Kinh tế Châu Âu: Ngã rẽ nhiều thách thức
Thế giới - Ngày đăng : 05:53, 10/05/2012
Chiến thắng của ông Francois Hollande là biến cố quan trọng tạo hiệu ứng với kinh tế Châu Âu. |
Tiếp tục đà bán tháo của vài ngày trước khi vàng thế giới chọc thủng ngưỡng quan trọng 1.600 USD/ounce, các hợp đồng vàng ngày 9-5 được giao dịch ở mức thấp nhất trong hai năm qua với 1.585,83 USD/ounce. Giảm liên tiếp 7 phiên, vàng không còn là bến đỗ an toàn nữa khi những diễn biến không bất ngờ nhưng nghẹt thở tại chính trường Châu Âu khiến các nhà đầu tư quan ngại rằng các nỗ lực chống bão nợ tại Cựu lục địa sẽ phải theo một hướng mới. Bày tỏ lập trường chống chính sách tài chính khắc khổ ngay trong chiến dịch tranh cử, chiến thắng đầu tiên sau hơn 3 thập kỷ của ứng viên cánh tả Francois Hollande thuộc đảng Xã hội (PS) trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vừa qua đã làm nổi sóng cả cộng đồng tài chính thế giới. Chắc chắn theo đuổi cam kết khi chạy đua vào chiếc ghế ông chủ Điện Élyseé, sự ủng hộ Tổng thống đắc cử F. Hollande của cử tri đất nước hình Lục lăng là chỉ dấu rõ ràng cho thấy chương trình chi tiêu ngặt nghèo được đồng loạt áp dụng tại hầu khắp các quốc gia Châu Âu sẽ sớm kết thúc tại Pháp. Theo đuổi các gói kích thích kinh tế, dư luận lo ngại không hiểu Paris và Ngân hàng Châu Âu (ECB) sẽ đào đâu ra euro để bổ sung cho nhu cầu tài chính sẽ ngày một lớn trong dân chúng.
Bước ngoặt "chi tiêu" tại Pháp dự báo cuộc chiến kéo Châu Âu khỏi cuộc khủng hoảng nợ công sẽ phức tạp hơn bởi sự "rạn nứt" về chính sách đã phát lộ trong khu vực. Như chiếc nhiệt kế nhạy trước thay đổi của môi trường chính trị, kinh tế, xã hội... toàn cầu, vàng đã mất đi sức hấp dẫn vốn có trong thời gian qua. Khối lượng giao dịch tăng đột biến - như một cuộc bán tháo - đạt mức cao nhất 1 tháng và hơn 40% so với bình quân 30 ngày qua thể hiện sự bất an của các nhà đầu tư toàn cầu với tương lai của Châu Âu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đây chưa phải là ngưỡng kháng cự cuối của kim loại quý. Giá vàng được dự báo còn giảm sâu khi thực tế cho thấy không chỉ Paris, mà ở bờ bên kia của Châu Âu, cuộc đua tranh hậu bầu cử giữa các đảng phái tại Hy Lạp cũng đang dịch chuyển theo hướng từ bỏ, thắt lưng "buộc bụng" hơn nữa trong dân chúng. Sự chuyển hướng này đang phát đi tín hiệu cáo chung không mong đợi cho những chính sách chi tiêu hà khắc vốn nhằm khống chế các số nợ khổng lồ và thâm hụt ngân sách ở Khu vực đồng tiền chung (Eurozone) của cả một thế hệ các nhà lãnh đạo Châu Âu.
Đầu tàu kinh tế của châu lục là Đức hẳn sẽ không bỏ cuộc đối đầu với con quái vật nợ nần. Làm thế nào để không gặp nguy khi "bệnh nhân" Hy Lạp thôi dùng "toa" cắt giảm chi tiêu liều cao trong khi nước Pháp cũng đang mất điểm tuyệt đối về an toàn tín dụng để trở lại xu hướng tiêu dùng thường nhật đang là một câu chuyện được cả Châu Âu và thế giới quan tâm. Phản ứng với những gì đang diễn ra, đồng euro liên tiếp chịu áp lực trước USD. Ưu thế vượt trội của đồng bạc xanh khiến mọi hàng hóa được định giá bằng USD trở nên đắt đỏ đã tạo thêm lý do để thị trường hàng hóa lặng sóng. Và dầu mỏ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Giao dịch ở ngưỡng 96,38 USD/thùng, dầu thô đã giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp và hoàn thành chuỗi giảm dài nhất kể từ ngày 2-2-2012 đến nay.
Khẳng định của Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ hợp tác với ông chủ mới của Điện Élyseé nhằm tìm hướng thích hợp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ tại Châu Âu như gửi đi một lá thư bảo đảm với giới đầu tư toàn cầu. Dẫu vậy, có một thực tế là các cuộc chuyển giao chính trị tại Lục địa già những ngày qua đã đặt Châu Âu vào một ngã rẽ đầy thách thức.
Tương lai vẫn đang ở phía trước và nằm trong tay những nhà lãnh đạo Lục địa già.