Quy hoạch và tính khả khi
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:56, 09/05/2012
Đáng chú ý là trong đó có những dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm, bãi đỗ xe cao tầng (kết cấu giàn thép) có quy mô và diện tích lớn. Với chức năng được giao, Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã có ý kiến cụ thể với từng đề xuất, có dự án là phù hợp với quy hoạch chung của thành phố, có dự án cần điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
Như vậy, sau khi Hà Nội quyết liệt thực hiện việc cấm trông giữ xe trên vỉa hè, lòng đường của hàng trăm tuyến phố, nếu những dự án trên được triển khai thì chắc chắn sẽ đáp ứng được một phần nhu cầu của người dân về chỗ để xe. Nhưng đó là chuyện của tương lai, còn vào thời điểm hiện tại thành phố vẫn đang thiếu trầm trọng chỗ để xe, nói cách khác là hạ tầng về giao thông chưa theo kịp sự phát triển.
Trên thực tế, xét về mặt "tầm nhìn quy hoạch" chúng ta đã thấy trước vấn đề này và đã có những định hướng, hoạch định về phát triển hạ tầng giao thông (ở đây cụ thể là xây dựng các điểm đỗ xe) để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của người dân. Năm 2001, thành phố đã lần lượt phê duyệt 9 dự án bãi đỗ xe với quy mô gần 40.000ha, chủ yếu nằm trong phạm vi đường Vành đai 2 và 3, gồm Gia Thụy (Long Biên); Bắc Yên Viên (Gia Lâm); Mai Lâm (Đông Anh); Xuân Phương, Tây Tựu, Phùng Khoang (Từ Liêm); Lĩnh Nam, Kim Ngưu (Hoàng Mai); Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì). Theo kế hoạch, những dự án này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2001-2005. Tuy nhiên, điều đáng nói là cho tới thời điểm này, 9 dự án nêu trên chưa có một dự án nào hoàn thành. Đặc biệt, không chỉ rơi vào tình trạng "giậm chân tại chỗ" mà nhiều dự án còn bị thay đổi mục đích sử dụng, biến tướng, "phù phép" thành siêu thị, trung tâm thương mại, ki ốt cho thuê, hoặc để hoang hóa… Những cơ quan chức năng chịu trách nhiệm về vấn đề này cho rằng nguyên nhân là do thiếu quỹ đất sạch và kinh phí để giải phóng mặt bằng; chưa có cơ chế, chính sách hấp dẫn nhà đầu tư… Song họ đã tham mưu cho thành phố giải quyết những bất cập trên ra sao thì lại ít thấy được đề cập. Kết quả là, kế hoạch xây dựng 9 dự án bãi đỗ xe chỉ có giá trị trên giấy tờ, ấy là chưa nói tới hàng nghìn mét vuông đất trong những dự án này bị xà xẻo và nếu thu hồi chắc cũng sẽ rất gian nan. Lại cũng theo cơ quan chức năng, năm trước (2011), đơn vị đã đề xuất bổ sung thêm hơn 40 dự án các bãi trông giữ xe mới đến năm 2015 nhưng… cấp trên chưa phê duyệt. Thử hỏi, nếu những vướng mắc, bất cập không có biện pháp "mở nút thắt", ai dám chắc là những dự án này sẽ thành hiện thực hay lại chung số phận với những dự án đã có từ hơn chục năm nay?
Không chỉ chú trọng vào quy hoạch phát triển các điểm đỗ xe, năm 2003, trong Quyết định 165 của UBND TP Hà Nội đã quy định rõ: "Yêu cầu bắt buộc các công sở, các trung tâm thương mại, dịch vụ, công cộng phải tự giải quyết nhu cầu đỗ và khuyến khích có dịch vụ đỗ công cộng. Đối với các vị trí xây trên lô đất lớn trên 1.000m2 bắt buộc phải bố trí tầng ngầm làm điểm đỗ". Nhưng thực tế hiện nay, các dự án này khi đi vào hoạt động thì chỉ đáp ứng được chỗ đỗ cho khoảng 30% số phương tiện, còn lại các chủ phương tiện phải "tự thân vận động". Câu hỏi đặt ra là tại sao những dự án đó vẫn được phê duyệt quy hoạch, vẫn được cấp phép xây dựng?
Có nhiều vấn đề thường được đổ lỗi cho việc "thiếu tầm nhìn". Song với vấn đề cụ thể nêu trên thì không phải như vậy. Đã có "tầm nhìn quy hoạch", đã có định hướng quản lý, phải chăng cái thiếu ở đây là công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát và cơ chế quy trách nhiệm cụ thể đối với các ngành chức năng? Đó chính là những vấn đề cần khắc phục để các quy hoạch, định hướng, chỉ đạo cụ thể đã đưa ra là phải thực hiện được.