Biến tướng của tội phạm đòi nợ thuê
Pháp luật - Ngày đăng : 06:50, 10/05/2012
Nhưng thực tế lại khác do những mối quan hệ tài chính "ngầm" ngày càng phát triển, hoạt động đòi nợ thuê không giảm mà đi vào hoạt động kín, với thủ đoạn, phương thức không kém phần manh động, nguy hiểm...
Trở lại vụ án xảy ra tại Công ty Phương Đông, sau khi bị phát hiện qua một vụ bắt giữ người trái pháp luật để siết nợ, Giám đốc Lê Linh (SN 1975) khai nhận, Công ty Phương Đông đã nhận khoảng 130 hợp đồng đòi nợ thuê và đã thực hiện khoảng 70 hợp đồng. Các vụ đòi nợ thuê đều được thực hiện theo kiểu côn đồ, dùng nhiều thủ đoạn gây án nghiêm trọng, từ khủng bố, đe dọa đến bắt giữ người, đánh đập. Đương nhiên, "nhân viên" của công ty này đều là những đối tượng hình sự, côn đồ. Trước khi Công ty Phương Đông "sập tiệm" ít ngày, một công ty đòi nợ thuê khác là Công ty Quang Anh cũng bị xóa sổ sau khi cơ quan công an phát hiện những vi phạm pháp luật tương tự. Sau năm 2007, các công ty đòi nợ thuê dạng này bớt hẳn...
Thời gian gần đây, khi "tín dụng đen" liên tục gặp khó khăn, tình trạng vỡ nợ do vay nợ xấu, lãi suất cao xảy ra liên tục, hoạt động đòi nợ thuê lại có cơ phát triển trở lại. Nhưng do các hợp đồng vay nợ liên quan đến những khoản đầu tư "tế nhị", giấy tờ vay nợ thiếu cơ sở pháp lý nên việc đòi nợ ít thông qua các công ty, văn phòng luật. CATP Hà Nội cho biết, qua đánh giá tình hình ANTT từ đầu năm 2012 đến nay, có dấu hiệu một số đối tượng hình sự diện "anh chị" đang tụ tập thành ổ nhóm, tham gia bảo kê, dùng bạo lực để đòi nợ thuê, chủ yếu là đòi vay nợ trong cờ bạc, vay nợ tín dụng đen. Trên địa bàn Hà Nội, số vụ do mâu thuẫn trong vay nợ dẫn đến bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản đã xảy ra 5 vụ. Cũng vì vay nợ, đã xảy ra một vụ giết người.
Tại một số tỉnh, thành phía Nam, "dịch vụ" đòi nợ thuê có phần phát triển hơn tại Hà Nội. Tuy vậy, các công ty đòi nợ làm ăn khó khăn, trong khi đó các ổ nhóm giang hồ hoạt động rất manh động, có lúc lộng hành, gây bức xúc, gây ra nhiều vụ án nghiêm trọng, xuất hiện cả đối tượng người nước ngoài tổ chức nhóm đòi nợ thuê (Bình Dương).
Qua điều tra các vụ việc liên quan đến vay nợ, siết nợ, cơ quan CA nhận định, tội phạm đòi nợ, siết nợ ngày càng manh động, sẵn sàng hành hung, thậm chí sử dụng vũ khí nóng để đe dọa, uy hiếp, tấn công, truy sát. Nhiều vụ việc, giữa chủ nợ và con nợ trước đó có quan hệ mật thiết nhưng do mâu thuẫn nợ nần đã xuống tay tàn ác. Như vụ việc xảy ra tháng 1-2012, ông Đỗ Mạnh H. (SN 1960) treo cổ tự tử tại nhà chủ nợ (phường Trung Liệt, quận Đống Đa) sau khi bị chủ nợ, vốn là con của một người bạn, bắt giữ, đánh đập, thúc ép. Nhiều vụ nổ súng, dùng thuốc nổ uy hiếp cũng xuất phát từ nguyên nhân vay nợ...
Nhưng không chỉ con nợ mới là đối tượng bị đe dọa tính mạng. Nhiều con nợ do không có khả năng thanh toán cũng sẵn sàng đe dọa, uy hiếp, tấn công chủ nợ hoặc tìm đến "đầu gấu" để nhờ bảo kê. Gần đây nhất, ngày 16-4, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH - CATP Hà Nội điều tra, làm rõ vụ sử dụng súng trái phép, liên quan đến đối tượng Phạm Phương Nam (SN 1981, trú tại Tân Mai, quận Hoàng Mai). Trước đó, Nam có vay của Vũ Hồng P. (SN 1979, trú tại Đồng Nhân, Hai Bà Trưng) hơn 1 tỷ đồng, P. đòi nhiều lần nhưng Nam chưa trả và kết cục là một vụ đấu súng xảy ra chiều 15-4…
Do tình hình "tín dụng đen" còn nhiều phức tạp, thời gian tới, những vụ việc gây mất ANTT liên quan đến đòi nợ, siết nợ thuê chắc chắn chưa giảm. Không những thế, theo dự báo của cơ quan CA, hoạt động cá độ bóng đá trong mùa hè này cũng có khả năng "nóng", dẫn đến vay nợ "đen" tăng, các hoạt động tội phạm liên quan cũng sẽ gia tăng. Điều đó cho thấy đã đến lúc cần một chiến dịch lớn truy quét các băng nhóm đòi nợ, kết hợp với việc phòng ngừa "tín dụng đen", truy quét tệ nạn cờ bạc, cá độ...