Nên minh bạch, rõ ràng trước khi thực hiện
Đời sống - Ngày đăng : 05:57, 10/05/2012
Theo Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ, từ ngày 1-6-2012 bắt đầu thu phí bảo trì đường bộ. Các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều cho rằng, chủ trương thu phí bảo trì đường bộ là đúng và cần thiết để bảo đảm hệ thống giao thông thuận lợi. Tuy nhiên, thu phí vào thời điểm hiện tại, khi nền kinh tế đang khó khăn, sức mua giảm kéo theo vận chuyển giảm, giá nhiên liệu tăng là không phù hợp, khiến doanh nghiệp (DN) vốn đã khó khăn lại càng lao đao. Một vấn đề đáng lưu ý nữa là, chi phí logistics ở nước ta hiện nay chiếm khoảng 25% GDP, quá cao so với trong khu vực và trên thế giới (Nhật Bản: 11%, Singapore: 8%, Malaysia: 13%...). Tiến sỹ Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Chính phủ cho rằng, việc xã hội hóa, thu hút nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông thời gian qua không đem lại hiệu quả như ý, thậm chí một số DN đã trả lại công trình BOT cho Nhà nước. Tuy nhiên, không thể quá lạm dụng các khoản phí để tạo nguồn vốn. Theo Tiến sỹ Trần Du Lịch, Điều 49 Luật Giao thông đường bộ nêu rõ vốn ngân sách là nguồn đầu tiên được nhắc tới để tạo Quỹ Bảo trì đường bộ, nhưng Nghị định 18 lại lấy thu phí đặt lên hàng đầu. Ông khẳng định sẽ đưa vấn đề này ra Quốc hội trong kỳ họp sắp tới. Luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, kiến nghị Bộ GTVT cần khảo sát lại các loại phí đang thu để tránh "phí chồng phí". Theo luật sư Nghĩa, một văn bản pháp quy ban hành phải hội đủ 5 yếu tố: hợp lý, hợp pháp, minh bạch, hiệu quả và có tính trách nhiệm.
Phó Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Võ Tân Thành cho biết, những ý kiến, thắc mắc của DN sẽ được tổng hợp gửi đến Chính phủ, cơ quan chức năng nghiên cứu, xem xét.