỗ Á nguyên, nhưng không ra làm quan, ở nhà đọc sách và dạy trẻ. Ông kết thân bạn tâm giao với Cao Bá Quát, kém ông 10 tuổi. Hai người thường đối đáp văn chương rất giỏi nên được gọi là thần Siêu - thánh Quát. Năm 1839, hai ông khăn gói vào Huế thi Hội. Cao Bá Quát thi hỏng (vì chữ xấu, nhưng người ta bảo ông nói thẳng làm phật ý vua Minh Mạng). Nguyễn Văn Siêu đỗ phó bảng, được bổ làm chủ sự bộ lễ, sau được thăng viên ngoại lang. Thiệu Trị nối ngôi, biết tài "thần Siêu" nên chuyển vào nội các làm Thừa chỉ, kiêm dạy các hoàng tử Hồng Bảo, Hồng Nhậm… Năm 1847 Hồng Nhậm lên ngôi (Tự Đức). Năm 1849, ông Siêu được cử đi sứ nhà Thanh. Tự Đức dặn: "Khanh học vấn uyên bác, đi chuyến này sang sứ, xem xét núi sông, phong tục, ghi chép kỹ, khi về tiến lãm".
Về nước năm 1850, thần Siêu dâng quyển "Vạn lý tập dịch trình tấu thảo" được phong Học sĩ ở viện tập hiền. Năm sau ông ra làm án sát Hà Tĩnh, rồi án sát Hưng Yên kiêm chức tuần phủ. Dân chúng đói khổ, vỡ đê, lụt lội, ông gửi về Tự Đức một sớ điều trần. Không hợp ý vua, ông bị giáng chức. Năm 1854, ông đệ sớ từ quan, về sống ở Hà Nội, dạy học và soạn sách…
Cao Bá Quát không chịu đựng nổi cảnh vào luồn ra cúi dưới mái nhà thấp của cung đình Huế thời Tự Đức nên cũng từ quan về Sơn Tây, cùng dân chống lại triều đình. Thánh Quát chết, thần Siêu khóc họ Cao, thẹn cho mình không đủ sức làm như bạn:
Hoa sáng với bụi đời
Thì lòng ta chẳng thích
Noi xưa vượt thói thường
Thì sức ta không kịp…
Tiến bước trong cảnh lui
Giữ sinh tồn muôn vật.
Vì vậy ông đã dứng ra sửa sang ngôi đền Ngọc Sơn, bắc lại nhịp cầu Thê Húc, đắp núi Độc Tôn và xây trên đó ngọn Tháp Bút 5 tầng, ngòi bút nhọn vươn thẳng lên trời cao, thênh thang chạm tới mặt trời, trăng sao, vũ trụ, với ba chữ "Tả Thanh Thiên" (tức là viết lên trời xanh). Ba chữ đó như một sự thách đố cung đình. Nó khẳng định học vấn và trí tuệ sẽ dẫn con người vươn tới hạnh phúc, áo cơm, độc lập tự cường, dân chủ - văn minh… Tháp Bút nhọn đâm thẳng lên trời xây tại Hồ Gươm cách đây 139 năm, có thể ví với lối kiến trúc gô-tích ở châu Âu thế kỷ 7 - 15, vận dụng hình cung nhọn làm trần thánh đường và nhà thờ, tượng trưng cho sự rạch xé rào, giải phóng tư tưởng ra khỏi vòng vây trói buộc. Tháp Bút còn là một lời tiên tri cho thời đại mạng thông tin điện tử toàn cầu.
Thần Siêu ơi! Ngày nay con cháu ngài đã có chữ viết riêng và như mong ước của ngài, tiếng Việt linh diệu đã vút lên trên các tầng trời, nối tư tưởng của chúng con với toàn nhân loại. Hằng ngày chúng con vẫn viết lên trời xanh ở mọi chốn mọi nơi. Còn có niềm vui hạnh phúc nào bằng!
Thần Siêu xây bên cạnh Tháp Bút một Đài Nghiên. Đó là một cái cửa cuốn trên có bê một cái nghiên bằng đá tạo theo hình nửa quả đào. Ở thành Nghiên có khắc bài minh do thần Siêu soạn, với ý tứ rằng: Xưa lấy hốc đất làm nghiên, nay phải có một cái nghiên lớn, tách từ đá ra, để đứng bên mà nghiền ngẫm. Cái Nghiên chẳng có hình dáng, không vuông, không tròn, không cao, không thấp, ở ngôi chính giữa, cúi soi hồ Gươm, ngửa trông gò Bút đá, ứng vào sao Thai mà làm ra mọi biến đổi, ngậm nguyên khí mà mài hư không, dùng vào mọi việc thật kỳ diệu.
Thần Siêu ơi! Ngài đã dạy chúng con: Chữ nghĩa chính là "thần" (hay tư tưởng cao đẹp và trí tuệ, nguyên khí của con người, hòa trong vũ trụ, là thần) nó sẽ biến đổi không ngừng mà làm ra lúa, ngô, cây, quả, nhà cửa, đền đài, bệnh viện, trường học, công viên, nghệ thuật, tàu thủy, xe hỏa, máy bay, tàu vũ trụ… mà đi khắp tận cùng thế giới, mà lên tận sao Hỏa, sao Kim…
Thần Siêu ơi! Chính bởi cái "thần" ấy mà Đài Nghiên, Tháp Bút mãi mãi sừng sững đứng giữa hồ Gươm. Nắng, mưa, gió, bão, sấm chớp, đạn bom, đêm tối, sương mờ… càng làm cho Đài Nghiên, Tháp Bút vững vàng nhả chữ lên trời xanh. Chẳng ai có thể cắt nghĩa được sự kỳ diệu này!
Mai Thục