Dọc đường
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:43, 10/05/2012
Bình Định là điểm đến đầu tiên của đoàn công tác TP Hà Nội do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị dẫn đầu tại các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Chúng tôi về Bình Định không phải để xem các cô gái “bỏ roi đi quyền” như người đời vẫn truyền tụng hay để xem “chị em phụ nữ cầm roi dạy chồng” như cách anh em vẫn tếu táo, mà tháp tùng đoàn lãnh đạo của thành phố đi thăm, làm việc ở một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên theo kế hoạch. Chuyến đi ngắn qua nhiều địa phương, mỗi nơi cách nhau cả vài trăm kilômét, lịch làm việc dày đặc, mỗi ngày năm bảy hoạt động khác nhau, nhưng, mọi người đã quen với cái nếp ấy rồi nên không có ai tỏ ra ngần ngại hay phàn nàn gì cả. Anh bạn ở báo Kinh tế Đô thị bảo tôi: em đã quen với cách đi đứng kiểu này rồi. đi một vài năm nữa rồi cũng nghỉ, để cho lớp trẻ họ đi. Đi như thế, vừa làm nhiệm vụ, vừa học tập, vừa rèn luyện. Nhất cử, tam tứ tiện.
Đền thờ nhà Tây Sơn (Bình Định). Ảnh: Lê Hoàn |
Quả có thế. Xuống sân bay, sau những cái bắt tay chào hỏi là bắt đầu các hoạt động ngay. Trên đường về TP Quy Nhơn, điểm đoàn đến thăm đầu tiên là Bảo tàng Quang Trung và các gia đình chính sách của tỉnh. Tôi đã có một đôi lần đến đây nhưng đây là lần đầu tôi đi theo cách này. Đồng chí Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đi thăm hai gia đình chính sách mà cả hai đối tượng đều là thương binh. Mẹ Hoàng Thị A ở thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn, nguyên là một thanh niên xung phong, không thể ngờ là lại có dịp gặp cả Bí thư tỉnh ủy Nguyễn Văn Thiện và đồng chí Phạm Quang Nghị - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, vốn cũng là những người đã từng ở chiến trường như mình trong những ngày kháng chiến gian khổ. Đồng chí Bí thư thành ủy nói vui: ngày mẹ tham gia phục vụ ở chiến trường thì đồng chí Bí thư tỉnh ủy đây cũng lên rừng cầm súng đánh giặc, còn tôi cũng từ Bắc vô nằm rừng vùng Tây Ninh. Cả ba đều ở chiến trường cả. Mẹ cười móm mém: lúc đó cả nước đánh giặc, mọi người đều đi làm cách mạng cả chứ ai đứng bên lề được. Cái lý lẽ giản dị thế thôi, như đòi hỏi của cuộc đời, của đạo lý là vậy. Không tính toán, không lý sự dài dòng mà hành động theo sự đòi hỏi của cả cộng đồng: nước có giặc, là dân, ai cũng có nghĩa vụ đánh giặc như nhau cả. Giản đơn thế nhưng cũng phải học cả một đời.
Thăm hỏi, tặng quà, cám ơn và nhắc nhở các cán bộ địa phương làm tốt hơn việc chăm lo cho các gia đình chính sách xong, đồng chí Bí thư hỏi nhỏ: ông mất rồi, bây giờ mẹ sống ra sao? Mẹ cười mãn nguyện: tất cả con cái đều đã trưởng thành, tôi giờ có 9 cháu ngoại rồi. Một chút vui ánh lên trên gương mặt, rồi rất nhanh, đồng chí rút ví của mình, lấy mấy triệu đồng, rồi nói: mẹ đông cháu như thế, tôi không kịp mua quà, cũng không có phong bì cho lịch sự hơn, nhờ mẹ mua quà chia cho các cháu cho vui. Mẹ lúng túng cảm động thốt lên Chu cha. Đồng chí lại cười không có chu cha chi cả, chỉ là tấm lòng của tôi với mẹ, có chút quà cho cháu thôi mà. Tay cầm gói quà của thành phố và món quà của đồng chí Bí thư biếu, mẹ cứ lúng túng, muốn nói điều gì đó thay lời cảm ơn mà chưa nói được. Lúc chia tay, mẹ cứ cầm tay một chị trong đoàn nhắc đi nhắc lại mỗi một câu: quý hóa quá!
Chúng tôi còn bắt gặp một lần nữa ở thôn Bình Hòa, xã An Dân huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên hình ảnh tương tự như vậy. Thăm gia đình thương binh nặng Nguyễn Bích Xo, biết vợ bác bị xuất huyết não, con dâu bị ung thư, địa phương mới trải qua một trận lụt lớn, ngoài việc trao tặng túi quà của thành phố, đồng chí Bí thư Thành ủy cũng lấy tiền của cá nhân mình tặng gia đình như niềm động viên, khích lệ mọi người vượt qua những lúc khó khăn. Nghĩa tình của những người đã trải qua năm tháng chiến tranh, sự sẻ chia, dù ít nhiều, cũng đều đáng quý.
Đi trên đất Bình Định lần này, thấp thoáng sau những câu chuyện mà anh em trong đoàn trao đổi với nhau về sự nghiệp nhà Tây Sơn, trong tôi cứ trở đi trở lại một ý nghĩ: khát vọng nào đã nung nấu và thôi thúc “Tây Sơn tam kiệt” đứng lên dựng cờ khởi nghiệp; điều gì đã tập hợp, kết nối cả một tầng lớp văn thần, võ tướng tài giỏi như thế của đất nước xung quanh một con người tài cao, chí cả, nhân ái và cũng rất con người như Nguyễn Huệ? Lại nhớ ý kiến của đồng chí Bí thư thành ủy trong buổi trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bình Định: tôi đề nghị các đồng chí suy ngẫm thêm về anh hùng Nguyễn Huệ, về những bài học lịch sử của triều đại ông. Ông là người của những quyết định, những trận đánh lớn và chỉ đánh một trận là giải quyết tất cả: đánh một trận Rạch Gầm - Xoài Mút là xóa sạch âm mưu xâm lược của Xiêm, đánh một trận là thống nhất đất nước, đánh một trận là kết thúc chiến tranh. Chúng ta ở vào hoàn cảnh khác, hành động khác nhưng trước những quyết định có ảnh hưởng đến địa phương mình, cũng nên học cách suy nghĩ đó. Bí thư Thành ủy vốn là cựu sinh viên khoa Lịch sử, chắc những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường hay sau này giữ những trọng trách khác nhau, đồng chí cũng đã suy nghĩ về điều đó nên mới có những gợi mở sâu sắc như vậy.
Quê hương Tây Sơn của anh em Nguyễn Huệ quả là vùng đất địa linh. Theo nhà thơ Quách Tấn - người đã dành phần lớn quãng đời mình nghiên cứu về nhà Tây Sơn và số phận công trình của ông cũng trải qua nhiều thăng trầm qua mấy cuộc chiến tranh, thì ba phần Tây Sơn thượng, Tây Sơn trung và Tây Sơn hạ gắn với những dãy núi, dòng sông như là ngọn nguồn của những phát tích kỳ lạ. Gạt bỏ đi tất cả những lớp truyền thuyết đậm màu huyền bí thì có thể thấy rằng câu nói “địa linh sinh nhân kiệt” là chuyện hoàn toàn có cơ sở hiện thực. Hoàn cảnh tự nhiên, môi trường sống, các quan hệ xã hội, những vấn đề lịch sử khi đã chín muồi... sẽ sản sinh ra những con người gánh trọng trách lịch sử. Nói như nhà thơ Chế Lan Viên thì lịch sử thường đi những lối không ngờ nhưng thực ra, nếu nhìn kỹ hơn, sâu hơn bằng con mắt phân tích sẽ thấy những quy luật của lịch sử bao giờ cũng hiện hình trong những sự kiện và những con người tiêu biểu ở khía cạnh này hay khác của thời kỳ ấy. Một khi lịch sử đã đặt vào vai họ nghĩa vụ nào đó thì cũng chính thời đại sẽ tạo ra những cơ hội để thử thách tài năng và bản lĩnh của họ. Gian nan là nợ anh hùng không phải là phát hiện của một học giả nào mà lại là đúc kết tuyệt vời của nhân dân. Cách lựa chọn hướng vào đời, cách giải quyết những vấn đề của lịch sử ở ba anh em “Tây Sơn tam kiệt” đã chứng minh điều đó.
Đứng trước pho tượng đồng uy nghi, thể hiện tư thế một võ tướng của Hoàng đế Quang Trung, tôi cứ thầm hỏi: không biết trong tư duy luôn sục sôi những kế sách đánh giặc, thu phục lòng người, chấn hưng đất nước ở ông, điều gì làm cho ông đau đáu nhất? Ba mươi chín năm sống trong dương thế, khởi nghiệp từ khi tuổi chưa đến 30, đúng như Đô đốc Bùi Thị Xuân đã nói “về tài ba thì Tiên đế ta bách chiến bách thắng, hai bàn tay trắng dựng nên cơ đồ”. Cái mỹ từ “người anh hùng áo vải” người đời vinh danh ông thật đẹp nhưng tôi vẫn thích hình ảnh ông trong ngày 5 Tết Kỷ Dậu cưỡi voi vào thành Thăng Long “áo chiến bào sạm đen khói súng”, vẫn thích tưởng tượng ông trên soái thuyền chỉ huy trận đánh Rạch Gầm - Xoài Mút lịch sử, tấm chiến bào trên vai ông phồng lên như một cánh buồm. Đánh bộ hay đánh thủy, hỏa công hay thủy chiến, bí mật bất ngờ hay thần tốc táo bạo, dùng tượng binh hay kỵ binh, trận nào cũng khiến kẻ thù bạt vía kinh hồn. Ngay cả câu chuyện “giả vương” của ông vua quan nhà Thanh biết mà vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt đã nói lên cái uy phong của ông khiến kẻ thù phải nể sợ thế nào.
Vẫn biết, mọi so sánh đều khập khiễng nhưng có lẽ chỉ Hoàng đế Quang Trung mới có những tuyên bố gạt bỏ mọi đắn đo sau trước, dám nói thẳng, nói thật lòng mình, nhân danh đất nước mình với kẻ thù như vậy. Tuyên ngôn của ông đánh cho để tóc dài, đánh cho để răng đen, đánh cho nó chích luân bất phản, đánh cho nó phiến giáp bất hoàn, đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ nói lên tất cả tầm vóc lớn lao của tư tưởng cầm quân nơi ông. Tôi thấm thía vô cùng lời dạy: chỉ có đánh cho kẻ thù tan mộng xâm lăng thì mới giữ được chủ quyền lãnh thổ, mới bảo vệ được truyền thống văn hóa của dân tộc mình.
(còn tiếp)