Việc làm cho thanh niên: Bắt đầu từ bố trí hợp lý

Đời sống - Ngày đăng : 06:34, 10/05/2012

(HNM) - 4/10 người thất nghiệp là thanh niên, đó là con số thống kê mà Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) vừa thống kê trên toàn thế giới, tương đương với 75 triệu thanh niên không có việc làm. Ở Việt Nam, thanh niên độ tuổi từ 15-24 thất nghiệp chiếm 50,4% trong tổng số người thất nghiệp hiện nay.

Theo các chuyên gia, chất lượng việc làm có sẵn cho thanh niên đang giảm đi, tình trạng thiếu việc làm và nghèo ở thanh niên có xu hướng tăng lên… Mỗi năm có hơn 1 triệu thanh niên tham gia vào thị trường lao động. Tuy nhiên, để tìm được việc làm ưng ý và giữ được công việc là điều khó khăn, đặc biệt ở lao động nữ. Lý giải hiện tượng này, các chuyên gia lao động cho rằng, các cử nhân mới ra trường thường khó đáp ứng hết các tiêu chí doanh nghiệp đề ra. Hoặc nhiều doanh nghiệp còn phân biệt giới, phân biệt bằng tốt nghiệp của trường dân lập với công lập khiến nhiều cử nhân dù có kỹ năng làm việc nhưng mất cơ hội việc làm rất lớn.

Một hiện tượng khác là sự khó khăn khi xin việc của thanh niên lại xuất phát từ chính họ chứ không phải do nhà tuyển dụng. Do thiếu định hướng nghề nghiệp nên ngay khi còn học phổ thông, các học sinh chỉ chọn trường ĐH, CĐ nào tiêu chuẩn điểm thấp để tránh tâm lý trượt đại học. Vì vậy, chọn theo tâm lý, theo sở thích chỉ có thể đáp ứng được nguyện vọng trước mắt, còn sau khi ra trường có làm được việc hay không, có tìm được công việc phù hợp với năng lực, trình độ hay không họ không nghĩ đến. Do vậy, hầu hết những người làm công tác tuyển dụng đều lo lắng về công tác hướng nghiệp việc làm hiện nay chưa trúng trọng tâm nên để xảy ra những điều đáng tiếc.

Theo Tổ chức Lao động quốc tế ILO tại Việt Nam, tạo được việc làm bền vững cho thanh niên Việt Nam độ tuổi 15-24 hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng. Bà Nguyễn Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội cho biết, hiện trung tâm không thu phí môi giới đối với người lao động. Nhưng có lẽ sự miễn phí này khiến thanh niên không mặn mà với các dịch vụ tư vấn công. Một ý kiến khác lại cho rằng, có thể mức độ tuyên truyền của các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn, hướng nghiệp cho thanh niên chưa rộng rãi nên người lao động không biết có dịch vụ miễn phí này. Hơn nữa, thị trường lao động xuất hiện khá nhiều trung tâm "ma" chuyên lừa đảo, lôi kéo sinh viên tiền mất tật mang. Do vậy, các cơ quan chức năng cần cân nhắc để các trung tâm GTVL phát triển theo hướng tự thu, tự chi, để họ hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự cạnh tranh và giảm được các trung tâm lừa đảo.

Bà Nguyễn Ngọc Trinh cho biết thêm, hiện nay các trung tâm GTVL thường tổ chức các sàn giao dịch việc làm cho thanh niên khu vực nông thôn nhưng vẫn chưa đủ để thu hút người lao động, vì thế cần nhân rộng các trung tâm hỗ trợ sinh viên tại các trường ĐH để cung cấp thông tin cho sinh viên về diễn biến mới nhất của thị trường lao động, mức lương tương xứng với trình độ, cơ hội tìm việc làm part-time (bán thời gian), các kỹ năng mềm. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Việt Nam đã không ngừng nỗ lực để giúp thanh niên được gia nhập thị trường lao động thông qua các chính sách về giáo dục, đào tạo, các dịch vụ việc làm chủ động và các chương trình xúc tiến việc làm. Tuy nhiên, giải quyết việc làm cho thanh niên không phải vấn đề một sớm, một chiều. Còn nhiều điều cần phải làm ở phía trước để giải quyết tảng băng chìm đang là rào cản sự phát triển của thị trường lao động.

Kim Vũ